Tỉnh ủy Đắk Lắk: An ninh chính trị có thời điểm còn phức tạp ở một số địa bàn
Cùng với việc nhận diện một số hạn chế về kinh tế, xã hội thì Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng đề ra nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, an toàn xã hội.
Tỉnh ủy Đắk Lắk vừa tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 (mở rộng) về kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác sáu tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm từ nay đến cuối năm.
Chỉ ra những hạn chế, tồn tại
Trong sáu tháng đầu năm tình hình kinh tế-xã hội tỉnh Đắk Lắk tiếp tục duy trì phát triển, công tác an sinh xã hội được quan tâm, nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội diễn ra sôi nổi. Trong đó, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8.
Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tiếp tục được quan tâm thực hiện; hoạt động của chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội có chuyển biến tích cực...
Bên cạnh kết quả đạt được, Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng thừa nhận vẫn còn một số hạn chế.
Đó là, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn thấp hơn so với kịch bản tăng trưởng; thu ngân sách nhà nước chưa đảm bảo kế hoạch đề ra; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp. Chỉ số cạnh tranh năng lực cấp tỉnh (PCI) năm 2022 giảm (giảm 26 bậc, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành) so với năm 2021.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội có thời điểm còn diễn biến phức tạp trên một số địa bàn, đặc biệt xảy ra vụ án nhóm đối tượng tấn công có vũ khí vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin vào rạng sáng ngày 11-6. Hoạt động nhằm phục hồi FULRO, “Tin lành Đêga”, “Tin lành Đấng Christ” còn diễn biến phức tạp; vẫn còn xảy ra tình trạng người dân tộc thiểu số vượt biên trái phép sang Thái Lan.
Chất lượng công tác tuyên giáo có mặt còn hạn chế; công tác phát triển đảng viên tiến độ còn chậm; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân có lúc chưa kịp thời...
Về nguyên nhân dẫn đến những khuyết điểm, hạn chế là do biến động giá cả làm ảnh hưởng đến đầu tư, sản xuất kinh doanh và thu nhập của người dân, doanh nghiệp.
Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm do có nhiều doanh nghiệp mở tờ khai tại Cục Hải quan TP. HCM để giảm chi phí; một số dự án lớn có thu tiền sử dụng đất vẫn chưa tìm được nhà đầu tư... đã làm giảm nguồn thu ngân sách của tỉnh.
Một số nhà thầu thi công hoạt động cầm chừng nên không có khối lượng giải ngân; việc thu tiền sử dụng đất còn chậm nên thiếu vốn để thực hiện dự án. Công tác lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện và các phương án sử dụng đất có nguồn gốc từ các nông, lâm trường trên địa bàn còn chậm.
Hoạt động của các loại tội phạm ngày càng tinh vi, liều lĩnh; các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tiếp tục chống phá quyết liệt. Công tác lãnh đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc của một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa quyết liệt. Sự phối hợp trong giải quyết, xử lý có lúc quan điểm thiếu thống nhất, còn lúng túng, bị động dẫn đến việc giải quyết một số vụ việc hiệu quả chưa cao.
Giải pháp trong thời gian tới
Trong sáu tháng cuối năm, Tỉnh ủy Đắk Lắk tập trung chỉ đạo đẩy mạnh liên kết hợp tác, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục triển khai hiệu quả chương trình OCOP; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2023, giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài sang năm 2023, kế hoạch vốn năm 2023; sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, các thủ tục đấu thầu để khởi công các dự án
Hoàn thành phương án tổng thể, phương án chi tiết quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc thu hồi từ các nông lâm trường quốc doanh. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đặc biệt là các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh thu biện pháp tài chính gắn với quản lý chặt chẽ chi ngân sách nhà nước, điều hành dự toán chi ngân sách nhà nước.
Tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, không để phát sinh, hình thành “điểm nóng” về an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo giải quyết các vụ việc tranh chấp, khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài.
Tăng cường nắm tình hình, chủ động phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh vô hiệu hóa, làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động lưu vong; tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động vượt biên trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lợi dụng tôn giáo để hoạt động trái phép.
Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng điều tra xử lý các vụ án nổi cộm, bức xúc. Tăng cường hơn nữa công tác phối hợp liên ngành Công an - VKS - Tòa án trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.