Tình trạng 'trộm' nước, xả rác bao giờ chấm dứt?

Đó là thực trạng, cũng là vấn đề trăn trở suốt thời gian qua của chính quyền địa phương và Nhà máy nước Phan Thiết. Nỗi lo thiếu nguồn nước cung cấp sinh hoạt cho người dân, cộng thêm chất lượng nước đang bị đe dọa bởi những người thiếu ý thức.

Nguồn nước cung cấp cho TP

Nguồn nước cung cấp cho TP. Phan Thiết:

Chắt chiu… nước

Đã vào thời điểm trung tuần tháng 5, nhưng Bình Thuận vẫn đang trải qua những ngày nắng cháy. Suốt 5 tháng qua, Bình Thuận hầu như không có mưa, nên nguồn nước ít ỏi tại các sông suối, hồ thủy lợi càng cạn kiệt. Riêng tại TP. Phan Thiết, trung tâm của tỉnh hiện có 49.000 khách hàng sử dụng nước. Số lượng khách hàng lớn, nhu cầu sử dụng nhiều, nhưng nguồn cung cấp nước sinh hoạt của cả thành phố phụ thuộc vào nguồn nước lấy từ hồ Sông Quao, thông qua đập Phú Hội và hồ Cà Giang (Hàm Thuận Bắc).

Kênh dẫn nước từ hồ Cà Giang.

Tại nơi đầu nguồn cung cấp nước là hồ Cà Giang, được đầu tư xây dựng năm 1985 và nâng cấp năm 2010 với dung tích 0,9 triệu m3. Công trình cấp nước tưới cho 200 ha của xã Phong Nẫm, cấp nước sinh hoạt cho TP. Phan Thiết. Tuyến kênh chính từ hồ Cà Giang về TP. Phan Thiết dài khoảng 6 km, đi qua vùng sản xuất thanh long và khu dân cư, phần lớn có nắp đậy, một số vị trí hở.

Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Chi nhánh cấp nước Phan Thiết cho biết: Chi nhánh sản xuất 1 ngày khoảng 22.000 m3 nước. Ngoài ra, nguồn nước được mua từ Công ty Bình An 10.000 m3/ ngày đêm và Công ty Bình Hiệp (tại hồ Cà Giang) 32.000 m3/ngày đêm để cung cấp cho toàn bộ dân cư tại TP. Phan Thiết. Với nguồn nước hiện có đang dần bị cạn kiệt do hạn hán, chi nhánh cấp nước đang cố gắng hết sức, sử dụng hết công suất để phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân. Tuy vậy, nguồn nước lại phụ thuộc rất lớn vào sự điều tiết của Công ty Khai thác công trình thủy lợi. Đặc biệt khi những ngày tới, các trường học bắt đầu hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ dài do dịch Covid- 19, chắc chắn nhu cầu sử dụng nước sẽ tăng cao hơn nữa. Do đó, công ty đang nỗ lực vừa đảm bảo nhu cầu sử dụng nước của nhân dân, vừa nâng cao chất lượng nước.

Cần có ý thức

Đóng vai trò đầu nguồn quan trọng như vậy, nhưng thật đáng buồn là thời gian qua, do nguồn nước cạn kiệt, chỉ ưu tiên cho nước sinh hoạt, nên nhiều diện tích thanh long trên địa bàn Hàm Thuận Bắc bị ngưng cấp nước. Do tâm lý “trộm” nước cứu thanh long, nên nhiều người dân đã đặt ống, thậm chí đập bể cống tại các đoạn kênh để bơm nước. Vào ban đêm còn bị dân chặn dòng lấy nước nên lượng nước chảy về Phan Thiết rất yếu. Điều đáng nói là tại những điểm cống giao nhau, có rất nhiều rác thải sinh hoạt như túi ni-lon, nhựa… bị vứt tràn lan vào lòng kênh. Cuộc “giữ” nước trong bối cảnh hạn hán, nước quý hơn vàng như lúc này quả thật cam go…

Về các giải pháp khắc phục tình trạng trên, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ: Thời gian qua, nhà máy đã phối hợp với cảnh sát môi trường và chính quyền địa phương làm việc, phát tờ rơi, kiểm tra việc vứt rác. Đồng thời tuyên truyền cho người dân trong khu dân cư dọc hồ Cà Giang và Phú Hội, hàng ngày đơn vị cử người đi vớt rác… Tuy vậy, mọi việc vẫn đâu lại vào đó, khi tình trạng xả rác xuống kênh vẫn tiếp tục diễn ra nhưng rất khó xử lý, vì các hoạt động thường xảy ra ban đêm. Hiện nguồn nước nguồn sau khi chảy về nhà máy, sẽ qua các giai đoạn lắng lọc và xử lý, bảo đảm an toàn cho người dân khi sử dụng nước sinh hoạt…

Thiết nghĩ, chỉ có ý thức của người dân mới giải quyết triệt để được vấn đề xả rác thải, bảo vệ nguồn nước. Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có chế tài xử phạt với những cá nhân có hành vi xả rác xuống kênh và lấy nước vô tội vạ, phá hoại công trình thủy lợi… Trong khi Nhà nước đặt ưu tiên nguồn nước sinh hoạt lên hàng đầu, thì người dân cần tuân thủ, nâng cao ý thức bảo vệ nguồn nước và môi trường chung.

K.Hằng

Nguồn Bình Thuận: http://baobinhthuan.com.vn/phap-luat/nguon-nuoc-cung-cap-cho-tp-phan-thiet-tinh-trang-trom-nuoc-xa-rac-bao-gio-cham-dut-127177.html