Tính triết lý và sự mạo hiểm trong thơ Minh Anh

'Một ngày từ bên trong' là tập thơ song ngữ Việt - Anh của Minh Anh. Tập thơ chia làm 3 phần với gần 300 trang sách. Thơ Minh Anh có câu chữ tự do, không nặng về cấu trúc, ý tứ, như con sóng dâng cao tràn bờ, cứ thế gối tiếp không ngừng.

Minh Anh chú trọng đào sâu chính mình, đào sâu cuộc đời, đào sâu vũ trụ. Qua đó để tìm về sự thật cần biết, đó là cái tự nhiên, vô vi. Và bởi chính sự đào sâu đó, mà tôi cho rằng, Minh Anh đang mạo hiểm với chính mình, vì quá cô đơn, vì quá cô độc.

Trong bài Khác biệt, Minh Anh viết:

"đại dương và tôi
cả hai đều bị cái “to lớn” làm choáng ngợp
và lại bị cái “nhỏ bé” làm choáng ngợp hơn
vì chúng tôi
cô độc cùng nhau"

Minh Anh cảm thấy sự cô độc là đặc tính của vũ trụ và là đặc tính của cá nhân. Hai đặc tính này có cùng sự đồng nhất, đó là đều bị choáng ngợp trước cái “to lớn” và cái “nhỏ bé”. Sự cô độc như vậy là thể hiện sự sợ hãi và yếu đuối trước “vũ trụ to lớn vô lý”. Minh Anh có lẽ đang trên hành trình tìm hiểu chính mình, đồng thời tìm hiểu về vũ trụ bao la. Những gì chúng ta đang trong quá trình tìm hiểu đều hiện diện ra thật vô lý, mới mẻ, và rắc rối.

Tập thơ "Một ngày từ bên trong" của Minh Anh.

Tập thơ "Một ngày từ bên trong" của Minh Anh.

Đối với Minh Anh, thì “Tuổi thơ” là “khoảnh khắc hạnh phúc ngắn ngủi”, là “một kho báu của nhiều bí mật ngọt ngào”. Tuổi thơ của Minh Anh không cô độc, nhưng cô đơn. Cô đơn thì dễ thở hơn cô độc. Trong sự cô đơn đó, mà tác giả tìm thấy được sự “tự do vô cùng”.

Minh Anh thích nói về nước, về đại dương, về sóng, về vũ trụ. Điều này cho thấy tâm hồn thi sĩ uyển chuyển, linh động, rộng mở, thích bao quát những thứ lớn lao. Và chắc rằng, tác giả thích cái gì đó xa xăm, mơ hồ, không nắm bắt được.

Nước là thứ mà Lão Tử dùng để nói về Đạo của mình, biểu hiện cho cái thích ứng, thuận lẽ tự nhiên mà sống. Có lẽ Minh Anh yêu cái sự vô vi của Lão Tử, nên trong những câu thơ luôn cho thấy sự tìm về với Đạo mà Lão Tử đề xướng, về với cái chân như. Minh Anh coi nước như có quyền năng, có cơ thể tuyệt đẹp: “Cơ thể tuyệt đẹp không giới hạn của nước” (Xuyên qua tất cả).

Tác giả thật tinh tế khi viết:

"viên sỏi bỏ lại hơi ấm của người
trước khi buồn bã trượt mình tối đa
nó nhẹ nhàng cắt đôi không khí
nhẹ nhàng can thiệp vào thế giới hiện tại"

Đó là sự miêu tả về viên sỏi, một “nhân vật” trong bài “Xuyên qua tất cả”. Đoạn thơ trên trước tiên là nói về sự chuyển động của viên sỏi, sau đó là nói đến linh hồn của sỏi. Đoạn thơ như bước ra từ ý “vạn vật đều có linh”. Viên sỏi, dù chỉ là vật vô tri, nhưng nó vẫn tác động đến đời sống của sự sống, khi nó tác động đến không khí, và đó chính là sự can thiệp nhẹ nhàng của nó đối với thế giới hiện tại. Đoạn thơ trên cũng nhắc nhớ chúng ta nhớ đến hiệu ứng cánh bướm. Đó là cánh bướm vỗ bên này châu Á, nhưng có lẽ bên trời Âu cũng có dư chấn của nó. Một mối liên hệ, gắn chặt đời sống với nhau của vạn vật, dù tiêu cực hay tích cực.

Ta bắt gặp trong thơ Minh Anh tính nhân quả trong nhà Phật, những triết lý đời sống mà ta bắt gặp qua những bài giảng của những thiền sư chân chính.

"giống như cái cây
mọi người lớn lên cùng một thân
cho đến khi nó xòe tán
cành mọc dài ra
vươn xa khỏi nhau
không bao giờ gần được nữa
chúng ta gặp những con người mới
những chiếc lá xanh tươi
mùa đông đến
lá rơi xuống bỏ lại cành trơ trọi
nhắc chúng ta rằng
phía bên kia của một nửa thế giới
dẫu không còn cạnh nhau
mình luôn là sự kết nối
chung một dòng nước
chung một thân cây
chung một gốc rễ

cuối cùng, ở nơi nào đóchúng ta chính là mảnh đất, là quả đấttái hợpsinh ra một cái cây kháccủa tình bằng hữu tuyệt vời". (Cái cây của tình bằng hữu)

Thơ Minh Anh là những chiêm nghiệm từ bản thân đối với thực tại, là những tinh chọn từ triết lý xa xưa. Tuy nhiên, không phải lúc nào sự tinh chọn đó cũng khiến cho những câu thơ mơ mộng, đôi lúc, Minh Anh sa vào sự kể khiến cho bài thơ mất đi cái lấp lánh của nó, mặc dù bài thơ cho người đọc thấy cái giản đơn hạnh phúc nhất của con người là quay lại, gần gũi với tự nhiên mỗi khi bế tắc, khổ đau. Và khi đó, sự gần gũi đó sẽ lại thôi thúc ta trở nên mạnh mẽ hơn, biết yêu thương hơn. Và khi đó, chính thiên nhiên, bằng tiếng nói riêng của mình sẽ khuyên lơn, hối thúc ta trở về với đời sống vốn có của ta, cuộc sống vốn có là đẹp.

"ở một đoạn sông uốn quanh
xa khỏi cuộc sống và âm nhạc
có người đang ngồi trên đá
đồng hành bởi dòng nước mát lạnh chảy qua chân
người đó cảm thấy mình thật hạnh phúc nơi vắng vẻ
nhưng dòng nước mát lạnh
là tiếng gọi của dòng sông
gọi người ấy quay về
với cuộc sống và âm nhạc".

(Giữa người và thiên nhiên hôm nay)

Dường như, đối với Minh Anh, ký ức là nguồn cảm hứng cho những câu thơ trỗi dậy. Dường như với Minh Anh, khi trống rỗng, cảm xúc sẽ bật lên. Trống rỗng ở đây là khi cánh cửa tâm hồn mở ra, khi cửa chính và cửa sổ ngôi nhà mở ra, chúng ta thấy được bầu trời, ánh trăng. Minh Anh đang chậm rãi đến với khu vườn đẹp, và khu vườn đẹp đó luôn có một góc cho tuổi thơ.

"lúc tâm trí ta trống rỗng nhất
cảm xúc sẽ biết lúc nào dậy lên
hay lúc ta ẩn mình trong nỗi buồn không tên
bay về thời thơ ấu".

(Ngắn ngủi)

Chính từ sự trống rỗng đó, mà Minh Anh đã dẫn dắt người đọc đi đến tiếp với dòng sông, thành phố, đến với “Nông trang” êm ả, vô ưu, vô lo, bình dị:

“dòng nước trong veo bầy vịt lội bì bõm. Đàn quạ bay ngang
và níu nhau kêu inh ỏi. Đàn bò nhai ngấu nghiến vài cọng
cỏ mềm. Dê quẹt quẹt vào đôi bàn tay nhỏ nhắn của người.
Đám cừu nằm phơi nắng, ngày mở toang ra”.

Những cảnh vật mà ai cũng thấy, nhưng không phải ai cũng nói lên được. Nhưng không phải ai cũng tả lên được bằng thơ. Minh Anh đã sống thật chậm với những khoảnh khắc thường hằng như thế, và chính thế mới ghi lại được vẻ đẹp của nó. Phải quan sát thường xuyên, phải chăm chú nhìn, phải chìm đắm vào cái đẹp, cái buồn của sự sống thì chúng ta mới thấy được cái thần tiên của thực tại. Bằng không, chúng ta chỉ thấy được những cái thô ráp, những thứ không khiến cho tâm hồn chúng ta đẹp hơn.

Thơ Minh Anh có gì đó của một người đang đi “phượt”, vừa đi vừa kể cho chính mình, rồi sau đó sẽ ngồi lại kể cho bạn bè, người thân nghe: Tôi đã thấy như thế, nó như thế, ôi đẹp biết bao, kỳ diệu biết bao!

Thơ Minh Anh có nét gì đó của thứ thơ “Lá cỏ” của nhà thơ Mỹ Walt Whitman, có nét gì đó dung dị của Nguyễn Bính, và có nét gì đó rất triết lý của Chế Lan Viên, và một ít huyền ảo của nhà văn người Colombia Gabriel Garcia Marquez. Ta cũng tìm thấy trong thơ Minh Anh một góc, dù rất nhỏ của Hàn Mặc Tử, đó là cái mơ mộng quá nhiều đến hư ảo, dẫn đến hư hao.

Và trên hết, trong thơ Minh Anh, ta thấy được cái luân hồi mà Đạo Phật thường nhắc đến, đó là sự tái sinh sau khi ta chết đi, tùy theo nghiệp quả mà thành hình vào kiếp sau, hoặc ở cõi ta bà, hoặc ở các cõi vô hình khác. Minh Anh vận dụng thuyết này một phần để đưa vào thơ của mình, thứ thơ giàu cảm xúc và đầy suy tư:

"con bướm đau thương đã chết
tái sinh thành một người buồn"

(Màu xanh buồn)

Minh Anh cũng dẫn dắt người đọc nhẩn nha đến với thiên nhiên, mà qua thiên nhiên, chúng ta sẽ biết mình đang ở trạng thái nào, suy tư nào:

"cô gái chăm chăm nhìn ngọn cỏ
nghĩ mình cảm nhận sâu
những gì cần được cảm thấu

những gì được cảm thấu
thực tế lại chẳng như vậy
ít nhất là như
chính từ ngọn cỏ"

(Gửi cô gái chăm chăm nhìn ngọn cỏ)

Chúng ta cứ nghĩ mình biết nhiều, đã đủ kiến thức để hiểu sâu mọi thứ. Nhưng rồi:

"giữa bóng đêm bình lặng
không có ánh trăng
không gian hờ hững"

(Gửi cô gái chăm chăm nhìn ngọn cỏ)

Chúng ta dường như thấy được cách sống hời hợt của mình. Cách sống đã tách chúng ta ra khỏi thực tại. Chúng ta tưởng mình hơn hẳn tất cả, cho đến khi chúng ta ở một mình, cho đến khi chúng ta cô độc, chúng ta nhận ra mình chẳng biết gì cả.

Đọc thơ Minh Anh, người đọc khó đoán ra được tác giả là nam hay nữ, là ít tuổi hay nhiều tuổi, bởi chất triết lý được cài vào những câu thơ đơn giản, tự nhiên, không bị vướng mắc vào giới tính. Tác giả đã tách bạch được mình khỏi thực tại, khỏi chính mình để đi vào không gian thơ. Để từ đó, những câu ra đời, như mây đen thì mưa xuống, như đông đến thì gió lạnh và tuyết rơi. Những câu thơ nhẹ nhàng mà sâu sắc đến kỳ lạ:

"cánh đồng trống
trời mù sương
tôi ngồi một mình
không đợi ai
điều gì đến sẽ đến"

(Có thể tự biết cách)

Hiển nhiên, những gì tác giả viết ra dù viết cho ai, hay viết cho chính mình đều là từ tâm trạng mình ra. Minh Anh, ở trong một vài khoảnh khắc nào đó, đã rơi được vào trạng thái thảnh thơi mà ít người có được. Tuy nhiên, tác giả đã không nối dài được mạch này suốt hết tập thơ, suốt hết bài thơ. Có lẽ tâm hồn thi sĩ nào cũng vậy, rắc rối, phức tạp, nhiều khi dẫn đến mơ hồ, và tự trói mình vào cái mơ hồ đó mà đi hết cuộc đời. Với Minh Anh là còn để “mãi mãi chờ mảnh tôi còn lại của mình”. Minh Anh, bằng thơ đã tìm cách du hành tìm lại chính mình, tìm lại sự thiếu hụt của mình. Minh Anh dũng cảm, kiên nhẫn. Và chỉ có như thế, mới đi qua đại dương, sông, vũ trụ mà Minh Anh hằng nhắc đến, ở đó là mù sương, là một mình, là buông xuôi, “điều gì đến sẽ đến”.

Ở thơ Minh Anh, ta không bắt gặp một sự lên gân nào. Minh Anh chân thật với cảm xúc, với câu chữ. Dù câu chữ đó chưa thật tinh gọn, dù cảm xúc đó chưa thật tinh nhạy. Nhưng như thế là đủ là để Minh Anh tiếp tục cuộc hành trình tìm kiếm chính mình qua thơ ca, tìm kiếm cái đẹp ngay ở đây, ở tại đây. Ở đó có sắc màu, muôn sắc màu.

Nhưng Minh Anh, như đã nói, trong hành trình đi tìm chính mình, đi tìm cái rộng lớn của vũ trụ bao la, đã khiến chính mình bất nhất, không cố định vào một nhận định nào của chính mình. Điều này có vẻ giống trào lưu hậu hiện đại một thời trong nghệ thuật, mọi thứ phân mảnh, không cố định. Minh Anh vừa già giặn, vừa trẻ con. Vừa tỉnh táo, vừa mơ màng:

"thế giới này có thật không
cuộc sống này có thật không
điều gì sẽ xảy ra
nếu tôi thực sự cô đơn
trong một vũ trụ
chỉ là sản phầm
từ trí tưởng tượng của mình"

(Sô diễn của ông Truman)

Minh Anh cũng khiến người đọc cảm thấy xót xa cho nhân vật nàng. Nàng mới đáng thương làm sao. Nàng phải quen dần với thực tại nhiều buồn khổ, xấu xa. Nàng lớn lên, và một mình phải trải qua thực tại đó.

"thời gian trôi qua
nàng đã lớn lên rồi
trở nên quen dần
hiện hữu tại nơi đây
chẳng có ai đã từng
cùng nàng mà cảm nhận"

(Cô đơn đến nỗi ngay cả cô đơn cũng không thể tự đo đếm được)

Minh Anh hay “lục lọi” chính mình thông qua việc tìm lại ký ức. Với Minh Anh, tuổi thơ là đẹp. Đó là những ngày trong trẻo. Mà khi nhìn lại, chúng ta phải khóc, phải thân trách phận:

"tôi khóc cho những tháng ngày trong trẻo
cô gái nhỏ trong chiếc gương
dán mắt nhìn tâm hồn trong đôi mắt mình
không nhìn cái thế giới bên ngoài
đang lấy tuổi thơ của nàng đi khỏi"

(Khóc thân tôi)

Chính vì thế, khi đã không còn thấy được niềm vui với thực tại, với những gì đang diễn ra, chúng ta thường tìm về những ký ức đẹp. Khi chúng ta không còn tin vào những con người, thì những thứ xa xôi không nắm bắt được, lại là những thứ đáng tin nhất. Những thứ không bao giờ hại ta, nói xấu ta, chơi xỏ ta. Với Minh Anh, đó là những ngôi sao:

"người duy nhất tôi tin
vào lúc cô đơn nhất
chính là những ngôi sao
lung linh lấp lánh đêm trời cao
khi chúng ta càng xa khỏi ngôi nhà tâm hồn
hoặc khi đời là một mớ hỗn độn
những ngôi sao sẽ càng tìm đến
như là người bạn đồng hành
để yêu thương"

(Những ngôi sao)

Thơ Minh Anh có ảnh hưởng sâu của Đạo Phật. Đạo Phật thể hiện qua việc tìm lại chính mình, qua sự luân hồi, và qua cả việc tự đốt đuốc mà đi như lời Phật từng dạy, điều này được thể hiện rõ ràng qua đoạn thơ:

"bạn là tổ ấm của mình
hãy biến bản thân thành tuyệt tác
tuyệt vời như một vườn hoa
tắm mình trong hoàng hôn nhẹ nhõm"

(Mantra)

Minh Anh dường như đang nỗ lực thúc đẩy một thứ thơ mới khác so với dòng thơ Việt Nam mấy chục năm qua. Thư thơ tự do hơn cả tự do, không theo một trật tự, ý tứ gì. Thứ thơ triết lý mà không khô cứng như Chế Lan Viên. Và mọi nỗ lực đó chỉ mới đang bắt đầu. Dòng thơ của Minh Anh tuôn chảy nhẹ nhàng, êm ái, khiến nhiều người khó nhận ra được những biến chuyển trong đó. Đọc thơ Minh Anh, chúng ta khó lòng đọc nhanh, mặc dù câu chữ đơn giản. Đọc thơ Minh Anh, chúng ta khó lòng khoan khoái, mặc dù câu chữ không ủy mị. Minh Anh dường như đang đứng giữa hai ngọn núi. Ngọn núi phía sau lưng là chất chồng những bài thơ cũ. Và ngọn núi phía trước mặt trắng xóa, chưa có bài thơ nào được sắp đặt lên đó. Minh Anh đang đứng giữa đó. Minh Anh cần nhiều thứ, cần sửa soạn nhiều thứ cả tâm hồn, suy tư, chất sống. Chỉ có như vậy, Minh Anh mới đến được nơi cần đến mà mình đã hằng mong.

Minh Anh là thi sĩ tự vấn mình, dù chưa rõ nét. Minh Anh đang hé cửa tâm hồn mình ra. Chỉ có mở được cửa tâm hồn mình, thi sĩ mới dần hiểu được những thứ ngoài mình, hiểu được vũ trụ bao la. Minh Anh đã mạnh dạn phơi bày những yếu điểm, khiếm khuyết của mình trong thơ. Qua đó để tìm đến cái tinh khiết của chính mình, của cuộc đời. Qua đó, để tìm được sự đồng cảm của người đọc. Minh Anh không ngần ngại khoe xấu mình:

"tôi hoàn toàn đơn độc
trong hình hài một hiện thực
nặn ra bởi những sai lầm"

(Những sai lầm)

Thơ Minh Anh mặc dù chưa thật khác hoàn toàn với dòng thơ đương đại, nhưng Minh Anh đã tạo cho mình một chỗ đứng riêng, không lẫn với ai. Thơ Minh Anh đâu đó còn cảm xúc, cái loáng thoáng của Vũ Hoàng Chương, của thời thơ Mới, nhưng lối nghĩ đã khác, suy tư đã khác. Thơ Minh Anh nghiêng về chiêm nghiệm cuộc sống, về Đạo, ít thấy về tình yêu. Thơ Minh Anh chậm rãi, nhẩn nha. Đọc thơ Minh Anh, người đọc không thể vội, không thể đọc theo ý mình được. Thơ Minh Anh bắt người đọc phải theo cái “sai khiến” của Minh Anh, đọc một cách thảnh thơi, đọc một cách nhẹ nhàng. Qua tập thơ này, chúng ta có quyền hy vọng nhiều ở Minh Anh, một thi sĩ quyết liệt đi sâu vào tâm hồn mình, và đang rất cố gắng để tránh những dòng thơ đương đại đang tuôn chảy. Minh Anh nếu bền bỉ đi theo lối này, thì nhiều bài thơ minh triết sẽ được sinh ra.

Vũ Hà - Phụng Thiên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tinh-triet-ly-va-su-mao-hiem-trong-tho-minh-anh-a25429.html