Tỉnh ủy định hướng phát triển văn hóa, xã hội, giảm nghèo bền vững

Bài 1
NÂNG CAO NĂNG LỰC PHÒNG, CHỐNG DỊCH VÀ KHÁM, CHỮA BỆNH CHO NHÂN DÂN

*NGUYỄN HỒNG TRÀ
Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

BPO - Những năm cuối thế kỷ XX, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động lớn, khó lường. Sau khi tái lập, Bình Phước là một trong những tỉnh nghèo của cả nước, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh gặp rất nhiều khó khăn. GDP bình quân đầu người chỉ gần 180 USD, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu nhưng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được Tỉnh ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo và đề ra một số chủ trương, chính sách đồng bộ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm chuyển biến nhận thức về lĩnh vực này.

Những chuyển biến tích cực

Những năm qua, ngành y tế Bình Phước đã triển khai nhiều đề án quan trọng, phát triển và nâng cao năng lực về các lĩnh vực khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh; củng cố, tăng cường mạng lưới y tế cơ sở và đạt được những kết quả nổi bật. Ngành cũng đã tăng cường công tác y tế dự phòng và phòng, chống dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như: sốt xuất huyết, tay - chân - miệng, viêm não Nhật Bản B, bệnh liên cầu lợn và các bệnh truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn đông người... Thực hiện hiệu quả chương trình mục tiêu y tế - dân số; duy trì tỷ lệ trẻ trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin; các mô hình, đề án về nâng cao chất lượng dân số; chăm sóc sức khỏe sinh sản và cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em; thực hiện tốt công tác truyền thông vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS… Tiếp tục tăng cường giáo dục, rèn luyện nâng cao y đức cho nhân viên y tế; đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Ngành y tế tập trung phát triển đồng bộ 4 khâu đột phá (cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và công nghệ); tranh thủ sự hỗ trợ của các bệnh viện tuyến Trung ương để chuyển giao kỹ thuật, dịch vụ mới, thực hiện hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến; làm tốt việc đào tạo, đào tạo lại cán bộ chuyên khoa, định hướng đào tạo chuyên sâu; bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ, cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ; đầu tư các trang thiết bị y tế hiện đại; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác chuyên môn và quản lý. Các đơn vị, cơ sở khám, chữa bệnh đều cải tiến, đổi mới, chuyên nghiệp hóa các hoạt động khám, chữa bệnh; quy trình khám, chữa bệnh được cải tiến hợp lý, thời gian chờ đợi được rút ngắn hơn.

Khuyến khích xã hội hóa để tăng nguồn lực đầu tư

Trong những năm tới, nhu cầu về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân sẽ ngày càng cao. Để bảo đảm năng lực phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh cho nhân dân, góp phần giữ vững an ninh, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, mang lại hạnh phúc cho người dân, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 25-6-2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kết luận số 379-KL/TU về nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh và khám, chữa bệnh cho nhân dân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Kết luận số 379-KL/TU khuyến khích xã hội hóa để tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển y tế, đồng thời tập trung kiện toàn mạng lưới y tế theo hướng vừa đảm bảo sự quản lý, chỉ đạo về chuyên môn theo ngành dọc vừa đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, xuyên suốt của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch và khám, chữa bệnh; từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, đồng thời đảm bảo phù hợp về cơ cấu, tỷ lệ chức danh chuyên môn giữa bác sĩ với điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh. Củng cố mạng lưới y tế cơ sở, phát triển mạng lưới y tế dự phòng và cơ sở khám, chữa bệnh, khuyến khích phát triển y tế ngoài công lập theo hướng công bằng, hiệu quả; nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng của nhân dân về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe; giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Bình Phước phấn đấu đến năm 2025, phát triển Bệnh viện đa khoa tỉnh lên hạng I; Bệnh viện Y học cổ truyền lên hạng II; phát triển Trung tâm Y tế thị xã Phước Long và Bình Long lên bệnh viện hạng II và có 90% trung tâm y tế tuyến huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện. Đảm bảo ứng phó kịp thời, hiệu quả về công tác phòng, chống dịch bệnh. Tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng giảm còn 10%. 100% trẻ em được tiêm chủng. 100% người dân được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu. 95% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe. Tỷ lệ bác sĩ trên 10.000 dân là 10 bác sĩ. Tỷ lệ giường bệnh trên 10.000 dân là 32 giường. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%. Phấn đấu đến năm 2030, phát triển một số trung tâm y tế như Lộc Ninh, Bù Đăng, Chơn Thành lên bệnh viện hạng II. Thành lập một số bệnh viện chuyên khoa công lập như Bệnh viện Sản - Nhi, Bệnh viện Lão khoa, Bệnh viện Tim mạch...

Phát triển đồng bộ mạng lưới và nhân lực y tế

Để đạt được các nhiệm vụ và giải pháp đã đề ra nhanh nhất, hiệu quả nhất, Tỉnh ủy yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ và giải pháp sau:

Phát triển mạng lưới và nhân lực y tế bảo đảm chất lượng, hiệu quả về hoạt động, công tác chuyên môn. Chú trọng phát triển y tế cơ sở, đặc biệt là vùng khó khăn, biên giới, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số để đáp ứng chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng, chống dịch bệnh. Bảo đảm chức năng hoạt động chuyên môn của các trung tâm y tế huyện theo quy định. Đẩy mạnh xã hội hóa y tế, khuyến khích hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu và phát triển các bệnh viện tư nhân. Bổ sung đủ số lượng, cơ cấu các chức danh chuyên môn phù hợp và nâng cao chất lượng công chức, viên chức y tế. Đẩy mạnh công tác đào tạo, hợp tác chuyển giao kỹ thuật chuyên môn. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng về quản lý nhà nước, lý luận chính trị cho đội ngũ công chức, viên chức y tế. Điều chỉnh, bổ sung kịp thời chính sách thu hút, đãi ngộ nguồn nhân lực y tế trên địa bàn tỉnh để phù hợp tình hình thực tế.

Về phòng, chống dịch bệnh, thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh; chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, tiêm chủng mở rộng, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, đối tượng chính sách. Tổ chức quản lý, phòng ngừa hiệu quả các bệnh không lây nhiễm, bệnh mạn tính, bệnh nghề nghiệp. Thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường y tế, vệ sinh lao động, y tế học đường. Đổi mới công tác y tế học đường gắn với trạm y tế xã. Ưu tiên các trường học mầm non, tiểu học công lập đều có nhân viên y tế trường học. Lập hồ sơ sức khỏe và tổ chức quản lý sức khỏe đến từng người dân tại trạm y tế xã, mỗi người dân có 1 hồ sơ sức khỏe điện tử. Trạm y tế xã kết nối, chuyển người bệnh lên tuyến trên. Chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng, chống dịch bệnh gắn liền với công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.

Về khám, chữa bệnh, tăng cường quản lý hoạt động khám, chữa bệnh, bảo đảm công bằng giữa các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh không chỉ phát triển đội ngũ bác sĩ mà còn phát triển cả đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên phục hồi chức năng. Tập trung phát triển các cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, tuyến huyện để thu hẹp nhanh khoảng cách chênh lệch về năng lực chuyên môn, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân ngay tại tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là vùng khó khăn, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chú trọng, ưu tiên đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh công lập có đủ tiềm năng triển khai các dịch vụ kỹ thuật chất lượng cao. Tiếp tục tăng cường mở rộng, phê duyệt danh mục kỹ thuật, chuyển giao ứng dụng kỹ thuật cao trong công tác khám, chữa bệnh gắn với việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế.

Ưu tiên đầu tư cho y tế từ nguồn ngân sách theo quy định về phân cấp ngân sách; tranh thủ các nguồn tài trợ ODA, vốn phi Chính phủ, các nguồn vốn hợp pháp khác. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phù hợp với khả năng sử dụng và nhu cầu chuyên môn nhằm tránh lãng phí. Thực hiện hiệu quả phương án khám, chữa bệnh theo yêu cầu; khám, chữa bệnh từ xa. Đẩy mạnh triển khai hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Tăng cường thực hiện chuyển giao kỹ thuật từ tuyến trên về tuyến y tế cơ sở.

Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật trong chẩn đoán, điều trị. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chuyên môn và cung ứng các dịch vụ y tế; đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế góp phần chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh. Thực hiện hợp tác, chuyển giao công nghệ để phục vụ công tác chuyên môn.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về y tế ở các cấp gắn với kiện toàn mạng lưới y tế theo quy định và phù hợp thực tiễn địa phương. Đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước về y tế tư nhân. Giám sát, đôn đốc, nhắc nhở và thanh, kiểm tra trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Tăng cường thực hiện phân cấp quản lý, tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn liền với trách nhiệm giải trình trong quá trình thực thi công vụ và nhiệm vụ chuyên môn. Phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. Tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân cùng tham gia công tác chăm sóc sức khỏe, bảo vệ cộng đồng an toàn.

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/140819/tinh-uy-dinh-huong-phat-trien-van-hoa-xa-hoi-giam-ngheo-ben-vung