Tinh vi thủ đoạn lừa đảo trên mạng
Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân, với những thủ đoạn tinh vi. Ðặc biệt, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng Internet, mạng viễn thông, có chiều hướng gia tăng.
Trong năm 2023, ngành chức năng tiếp nhận 27 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng số tiền thiệt hại khoảng 35,85 tỷ đồng. Người bị hại đủ các thành phần, từ nội trợ, kinh doanh tự do, nhân viên y tế, cán bộ hưu trí, công nhân, viên chức, kế toán, giáo viên và cả giám đốc các công ty có uy tín.
Chiêu cũ, “con mồi mới”
Thượng tá Lâm Quốc Thanh, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, cho biết: “Một số thủ đoạn đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản như: thông báo trúng thưởng, yêu cầu bị hại nộp phí để được nhận thưởng hay chiếm đoạt tài khoản ngân hàng của bị hại, bằng các thủ đoạn như lừa bị hại cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu và mã xác thực; lừa bị hại nhắn tin nâng cấp sim để chiếm quyền sử dụng số điện thoại; lừa bị hại cài ứng dụng để chiếm quyền sử dụng điện thoại bằng hình thức giả danh cơ quan Nhà nước; giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát hoặc tòa án để gọi điện lừa đảo; giả mạo công ty, sàn thương mại điện tử tuyển cộng tác viên để lừa; tạo sàn chứng khoán, sàn giao dịch giả, lừa bị hại nộp tiền để giao dịch chứng khoán; giả danh người thân, người quen, đồng nghiệp nhắn tin qua các ứng dụng mạng xã hội để vay mượn tiền; vay tiền trực tuyến qua ứng dụng hoặc qua mạng xã hội; bán tour du lịch giá rẻ đề nghị nạn nhân chuyển tiền cọc; giả mạo giáo viên, nhân viên y tế báo người thân đang cấp cứu để lừa đảo”.
Mặc dù công tác phòng ngừa các thủ đoạn lừa đảo được các kênh truyền thông đăng tải rất nhiều, nhưng vẫn còn nhiều “con mồi sập bẫy”. Các vụ án gần đây, thủ đoạn lừa đảo không mới, nhưng lừa được nhiều người dân, thậm chí là những bị hại có kiến thức đủ để nhận biết về phòng chống lừa đảo, với số tiền từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng.
Trường hợp của anh T.A (giám đốc một công ty trên địa bàn tỉnh) bị các đối tượng giả danh Tổng cục Thuế lừa cài đặt App, chiếm đoạt 566 triệu đồng. Hay chị T.T.H (giáo viên một trường THCS) bị các đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát yêu cầu cài App, chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng. Anh N.V.T (nhân viên một nhà máy trên địa bàn) bị lừa chuyển tiền đầu tư vàng trên thị trường quốc tế, số tiền 3,2 tỷ đồng. Anh L.V.X (cán bộ) bị các đối tượng giả danh công an, viện kiểm sát thông báo liên quan vụ án, yêu cầu chuyển tiền bảo lãnh không bị bắt tạm giam, lừa 910 triệu đồng.
Nâng ý thức phòng ngừa
Thượng tá Lâm Quốc Thanh khuyến cáo: “Dự báo, năm 2024, đặc biệt là giai đoạn tết Nguyên đán Giáp Thìn, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, người dân cần chủ động nâng cao biện pháp phòng ngừa. Ðề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi đến bằng số điện thoại cố định, người gọi tự xưng là cán bộ các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là lực lượng công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại; không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, địa chỉ nhà ở... cho bất kỳ đối tượng nào khi chưa rõ nhân thân và lai lịch của người đó, đặc biệt không nghe lời của các đối tượng chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định. Lực lượng chức năng, nhất là công an, viện kiểm sát, tòa án, nếu làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc qua mạng”.
Mọi người không công khai các thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... lên mạng xã hội, tránh bị các đối tượng lợi dụng khai thác, sử dụng vào mục đích lừa đảo; chọn lọc những thông tin cụ thể khi chia sẻ công khai lên mạng xã hội. Ðặc biệt, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản ngân hàng, tài khoản mạng xã hội và bảo mật tuyệt đối về thông tin của các tài khoản trên gồm: tên đăng nhập, mật khẩu, mã xác thực hoặc số thẻ tín dụng... không cung cấp cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào mà chưa xác định được nguồn gốc.
Tuyệt đối không truy cập các đường link trong tin nhắn, email lạ không rõ nguồn gốc; không thực hiện giao dịch theo yêu cầu của các đối tượng lạ khi nhận được điện thoại, tin nhắn có nội dung liên quan đến giao dịch ngân hàng. Cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng, yêu cầu nạp thẻ điện thoại, hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng. Tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người hứa hẹn cho, tặng số tiền, tài sản lớn, không rõ lý do. Ðối với các cá nhân có nhu cầu chuyển, nhận tiền từ nước ngoài về thì gửi nhận thông qua ngân hàng có uy tín, không sử dụng các dịch vụ chuyển tiền, đổi tiền quốc tế của các cá nhân, tổ chức không hợp pháp.
“Tuyệt đối không mở hộ, cho thuê, bán tài khoản ngân hàng cho người khác, đặc biệt là những đối tượng không quen biết. Khi phát hiện đối tượng có hành vi mua, thuê người khác mở tài khoản ngân hàng, cần báo ngay cho cơ quan công an để có biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Không cài đặt vào điện thoại, máy tính các ứng dụng chưa được xác thực trên kho ứng dụng trước yêu cầu của đối tượng lạ. Khi phát hiện sim điện thoại bị vô hiệu hóa, cần gọi ngay cho bộ phận chăm sóc khách hàng của nhà mạng để yêu cầu hỗ trợ, xác minh. Nếu bị mất điện thoại, cần khẩn trương báo nhà mạng khóa sim kịp thời”./.
Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tinh-vi-thu-doan-lua-dao-tren-mang-a31118.html