Tình trạng trầm cảm trong cộng đồng LGBTIQ+ khiến Việt Nam thiệt hại tới 7,8 nghìn tỷ mỗi năm
Vấn đề trầm cảm trong cộng đồng LGBTIQ+ khiến Việt Nam thiệt hại tới 7,8 nghìn tỷ đồng mỗi năm và chi phí phòng chống HIV/AIDS lên đến 111 nghìn tỷ đồng.
Đây là vấn đề được nêu ra tại hội thảo "Khi hòa nhập LGBT cũng là câu chuyện kinh tế" diễn ra vào chiều 28/9, tại TPHCM.
Theo Open For Business - một liên minh gồm các công ty toàn cầu phản ứng trước sự phản đối ngày càng gia tăng với việc hòa nhập LGBTIQ+ (viết tắt của các từ đồng tính nữ, nam, song tính, chuyển giới, vô tính…) ở nhiều nơi trên thế giới, đối với vấn đề y tế công cộng, tình trạng sức khỏe kém do phân biệt đối xử với người LGBTIQ+ khiến các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á thiệt hại tới 1,24% GDP mỗi năm.
HIV/AIDS và trầm cảm là hai vấn đề đáng chú ý nhất, nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung của cộng đồng LGBTIQ+ và đặc biệt là cộng đồng chuyển giới vẫn còn gặp nhiều thách thức.
Theo đó, tác động của HIV/AIDS đối với nam quan hệ đồng giới ở Đông Nam Á thường lớn hơn nhiều so với dân số nói chung. Sự kỳ thị dựa trên các chuẩn mực văn hóa là một trong những lý do dẫn đến tỷ lệ này cao. Tỷ lệ HIV/AIDS ở các quốc gia hình sự hóa quan hệ đồng giới cũng được nhận biết là cao hơn và ở những quốc gia này, kiến thức về tình trạng HIV/AIDS cũng như khả năng ức chế virus có xu hướng thấp hơn.
Trong khi đó, trầm cảm do kỳ thị và căng thẳng thiểu số ảnh hưởng đến cộng đồng LGBTIQ+ với tỷ lệ cao hơn đáng kể trên toàn cầu. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỷ lệ trầm cảm ở những người đồng tính nam cao gấp ba lần so với dân số trưởng thành nói chung.
Các cuộc khảo sát gần đây về sức khỏe tâm thần của cộng đồng LGBTIQ+ trưởng thành thực hiện ở Indonesia, Philippines, Singapore và Thái Lan cho thấy tình hình tệ hơn đối với cộng đồng LGBTIQ+.
Có tới 48% người LGBTIQ+ trưởng thành ở Singapore được chẩn đoán mắc chứng trầm cảm từ mức độ trung bình đến nặng. Tỷ lệ này ở Singapore cao, được xác nhận qua một nghiên cứu về nam giới GBTQ+ từ 18-25 tuổi tại quốc gia này, cho thấy 59% đã từng suy nghĩ về việc tự tử và 14% đã tự tử nhưng không thành.
Theo báo cáo của Open For Business, thiệt hại chi phí mỗi năm do chứng trầm cảm ở người LGBTIQ+ dẫn đến bệnh tật và mất tiền lương là rất lớn. Trong đó Malaysia khoảng 498,4 tỷ USD theo mức ước tính cao, Thái Lan là 424 tỷ USD, Singapore là 283 tỷ USD.
"Tình trạng trầm cảm trong cộng đồng LGBTIQ+ khiến Việt Nam thiệt hại tới 7,8 nghìn tỷ đồng mỗi năm và chi phí phòng chống HIV/AIDS lên đến 111 nghìn tỷ đồng. Những chi phí này xuất phát từ tình trạng bệnh tật và bị mất thu nhập, cho thấy việc tăng cường can thiệp và phòng ngừa có thể đóng vai trò quan trọng trong việc củng cố nền kinh tế", đại diện của Open For Business cho biết.
Tại hội thảo, bà Ngô Lê Phương Linh - Giám đốc ICS, tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong việc thúc đẩy sự đa dạng, hòa nhập và bình đẳng cho người LGBT tại Việt Nam - chia sẻ một số khó khăn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe, y tế đối với các bạn trong cộng đồng LGBTIQ+. Theo đó, một số trường hợp khi đến cơ sở y tế khám chữa bệnh có thể gặp phải tình trạng phân biệt đối xử, nhất là các bạn có thể hiện giới bên ngoài khác với giới trên giấy tờ, chưa kể là một số bạn có thể gặp sự phân biệt đối xử kép khi có HIV. Về sức khỏe tinh thần, theo nghiên cứu đưa ra, cộng đồng LGBTIQ+, nhất là các bạn trẻ, bị trầm cảm và dẫn đến những lựa chọn giải quyết tiêu cực cao hơn đối tượng khác từ 2 đến 3 lần.
Bà Ngô Lê Phương Linh cho biết: "Những vấn đề sức khỏe tinh thần, trầm cảm xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có mối quan hệ trong gia đình, không thể chia sẻ với người thân. Ở trường học thì một số trường hợp có thể gặp phải vấn đề bắt nạt học đường, phân biệt đối xử từ bạn học. Trong môi trường làm việc thì một số bạn LGBTIQ+ khó có thể chia sẻ với đồng nghiệp, khó có sự hòa nhập khi trao đổi các câu chuyện về vợ chồng, con cái. Những vấn đề nhỏ này kéo dài xuyên suốt trong cuộc sống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của một số bạn".
Theo Giám đốc ICS, đối với vấn đề sức khỏe tinh thần, trầm cảm trong cộng đồng LGBTIQ+ thì cần chú ý đến 2 góc độ, phòng bệnh và chữa bệnh. Không có sự phân biệt đối xử ở góc độ gia đình, bạn bè ở trường học, đồng nghiệp tại nơi làm việc sẽ góp phần giúp người trong cộng đồng LGBTIQ+ không bị ảnh hưởng về sức khỏe tinh thần.
Để không xảy ra phân biệt đối xử thì cần thay đổi nhìn nhận của gia đình, nâng cao nhận thức cho người thân, sự nhìn nhận của giáo viên, học sinh. Ở môi trường làm việc thì cần nâng cao nhận thức của lãnh đạo, đồng nghiệp. Đây là một quá trình lâu dài cần kiên trì và nỗ lực nhiều đơn vị cũng như cộng đồng.
"Những trường hợp đã gặp phải vấn đề về sức khỏe tinh thần, mắc phải trầm cảm thì cần đến cơ sở khám chữa bệnh có chuyên môn, gặp gỡ chuyên gia tâm lý. Tuy nhiên, những cơ sở khám chữa bệnh, chuyên gia tâm lý này cũng cần có sự thân thiện với những trường hợp thuộc cộng đồng LGBTIQ+ để quá trình tư vấn, điều trị đạt được hiệu quả", Giám đốc ICS Ngô Lê Phương Linh bày tỏ.