Tỉnh từng có xuất phát điểm nghèo phát triển thần tốc, sở hữu nhà máy tỷ đô và đô thị thông minh
Tỉnh có xuất phát điểm thấp nhưng đến nay đã trở thành một kỳ tích, một hình mẫu phát triển của Việt Nam.
Mới đây, tại Hội thảo kỷ niệm 25 năm thành lập tỉnh Bình Dương, PGS TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng khẳng định: "Bình Dương là một kỳ tích của Việt Nam về phát triển kinh tế, công nghiệp hóa".
Theo PGS TS. Trần Đình Thiên, Bình Dương là một tỉnh có điểm xuất phát thuần nông, nghèo với điều kiện phát triển hết sức khó khăn. Tuy nhiên, tỉnh có vị trí nằm liền kề TP. HCM và là tỉnh đi sau nên Bình Dương đặt ra phương châm "đột phá và tiến vượt" và "nguyên lý Gravity – nước chảy chỗ trũng".
Trên thực tế, quy mô kinh tế của Bình Dương khi mới tách tỉnh chỉ đạt 3.919 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2021, quy mô kinh tế tỉnh đạt 408.861 tỷ đồng, gấp 104,3 lần năm 1997. Cùng với đó, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 1997–2021 đạt 10,86%/năm. Hiện nay, GRDP bình quân của Bình Dương đã vượt TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, vươn lên đứng thứ 3 cả nước.
Trong nhiều năm qua, Bình Dương luôn có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước.
Bên cạnh đó, từ năm 2017, Bình Dương được công nhận là tỉnh đầu tiên trong cả nước không còn hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn của tỉnh còn dưới 1%. Năm 2019, 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành kế hoạch đề ra trước một năm. Tỷ lệ đô thị hóa tăng mạnh, đạt 82% vào năm 2020, hơn gấp 2,5 lần so với trung bình của cả nước.
Trong năm 2021, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 2,62%. Đây là mức tăng trưởng tích cực nhất trong tứ giác kinh tế phía Nam (Đồng Nai tăng trưởng 2,15%, Thành phố Hồ Chí Minh tăng trưởng âm 6,72%, Bà Rịa - Vũng Tàu âm 6,26%). GRDP bình quân đầu người hiện nay tại Bình Dương đạt gần 7.000 USD/người/năm, thuộc vào nhóm 3 địa phương dẫn đầu cả nước.
Đáng chú ý, công tác thu hút đầu tư nước ngoài trong năm 2021 đạt gần 2,7 tỷ đô la Mỹ, vượt 48% so với kế hoạch. Năm 2021, tỉnh có 4.026 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đăng ký đạt 37,74 tỷ USD, đứng thứ 2 cả nước, chỉ đứng sau TP. HCM.
Một số dự án đầu tư lớn tại Bình Dương điển hình như: Dự án Công ty TNHH Nitto Denko tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) II, vốn đăng ký 186,2 triệu đô la Mỹ; dự án sản xuất sợi bố vỏ xe ô tô, sản xuất túi khí ô tô và các sản phẩm khác có qui mô lớn tại Khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng với tổng vốn đầu tư của 02 giai đoạn đầu tới năm 2026 là hơn 600 triệu đô la Mỹ của Công ty Kolon Industries (Hàn Quốc);…
Theo GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, sau 25 năm kể từ ngày được chia tách từ tỉnh Sông Bé, Bình Dương từ 1 tỉnh khó khăn đã bứt phá thành một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị thông minh phát triển năng động, hội nhập quốc tế mạnh mẽ, gắn kết với các tỉnh, thành của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
"Đây là một kỳ tích đối với một tỉnh có ít tài nguyên thiên nhiên, không có sân bay cũng không có cảng biển", GS.TS Nguyễn Xuân Thắng nhận định.
Bình Dương hiện là điểm đến của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhất là các nhà đầu tư chiến lược. Tỉnh là trung tâm sản xuất công nghiệp hiện đại bậc nhất Việt Nam, thuộc số ít các địa phương có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất tỷ đô.
Mới đây, Tập đoàn LEGO đã quyết định đầu tư nhà máy sản xuất hiện đại nhất thế giới với công nghệ trung hòa carbon đầu tiên của họ với tổng mức đầu tư hơn 1 tỷ USD ở Bình Dương. Điều này cho thấy tỉnh là một điểm sáng trên bản đồ công nghiệp thế giới.
Do sớm nhận thấy tầm quan trọng của đô thị hóa là một động lực quan trọng của tăng trưởng, tỉnh đã thực hiện chiến lược đô thị hóa phù hợp: Xây dựng khu đô thị mới, hình thành Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị, phát triển đô thị thông minh; từng bước nghiên cứu, đầu tư mô hình Khu công nghiệp - đô thị khoa học - công nghệ, Vùng Đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra những động lực phát triển mới cho tỉnh trong cả trung và dài hạn.
Ngoài ra, theo UBND Bình Dương, tỉnh sẽ tiếp tục kết hợp với thành phố Eindhoven (Hà Lan), tổ chức Brainport, EIPO, triển khai "Đề án Thành phố thông minh". Đây được xem là động lực quan trọng để địa phương khôi phục sau làn sóng Covid-19 vừa qua.