Tình yêu dưới góc nhìn phân tâm học
Nhà phân tâm học người Đức Erich Fromm là tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng, như Yêu tỉnh táo, Trốn thoát tự do, Xã hội tỉnh táo, Nghệ thuật yêu....
Ông cho rằng, Tình yêu là câu trả lời thỏa đáng nhất cho vấn đề hiện sinh của con người. Điều gì đã tạo nên "tính người" của một con người? Là Yêu. Năng lực Yêu là năng lực cốt lõi, và là quan năng để tạo nên một con người. "Nghệ thuật yêu" có lẽ là tác phẩm nổi tiếng hơn cả của Erich Fromm, được tái bản nhiều nhất với 34 thứ tiếng với hàng triệu bản in. Fromm nêu ra bốn yếu tố căn bản của tình yêu: Quan tâm, trách nhiệm, tôn trọng, và hiểu biết, cùng năm đức tính con người cần rèn luyện trong việc nắm vững bốn yếu tố căn bản của tình yêu ấy: Kỷ luật, tập trung, kiên nhẫn, hết lòng quan tâm và rèn luyện.
Ông bộc bạch: "Tình yêu không phải một thứ tình cảm mà bất cứ ai cũng có thể dễ dàng đắm chìm vào, dù người đó đạt tới mức độ trưởng thành nào".
Fromm đã đi vào phân tích cặn kẽ lý thuyết về tình yêu, lý giải tình yêu như lời giải đáp cho sự tồn tại người và nhu cầu sâu xa nhất của con người là vượt qua sự chia cách, để rời khỏi ngục tù cô độc của mình, để có được "sự hòa giải bằng tình yêu". Fromm phân tích những hình thái khác nhau của tình yêu dựa trên đối tượng của tình yêu, như tình yêu đồng loại, tình mẫu tử, lòng tự yêu bản thân, tình yêu Thượng đế và tình yêu nhục cảm; cũng như phân tích "hình thái tình yêu giả tạo, mà trên thực tế, phần lớn chúng là những hình thức tan rã của tình yêu" trong xã hội chúng ta hiện nay. Ông cũng khẳng định muốn làm chủ nghệ thuật yêu thương cần phải có rất nhiều học hỏi và nỗ lực. Yêu thương là việc tự nhiên của con người, song cần phải học!
The Washington Post nhận định: "Tư tưởng của Fromm xứng đáng nhận được sự chú ý quan trọng của tất cả những người quan tâm đến thân phận con người và tương lai của nhân loại."
Một số quan điểm đáng lưu ý của Erich Fromm về tình yêu
- Các mối quan hệ giữa con người trong thời chúng ta chẳng có nhiều tình yêu hay hận thù. Đúng hơn là có sự thân thiện giả tạo, và một sự công bằng cực kỳ giả tạo, nhưng đằng sau bề ngoài đó là sự xa cách và hờ hững.
- Yêu phải chăng là một nghệ thuật? Nếu đúng thế, nó đòi hỏi sự hiểu biết và nỗ lực. Hay yêu là một cảm giác dễ chịu, và việc thể nghiệm tình yêu là một vấn đề cơ duyên, là cái mà người ta "ngã vào" [falling] nếu hữu duyên?
- Không phải mọi người nghĩ rằng tình yêu không quan trọng. Họ khao khát tình yêu. Họ xem bao nhiêu bộ phim về những chuyện tình hạnh phúc lẫn bất hạnh, họ nghe hàng trăm bài ca nhạt nhẽo về tình yêu – nhưng hiếm ai nghĩ cần phải học điều gì đó về tình yêu.
- Họ coi mức độ mãnh liệt của cuồng si, của việc "điên rồ" vì nhau này, là bằng chứng cho tình yêu nồng nhiệt của họ, trong khi nó chỉ cho thấy mức độ cô đơn của họ trước đó mà thôi.
- Liệu chúng ta có coi tình yêu là câu trả lời chín chắn cho vấn đề tồn tại, hay là chúng ta đang nói tới các hình thái tình yêu chưa chín muồi mà chúng có thể được gọi là hình thái gắn bó cộng sinh?
- Ngược lại với sự hợp nhất [gắn bó] cộng sinh, tình yêu chín muồi là sự hợp nhất trong điều kiện bảo tồn sự toàn vẹn [sự toàn vẹn cái "tôi" của mỗi người], tính cá biệt của mỗi bên. Tình yêu là một quyền năng chủ động trong con người; một quyền năng phá vỡ những bức tường ngăn cách con người với đồng loại, đoàn kết ta với những người khác. Tình yêu giúp con người vượt bỏ cảm giác cô lập và chia cách, nhưng vẫn cho phép ta là chính mình, để giữ được sự toàn vẹn. Nghịch lý trong tình yêu là hai con người trở thành tuy một mà vẫn là hai.
- Tình yêu là một hoạt động, không phải một kết quả thụ động; nó là một sự "tham gia vào", không phải "bị sa vào". Nói một cách tổng quát, tính chất chủ động của tình yêu trước hết là trao [giving], không phải là nhận [receiving].
- Yêu là sự quan tâm có tính chủ động vì sự sống và sự phát triển của cái mà ta yêu. Thiếu mối quan tâm chủ động này thì không có tình yêu.
- Tôn trọng một người là điều không thể nếu không có hiểu biết về người đó; sự chăm sóc và trách nhiệm sẽ là mù quáng nếu không được hướng dẫn bằng sự nhận thức.
- Trong hành động của tình yêu, của sự hiến dâng bản thân tôi, trong hành động đi vào sâu bên trong người khác, tôi tìm thấy chính mình, tôi phát hiện chính mình, tôi phát hiện cả hai chúng tôi, tôi phát hiện ra con người.
- Bằng lòng trắc ẩn dành cho những kẻ yếu, con người bắt đầu phát triển tình yêu đồng loại; và trong tình yêu dành cho chính mình, ta đồng thời yêu kẻ đang cần giúp đỡ, kẻ yếu đuối, kẻ bất an. Lòng trắc ẩn bao hàm yếu tố hiểu biết và đồng cảm.
- Người ta không để ý đến một yếu tố quan trọng trong tình yêu nhục cảm, đó là ý chí. Yêu một người không chỉ là một cảm xúc mạnh mẽ – đó là một quyết định, một phán đoán, một sự cam đoan. Nếu tình yêu chỉ là một cảm xúc, thì sẽ không có cơ sở cho lời hứa yêu nhau mãi mãi. Một cảm xúc đến và rồi có thể đi. Làm sao tôi có thể cho rằng nó sẽ ở lại mãi mãi, khi mà hành động của tôi không bao hàm sự phán đoán và quyết định?
Tình yêu trẻ thơ tuân theo nguyên tắc: "Tôi yêu vì tôi được yêu". Tình yêu trưởng thành tuân theo nguyên tắc: "Tôi được yêu bởi vì tôi yêu". Tình yêu non dại nói rằng: "Tôi yêu bạn bởi vì tôi cần bạn". Tình yêu trưởng thành nói rằng: "Tôi cần bạn bởi vì tôi yêu bạn".
Nhà phân tâm học Erich Fromm