Tình yêu, lỗi lầm và sự tha thứ trong mắt nhà văn Nguyễn Đông Thức
'Yêu nhau trong lo âu' là tác phẩm đánh dấu hơn 40 năm viết về tình yêu của nhà văn Nguyễn Đông Thức với nhiều chiêm nghiệm sâu sắc của ông về đề tài này.
“Để viết về tình yêu thì cần phải yêu, hơn nữa còn phải yêu nhiều. Nhà văn Nguyễn Đông Thức đã có 40 năm viết về tình yêu rồi và tình yêu đã hiện ra rất trọn vẹn trong tác phẩm này”, nhà báo Dương Thành Truyền chia sẻ trong buổi ra mắt cuốn sách Yêu nhau trong lo âu.
Tình yêu, lỗi lầm và sự tha thứ
Yêu nhau trong lo âu là câu chuyện được nhà văn Nguyễn Đông Thức lấy cảm hứng từ một cuộc chia tay có thật, nhiều tiếc nuối. Ông đã chứng kiến một cuộc tình chấm dứt vì người chồng ngoại tình. Cả hai người đã tiến thêm bước nữa nhưng đều không hạnh phúc bởi người chồng luôn day dứt về lỗi lầm cũ trong khi người vợ gặp một người chồng còn trăng hoa hơn.
“Tôi mới nghĩ giá như ngày xưa người vợ tha thứ được cho chồng mình và người chồng biết cách yêu thương thì họ đã giữ lại được cuộc tình này, một cuộc tình mà họ đã đi qua nhiều sóng gió”, nhà văn Nguyễn Đông Thức chia sẻ. Đó cũng là lý do ông đem sự tha thứ vào trong tác phẩm mới nhất của mình.
Yêu nhau trong lo âu kể về câu chuyện của chàng đạo diễn tài hoa Huy Miên và cô nàng Ngọc Yến giỏi giang chủ nhiệm đoàn phim. Họ đã trải qua những ngày đẹp nhất bên nhau, cùng lăn xả làm việc với đoàn phim, cùng về một góc bình an nơi vườn hồng Đơn Dương thơ mộng, cùng nắm tay đi đến “Nơi tận cùng thế giới”.
Thế nhưng giữa vô số cạm bẫy tình cảm và công việc, Miên đã không thể đứng vững để bảo vệ hạnh phúc của mình. Cả hai chia tay nhưng vẫn còn yêu nhau trong muôn vàn lo âu trắc trở. Mượn bối cảnh giới làm phim nhiều thử thách và cám dỗ, nhà văn Nguyễn Đông Thức đã viết nên một câu chuyện về những cung bậc muôn thuở của tình yêu, về những lỗi lầm và sự tha thứ.
Theo nhà văn, không phải cuộc tình nào cũng trọn vẹn, thành công. Luôn có rất nhiều lý do có thể làm cho nó tan vỡ và nhiều yếu tố có thể khiến tình yêu thay đổi. Tựa sách lấy cảm hứng từ Dạ khúc cho tình nhân của Lê Uyên Phương: "Yêu nhau trong lo âu / Biết bao lần tha thiết nhớ mong / Lá hoa rừng mau xóa đường quay về / Làm ánh sao đêm lẻ loi / Màu tối gương bên đèn soi / tình sâu vẫn trong đời thủy chung".
Càng viết càng có cái nhìn sâu hơn về tình yêu
“Đọc tới những chương cuối, tôi phải nín thở mà đọc. Sau đó tôi gấp lại cuốn sách một cách rất nhẹ nhàng bởi tôi trân trọng tình cảm của tác giả, những triết lý phật giáo rất sâu đậm trong tác phẩm”, bác sĩ Ngọc Lan, một độc giả và cũng là người bạn của nhà văn chia sẻ.
Nhà thơ Lê Minh Quốc cũng nhận xét: “Cái hay của tác giả là đem được chất liệu đời sống, kinh nghiệm sống vào trong văn chương. Vì thế cái kết luôn bất ngờ, để lại cho chúng ta sự ngậm ngùi”.
Đề tài tình yêu xưa nay vẫn luôn được chú ý và đã có vô số tác phẩm về tình yêu. Dù đã qua 40 năm kể từ khi bắt đầu viết về chủ đề này, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết ông chưa bao giờ cảm thấy chán “bởi tình yêu rất đa dạng, phong phú và viết hoài không hết”.
“Những nhân vật đời đầu viết khi còn trẻ thì sôi nổi, nhiệt thành hơn. Nhưng càng ngày tôi cảm thấy mình có độ sâu hơn trong cách nhìn nhận về tình yêu, về người mình yêu, về cuộc sống trong khi người ta yêu nhau”, ông nói.
Khi viết về vấn đề ngoại tình, một chủ đề gây nhiều tranh cãi trên mạng xã hội ngày nay, ông giải thích rằng đó là một vấn đề xã hội và văn chương không nên trốn tránh trong việc nói về nó. “Đó là chuyện muôn thủa từ xưa đến nay chứ không phải là mới. Chúng ta nên tìm hiểu và nói về nó”, ông nói.
Qua tác phẩm, ông cũng gửi gắm đến độc giả những chiêm nghiệm về tình yêu và cuộc sống mà ông đã mất rất nhiều năm để nhận ra, đó là tha thứ để buông bỏ nỗi khổ. Như lời ni sư Diệu Hạnh đã nói trong truyện: “Nên tha thứ thôi con. Cuộc sống ngắn lắm, hãy trân quý thời gian để yêu thương mình và mọi người”.
Tác phẩm Yêu nhau trong lo âu của ông ngay từ khi chưa ra mắt đã được chọn để chuyển thể thành phim. Trong khi đó, nhà văn Nguyễn Đông Thức cho biết sẽ dành thời gian để hoàn thành cuốn hồi ký của mình và một tác phẩm lịch sử trong tương lai.