Tình yêu âm nhạc lan tỏa trong ngôi trường hạnh phúc
Trong khi nhiều trường học truyền thống chưa chú trọng môn Âm nhạc, vẫn xem là môn phụ thì với mô hình giáo dục hoàn toàn mới, ngôi trường công lập ở ngoại thành Hà Nội đã trở thành điểm sáng khi hàng trăm học sinh, giáo viên có thể biểu diễn thành thạo nhiều loại nhạc cụ.
Học nhạc hay học hát?
Chương trình giảng dạy âm nhạc trong trường học hiện nay chủ yếu chỉ dạy hát là chính và hát cho thuộc bài chứ không phải học thanh nhạc. Đáng nói, mảng âm nhạc kinh điển, âm nhạc truyền thống càng có quá ít học sinh được nghe, thưởng thức để có thể qua đó định hình và phát triển thẩm mỹ âm nhạc. Các em học sinh cũng không thường xuyên được nghe các làn điệu dân ca và thể loại âm nhạc truyền thống khác để thấy cái hay, vẻ đẹp của văn hóa nói chung và âm nhạc truyền thống Việt Nam nói riêng.
Phần thực hành trên các nhạc cụ phương Tây cũng như nhạc cụ truyền thống gần như là con số 0. Việc học nhạc chỉ một buổi một tuần và chủ yếu là học hát, học lý thuyết âm nhạc khô khan, không nghe, không chơi nhạc cụ nên thời gian học sinh được tiếp xúc với nền âm nhạc học thuật rất ít. Chính vì học không đi đôi với hành nên thẩm mỹ âm nhạc của các em không được định hình và phát triển đúng hướng. Ngay việc chọn lựa các bài hát ít quen thuộc, một số bài không phù hợp với lứa tuổi đưa vào sử dụng trong chương trình giảng dạy càng khiến học sinh không hào hứng, học xong quên ngay.
Thế là, học sinh đành tự mò mẫm tìm các ca khúc đang thịnh hành trên mạng. Kết quả, đa số tiết mục văn nghệ trong trường học hiện nay là các ca khúc, điệu nhảy nước ngoài. Bài nào thế giới đang thịnh hành nhất là trong học đường có ngay, thầy cô ít có sự định hướng để cân bằng giữa nhạc ngoại và nhạc Việt, nhạc thị trường và nhạc học đường (nhất là ở bậc trung học). Thẩm mỹ âm nhạc không được phát triển đúng hướng không những tạo sự lệch lạc trong thưởng thức nghệ thuật mà còn dẫn đến chệch hướng cả trong ứng xử, bởi âm nhạc không đơn thuần là giải trí mà nó còn ảnh hưởng rất nhiều đến định hình nhân cách.
Nhận thấy những tác động tích cực của âm nhạc trong chương trình giáo dục, ngày càng nhiều trường học trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đang chú trọng đầu tư môn học Âm nhạc trong chương trình giảng dạy. Nằm ở vùng ngoại thành Hà Nội, thầy Nghiêm Hồng Trung, Hiệu trưởng trường THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất đã đưa ra định hướng chú trọng giáo dục toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho học sinh. Ngoài việc học văn hóa, học sinh được tham gia nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao đặc biệt là bóng đá, võ Vovinam. Với âm nhạc, lãnh đạo nhà trường cho rằng, khi học sinh chơi đàn, cầm sáo, các em sẽ không cầm điện thoại, giảm sử dụng mạng xã hội. Từ đó, ngôi trường đã có thêm một định hướng mới, trở thành “đặc sản” của nhóm trường phổ thông toàn thành phố khi có tới một phần ba học sinh, giáo viên theo đuổi môn Âm nhạc và có thể diễn tấu nhiều loại nhạc cụ.
Quá nhiều rào cản
Thầy Nguyễn Khắc Lý, Phó Hiệu trưởng trường Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất cho biết, từ năm học 2022 - 2023, năm học mà chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu áp dụng cho khối 10, chương trình môn Âm nhạc lần đầu tiên được giảng dạy ở bậc học phổ thông và gặp vô vàn khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên. “Hầu hết các trường THPT thiếu phòng tập hát, phòng học nhạc cùng hệ thống trang thiết bị, nhạc cụ phục vụ quá trình dạy và học. Việc thiếu trầm trọng giáo viên dạy môn Âm nhạc ở cấp THPT là “nút thắt” lớn nhất. Đợt tuyển dụng đầu tiên năm 2023, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP Hà Nội có 84 chỉ tiêu môn Âm nhạc nhưng chỉ tuyển được 22 giáo viên. Khối THPT của Hà Nội có trên 200 trường nhưng chỉ gần 30 trường có giảng dạy môn Âm nhạc. Theo số liệu của Bộ GD-ĐT, cả nước có gần 3.000 trường THPT và số lượng giáo viên âm nhạc thiếu là khoảng 2.800 giáo viên…”- thầy Nguyễn Khắc Lý chia sẻ.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, để giảng dạy trong khối THPT, giáo viên tối thiểu phải có bằng đại học trong khi số trường đào tạo được hệ đại học chuyên ngành biểu diễn (âm nhạc) chỉ đếm trên đầu ngón tay và hàng năm, số lượng sinh viên tốt nghiệp rất ít. Thời gian đào tạo đối với chuyên ngành biểu diễn cũng rất lâu, hàng chục năm chứ không phải 4 hoặc 5 năm như các bộ môn văn hóa khác. Cùng đó, mức chi trả thù lao giảng dạy là quá thấp so với thực tế các nghệ sĩ có thể kiếm được khi đi biểu diễn. Chỉ một vài trường ngoài công lập đáp ứng được việc chi trả cao. Vì thế, các trường công rất khó tiếp cận được với nguồn nhân lực chất lượng cao.
Với đặc thù bộ môn, khi thực hành, mỗi học sinh thường mắc một dạng lỗi sai khác nhau và giáo viên phải sửa lỗi cho từng học sinh. Việc này hoàn toàn khác với các môn văn hóa khác khi thầy, cô chữa bài là toàn bộ học sinh cả lớp có thể nắm bắt được. Mỗi tiết chỉ có 45 phút nên nếu để từng em thực hành thì mỗi em cũng chỉ có trung bình khoảng 1 phút; với thời lượng ít ỏi như vậy, gần như giáo viên không thể theo sát được từng em dẫn đến tình trạng hổng dần kiến thức. Tình trạng này kéo dài dẫn đến học sinh sợ học môn Âm nhạc, mất đi giá trị thực vốn có của bộ môn này.
Xây dựng ngôi trường hạnh phúc
“Mô hình hoàn toàn có thể nhân rộng ra toàn thành phố và cả nước” - đó là điều thầy giáo Nguyễn Khắc Lý nhấn mạnh khi được hỏi về khả năng phát triển mô hình dạy nhạc trong trường THPT Phùng Khắc Khoan - Thạch Thất. “Thực tế, hiện nay, một số trường bạn đã triển khai thành công mô hình tương tự như trường THPT Minh Hà (huyện Thạch Thất); trường THPT Tùng Thiện (thị xã Sơn Tây)…” - thầy Nguyễn Khắc Lý chia sẻ - “Đầu năm 2021, tôi đã tiên phong tham gia khóa học trực tuyến về bộ môn Âm nhạc của giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam để có kinh nghiệm và cơ sở chỉ đạo chuyên môn. Đến tháng 5-2022, tôi đã hoàn thành khóa học Âm nhạc trực tuyến và nhận thấy hoàn toàn có thể áp dụng cho chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Sau hơn 1 năm triển khai giảng dạy áp dụng linh hoạt cả 3 hình thức dạy học trực tiếp, trực tuyến và giao bài, sửa bài đồng hành qua từng tiết học, 254/257 học sinh của trường đạt yêu cầu kiểm tra đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT khi kết thúc năm học 2022 - 2023 (chiếm 98,83%). Kết thúc năm học 2023 - 2024, có 393/393 (100%) học sinh đạt yêu cầu khi kiểm tra đánh giá.
Tình yêu âm nhạc được lan tỏa trong ngôi trường với hàng chục giáo viên biết chơi guitar, thổi sáo. “Sự bền bỉ, kiên trì, thẩm mỹ nghệ thuật… vẫn hàng ngày được trau dồi qua các tiết âm nhạc của thầy và trò trường Phùng Khắc Khoan. Sự gắn kết, tự tin, tinh thần hòa đồng trong từng tiết mục biểu diễn âm nhạc của thầy trò nhà trường khiến cho Phùng Khắc Khoan thực sự trở thành ngôi trường hạnh phúc, nơi các em được trưởng thành một cách toàn diện” - thầy Hiệu trưởng Nghiêm Hồng Trung chia sẻ.