Tinh vi lừa đảo đi lao động nước ngoài
Việc thiếu hụt lao động phục vụ trong các ngành nghề phổ thông đang diễn ra phổ biến tại các nước Mỹ, Nhật, Canada, Australia… Nắm bắt nhu cầu trên, nhiều công ty môi giới, dịch vụ hỗ trợ tư vấn và thủ tục pháp lý ở các tỉnh, thành phố được thành lập. Thời gian gần đây, đã xuất hiện các hành vi lừa đảo liên quan đến dịch vụ đang nóng này.
Xin visa không cần bằng cấp
Sau một thời gian dài “thư đi, tin lại” với đối tác mà chẳng có dấu hiệu tích cực nào, bà T.A.T.T.L. (59 tuổi, ngụ đường Mê Linh, phường 19, quận Bình Thạnh) biết mình đã bị lừa. Bà L. đã làm đơn tố giác tội phạm gửi các cơ quan chức năng. Bà L. cho biết: Tôi có người bạn thân đang sinh sống ở một cao ốc trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, giới thiệu, nên tôi không nghi ngờ gì với người cháu trai của bạn tôi.
Người đó tên Nguyễn Trung Thành, 37 tuổi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Công nghệ và đầu tư Duy Thành, có địa chỉ tại một cao ốc ở quận Ba Đình, Hà Nội và văn phòng chi nhánh ở một cao ốc trên đường Tôn Đức Thắng, quận 1, TPHCM; từng đi du học ở nước ngoài, nghe đâu đã có bằng Thạc sĩ ngành Quản trị doanh nghiệp.
Tháng 6-2023, Thành điện thoại cho bà L. thông báo có chương trình xuất khẩu đi Australia theo diện visa 482. Thành cho biết chương trình khá mở rộng với đương đơn có độ tuổi từ 18 đến 65, không cần bằng cấp tay nghề cũng như trình độ tiếng Anh. Đương đơn có thể đưa thân nhân đi theo và được hưởng các chính sách phúc lợi, như: chăm sóc sức khỏe, học hành… Do tin tưởng, bà L. liền ký hợp đồng đưa con mình đi Australia, và bà được đi cùng con theo diện thân nhân đi chung.
“Giữa tháng 11-2023, Thành chuyển qua email cho tôi visa 482 kèm theo vé máy bay khởi hành từ TPHCM đi Melbourne, Australia vào ngày 29-11. Tính đến thời điểm đó, tôi đã chuyển cho Thành hơn 280 triệu đồng”, bà L. kể.
Một đại lý vé máy bay cho hay: “Mua vé máy bay đi nước ngoài nói chung, đi Australia nói riêng, không khó. Với việc đăng ký trực tuyến, khách hàng chỉ chuyển khoản thanh toán là coi như hoàn tất. Khách hàng sẽ được cấp vé máy bay trực tuyến. Còn việc hủy vé máy bay, lấy tiền lại cũng như chịu phí dịch vụ thì mỗi hãng mỗi khác, nhưng việc này không quá phức tạp. Tuy nhiên, người muốn xuất cảnh, nhập cảnh khi đến sân bay làm thủ tục thì phải trình hộ chiếu và visa (tùy yêu cầu của mỗi nước). Ai không có visa thì không được xuất cảnh, nhập cảnh”.
Mỏi mòn chờ đợi
Trước đó, bà L. khoe với bạn là bà T.B.T.H (48 tuổi, ngụ TP Thủ Đức, TPHCM) về việc mình đang làm thủ tục xin visa 482. Bà H. cảm thấy nghi ngờ, bởi lẽ bà L. đã gần 60 tuổi và không có tay nghề, chưa đủ bằng cấp tiếng Anh thì làm sao được chấp thuận? Tuy nhiên, khi bà L. cho bà H. xem visa 482 và vé máy bay (bản gửi qua email) thì bà H. tin tưởng, sau đó ký hợp đồng cho em mình đi hợp tác lao động. Thế nhưng chuyến bay đi Australia của bà L. bị hoãn và có thông báo dời sang tháng 12-2023, tiếp đó chuyến bay bị hoãn, không biết đến khi nào. Bà L. buồn bã cho biết: “Qua xác minh ban đầu, Đại sứ quán Australia chưa cấp visa 482 cho tôi cũng như cho bà H.”
Thực tế, visa 482 là visa tay nghề tạm trú. Visa này được cấp cho những người lao động nước ngoài được doanh nghiệp ở Australia bảo trợ sang Australia làm việc. Tùy vào ngành nghề được đề cử, đương đơn sẽ được cấp loại visa phù hợp. Tại thời điểm này, visa 482 Australia bao gồm 3 loại: Visa 482 Short term dành cho lao động phổ thông (có quyền cư trú 2 năm), Visa 482 Medium-term và Visa 482 Labour Agreement, dành cho lao động bậc cao (có quyền cư trú tối đa 4 năm).
Đương đơn được làm việc cho doanh nghiệp bảo trợ mình trong thời hạn của visa. Người lao động được bảo lãnh thân nhân đáp ứng điều kiện cùng sang Australia học tập, nhưng không được Chính phủ Australia hỗ trợ tài chính. Điều kiện được cấp visa 482 dù có thông thoáng, đơn giản, nhưng đương đơn phải có bảo lãnh từ doanh nghiệp của Australia; có chứng chỉ, bằng cấp hành nghề phù hợp với doanh nghiệp đó; chứng chỉ tiếng Anh IELTS tối thiểu 5.0...
Các nước Nhật, Canada, Mỹ… cũng đang tiếp nhận lao động ngành nghề phổ thông và điều kiện, quy trình được cấp visa trải qua nhiều bước khá chặt chẽ. Điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp tại các nước đó đang thiếu hụt nhân sự, đã có hồ sơ đề cử với cơ quan lao động, di trú và có văn bản bảo lãnh đương đơn. Để tránh bị lừa đảo, người dân cần tìm hiểu kỹ các loại visa, chương trình lao động phù hợp. Trường hợp bà L., bà H., chưa hề nộp một văn bằng tiếng Anh hay chứng chỉ, bằng cấp lao động mà có visa 482 rõ ràng là đã sập bẫy lừa đảo.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tinh-vi-lua-dao-di-lao-dong-nuoc-ngoai-post730970.html