Tinh vi ổ nhóm rút trộm tiền tỉ từ tài khoản tại ngân hàng
Phát hiện những sơ hở trong dịch vụ Internet banking, Nga cùng đồng bọn nhanh chóng tận dụng và đã chiếm đoạt được hơn 18 tỉ đồng từ một số tài khoản mở tại ngân hàng.
Tòa án nhân dân TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử và tuyên phạt Lê Thị Phi Nga (SN 1971, trú tại phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) mức án 22 năm tù về 2 tội là “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Cũng với 2 tội danh này, Lê Thị Liên Hương (SN 1972, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị tuyên phạt 20 năm tù.
Với tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, Ngô Thị Ngọc Lan (SN 1994, trú tại Bắc Giang) phải nhận mức án 9 năm tù; Nguyễn Trung Kiên (SN 1981, trú tại Tuyên Quang) bị tuyên phạt 15 năm tù; Trần Thùy Anh (SN 1993, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) bị xử phạt 13 năm tù và Trần Quốc Cường (SN 1995, trú tại huyện Vũ Thư, Thái Bình) cũng bị tuyên phạt 12 năm tù.
Quá trình xét xử cho thấy, Lê Thị Phi Nga, Lê Thị Liên Hương từng cùng làm dịch vụ môi giới khách hàng mở tài khoản cho các tổ chức tín dụng. Do đó, hai bị cáo quen biết với Ngô Thị Ngọc Lan là nhân viên một ngân hàng.
Cũng trong quá trình làm dịch vụ môi giới mở tài khoản, bị cáo Nga và Hương nhận thấy việc quản lý tài khoản ngân hàng bằng dịch vụ Internet, sử dụng mạng công nghệ, điện thoại di động còn nhiều sơ hở. Nếu lấy được số điện thoại mà khách hàng sử dụng khi đăng ký mở tài khoản thì sau đó liên hệ ngân hàng để giành quyền truy cập rất dễ dàng.
Do đó, hai bị cáo tìm cách lấy sim điện thoại trùng với sim điện thoại đăng ký mở tài khoản, rồi từ đó sử dụng Intenet Banking chuyển tiền sang tài khoản khác để chiếm đoạt.
Hai bị cáo còn biết trong hệ thống ngân hàng có nhiều tài khoản không chính chủ sử dụng để thanh toán trong hoạt động phi pháp. Vì vậy tháng 3-2021, Nga và Hương bàn bạc rồi rủ Lan tham gia cùng nhau chiếm đoạt tiền từ các tài khoản trên.
Các bị cáo thuê Trần Thùy Anh, Trần Quốc Cường sử dụng CMND của người khác để đăng ký mở tài khoản, rồi rút tiền ở ngân hàng và đã sử dụng CMND giả của của 4 người để mở 7 tài khoản. Đến tháng 6-2021, bị cáo Nguyễn Trung Kiên gia nhập đường dây tội phạm này.
Nga giao cho Kiên làm giả CMND, lấy thông tin số tài khoản trên các trang mạng cá độ bóng đá, ghi lô - đề rồi cùng Trần Thùy Anh rút tiền từ các tài khoản chiếm đoạt.
Đơn cử là trường hợp tài khoản mang tên Nguyễn Thanh Sang mở tại Sacombank có số dư 2 tỉ đồng, tài khoản Phạm Thị Thanh Loan mở tại ACB có số dư 4 tỉ đồng.
Bị cáo Hương có trách nhiệm tìm ra các tài khoản nghi ngờ hoạt động phi pháp này. Bị cáo Lan thuê người tra cứu (không xác định được nhân thân, lai lịch) các thông tin số dư của tài khoản, mẫu chữ ký. Còn Nga lên mạng thuê người làm giả CMND mang tên các chủ tài khoản này, thuê người đi làm lại sim số điện thoại đã được đăng ký mở tài khoản.
Tiếp đó, các bị cáo đăng ký dịch vụ Internet banking, đăng ký cấp lại mã OTP qua ứng dụng để chiếm đoạt quyền truy cập của chủ tài khoản. Sau đó, Nga và Hương sẽ chuyển tiền từ các tài khoản này đến các tài khoản của nhóm rồi rút tiền.
Ngày 10-1-2022, Tổ công tác của Cơ quan điều tra Bộ Công an đang làm nhiệm vụ tại tuyến đường Trần Thái Tông thì phát hiện bị cáo Trần Thùy Anh đi từ trong ngân hàng ra, cầm theo một túi xách có biểu hiện nghi vấn nên tiến hành hành kiểm tra hành chính, từ đó phát hiện hành vi phạm tội của các bị cáo.
CQĐT làm rõ tổng cộng, từ ngày 26-4-2021 đến 10-1-2022, các bị cáo chiếm đã đoạt tổng cộng 18,1 tỉ đồng của 10 chủ tài khoản. Tại CQĐT, cựu nhân viên ngân hàng Ngô Thị Ngọc Lan khai nhận đã tìm được 3 tài khoản cung cấp cho bị cáo Lan, bị cáo Nga và được các bị cáo chia cho 1,1 tỉ đồng.