Tình trạng thuê người mua ngoại tệ: Cần sớm ngăn chặn
Gần đây trên mạng xã hội xuất hiện tình trạng đăng tin tìm người mua hộ ngoại tệ, tiền công từ 700.000 đến 1,5 triệu đồng/ngày.
Mặc dù người mua ngoại tệ hộ chưa ý thức được việc này là đúng hay sai nhưng nếu liên tiếp thực hiện hành vi này thì sẽ tạo ra những hệ lụy khó lường, cần có giải pháp ngăn ngừa triệt để.
Công khai giao dịch trên mạng
Bật mí chiêu kiếm tiền của mình, anh Trần Thanh Toàn (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng) cho biết, một số bạn của anh tham gia nhóm “Mua bán ngoại tệ” trên Facebook, giao dịch với một tài khoản để mua ngoại tệ từ 3.000-5.000 USD/ngày/ ngân hàng, tiền công 800.000 đồng/ngày. Thực tế, có nhiều “mối” mua hộ ngoại tệ cao hơn, có nơi trả 1,2 triệu đồng/ngày nhưng với những người mới tham gia thì mức tiền công này là phù hợp.
"Thông thường, việc giao dịch cụ thể theo chỉ dẫn của người thuê. Họ hẹn mình đến ngân hàng, vào xuất trình hộ chiếu, căn cước công dân và chỉ việc ký vào giấy tờ do ngân hàng cung cấp”, anh Toàn cho biết.
Cuối ngày, khi hoàn tất các giao dịch như giao hẹn, người được thuê sẽ nhận tiền công như thỏa thuận. Theo anh Toàn, người thuê có nói là nhờ mua ngoại tệ để đi du lịch. Tuy nhiên, anh cũng chỉ biết vậy và không rõ người thuê còn mục đích nào khác hay không.
Từ thông tin của anh Toàn, phóng viên đã tham gia nhóm “Ngoại tệ chợ đen - chợ giá”, “Đổi ngoại tệ Hà Nội"… trên Facebook. Tại đây, hàng nghìn tài khoản đăng bài hoặc tra cứu thông tin. Mỗi ngày, hàng chục người đăng tìm người mua ngoại tệ hộ, cũng như đăng bán ngoại tệ giá “chợ đen”.
Tài khoản Đỗ Tú tại nhóm “Đổi ngoại tệ Hà Nội” đăng tìm người mua hộ ngoại tệ hằng ngày, thông điệp rõ ràng: “Em cần người đi đổi "đô" cùng em quanh Hà Nội, yêu cầu đơn giản hộ chiếu, căn cước công dân, sim chính chủ. Tiền công 800.000 và được ăn trưa”. Sau mỗi bài viết, lượng người nhắn tin, tìm hiểu khá sôi động.
Tại các hội nhóm, nhiều người xưng là nhân viên ngân hàng, luôn có sẵn ngoại tệ bán cho khách. Trong nhóm “Chuyển tiền nước ngoài - Mua bán ngoại tệ”, tài khoản Phương Thanh giới thiệu, Ngân hàng thương mại cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) vẫn đang cung cấp USD, EUR tỷ giá ưu đãi, tối đa 5.000 USD/người. Hồ sơ đơn giản, khách chỉ cần hộ chiếu/visa/vé máy bay hoặc làm bên mảng du học/du lịch/xuất khẩu lao động, cần nguồn USD lớn thì liên hệ trực tiếp.
Cần quy định chặt chẽ
Trao đổi với phóng viên Báo Hànôịmới, PGS.Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Đại học Tài chính khẳng định, việc mua ngoại tệ hộ là hành vi trục lợi. Theo quy định, những người đi du lịch, đi công tác nước ngoài hoặc đi xuất khẩu lao động thì được phép mua ngoại tệ trước 2 ngày bay tại các ngân hàng. Tổng lượng ngoại tệ một cá nhân được quyền mua tại ngân hàng không quá 5.000 USD hoặc các ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 ngày. Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp được thuê mua ngoại tệ tại nhiều ngân hàng cùng lúc, hình thành đường dây mua đi bán lại USD nhằm hưởng tiền chênh lệch, tác động tiêu cực đến việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước.
Theo PGS.Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, để kiểm soát việc này, các chuyên gia kinh tế đã nhiều lần đề xuất với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định các ngân hàng khi bán, đổi ngoại tệ cho cá nhân thì cần phải đóng dấu vào hộ chiếu của người đó để họ không thể đồng thời mua ngoại tệ cùng lúc tại nhiều ngân hàng. Đồng thời, cần đưa ra quy định thực hiện liên kết thông tin giữa các ngân hàng để mỗi cá nhân khi mua ngoại tệ sẽ hiện thông tin lên hệ thống, tránh việc tiếp tục mua tại nhiều ngân hàng khác.
Về vấn đề này, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI khẳng định, thuê người mua ngoại tệ là hành vi vi phạm pháp luật. Tại Điều 9, Thông tư số 20/2022/TT-NHNN ngày 30-12-2022 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam “Hướng dẫn hoạt động chuyển tiền một chiều từ Việt Nam ra nước ngoài và thanh toán, chuyển tiền cho các giao dịch vãng lai khác của người cư trú là tổ chức, cá nhân” quy định: Việc mua ngoại tệ phải do chính người có nhu cầu hoặc người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Nếu nhờ người khác mua hộ để sử dụng vào các mục đích hợp pháp, căn cứ vào các giấy tờ chứng minh như visa, vé máy bay, thông báo nộp học phí… thì có thể được. Còn nếu thuê người mua ngoại tệ, tức người mua không có nhu cầu sử dụng hợp pháp mà để giao cho người khác nhằm hưởng chênh lệch, sẽ bị xem là hành vi bị cấm đối với cả 2 bên thực hiện việc mua bán, đổi tiền hoặc giao dịch khác theo quy định tại Điều 22 về “Quy định hạn chế sử dụng ngoại hối”, Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013).
Mặc dù việc mua hộ ngoại tệ mang lại nhiều hệ lụy cho thị trường ngoại hối nhưng các giao dịch trên môi trường mạng lẫn ngoài thực tế vẫn khá sôi động. Để kiểm soát việc này, đề nghị các cơ quan chức năng sớm có biện pháp mạnh tay để chấm dứt các giao dịch trục lợi này, nhằm ổn định thị trường, tránh hiện tượng nhiễu loạn về tỷ giá ngoại tệ.