Tình trạng trẻ em bị xâm hại gia tăng, đi ngược với mục tiêu của Quốc hội
Nghị quyết số 121 của Quốc hội đặt ra yêu cầu kiềm chế và kéo giảm từ 5 đến 7% các loại tội phạm xâm hại trẻ em nhưng thực tế, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại đều có chiều hướng gia tăng.
Chiều 1/11, thảo luận về tình hình Kinh tế - Xã hội 2023 tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề cập đến các vấn đề liên quan đến giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trần Thị Thanh Hương - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang quan tâm đến các giải pháp bảo vệ trẻ em. Theo đó, Nghị quyết số 121 của Quốc hội đặt ra yêu cầu kiềm chế và kéo giảm từ 5 đến 7% các loại tội phạm xâm hại trẻ em nhưng thực tế, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại đều có chiều hướng gia tăng.
Trong đó, trong số các vụ việc trẻ em bị bạo lực, tỷ lệ trẻ em bị bạo lực gia đình có xu hướng tăng (năm 2020 chiếm 5,55%; năm 2021 chiếm 5,98%; năm 2022 chiếm 7,5%). Đáng chú ý một số vụ việc trẻ em bị xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng lại chính do người thân, người có trách nhiệm chăm lo chăm sóc nuôi dưỡng cho trẻ em gây ra.
Đại biểu đề xuất Quốc hội và Chính phủ tăng cường chỉ đạo, ưu tiên đảm bảo nguồn lực, chú trọng hơn nữa công tác giám sát việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến trẻ em và phòng chống xâm hại trẻ em. Nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp giữa các tổ chức, nhất là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam để việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em được thực hiện một cách đồng bộ, thiết thực và hiệu quả hơn.
"Việc theo kịp chương trình học đổi mới của con em lao động tương đối khó khăn"
Liên quan đến lĩnh vực giáo dục, tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, cần chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, trình độ chuyên môn cho những đổi mới trong ngành giáo dục.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành giáo dục, nhất là khi nửa thời gian nhiệm kỳ vừa qua chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ quan ngại đối với việc thực hiện một số mục tiêu về chất cũng như về lượng trong lĩnh vực giáo dục mà kế hoạch 5 năm đề ra.
Đại diện cho cử tri là các công nhân lao động, đại biểu phản ánh, việc đổi mới chương trình học gắn với triển khai dạy tích hợp là xu thế chung của giáo dục phổ thông trên thế giới, nhưng với chúng ta chỉ là đang bắt đầu, chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình độ chuyên môn của giáo viên.
Theo đại biểu, giáo viên cần được đào tạo ngay từ trường đại học, trang bị kiến thức theo xu hướng giáo dục mới một cách chính quy để có đủ năng lực, kiến thức nền chuẩn để truyền thụ cho học sinh. Trong khi đó, đa phần giáo viên hiện nay mới được tập huấn, đào tạo trong các lớp ngắn hạn, việc này gây áp lực lớn cho cả giáo viên lẫn học sinh.
Về phân ban chương trình giáo dục bậc phổ thông trung học, đại biểu cho biết, chưa có sự đồng bộ trong xây dựng giữa các bộ môn khi cho học sinh chọn phân ban, chọn tổ hợp. Việc phân ban, tổ hợp giữa các trường, các địa phương cũng không đồng đều ở các trường, các địa phương. Đối với học sinh là con công nhân, thường xuyên phải chuyển nơi ở, chuyển trường do điều kiện kinh tế, việc làm của cha mẹ không ổn định, việc theo học và theo kịp chương trình học của con em lao động là tương đối khó khăn. Đại biểu đề nghị cần có biện pháp phù hợp để giải quyết vấn đề này.