Tình yêu nước tràn ngập đường phố TPHCM những ngày cuối tháng 4
Những ngày giáp lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, không khí vui tươi phấn khởi tràn ngập đường phố TPHCM khi hàng nghìn người dân và du khách đổ về các địa điểm du lịch tham quan, chụp ảnh với cờ Tổ quốc, thể hiện tình yêu nước.

Cầm lá cờ Tổ quốc trên tay, nhiều bạn trẻ tìm đến dinh Độc Lập chụp ảnh lưu niệm, thể hiện tình yêu nước trong không khí vui tươi phấn khởi tràn ngập đường phố TPHCM.

Liên tục từng đoàn du khách đến tham quan và chụp ảnh lưu niệm phía ngoài cổng dinh Độc Lập, trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Bạn trẻ Phạm Hữu Lương và chị họ từ Hà Nội vào TPHCM chơi sớm từ hôm qua. Hai bạn trẻ cho biết sẽ ở lại đây đến hết ngày 30/4 để thưởng ngoạn không khí ngày lễ lớn của đất nước. "Đây là lần thứ 2 em đặt chân tới TPHCM. Em rất thích không khí và con người nơi đây, họ rất niềm nở và thân thiện. Trong suốt quá trình trải nghiệm các địa danh du lịch, em được bà con quan tâm và hỗ trợ rất nhiều", Lương nói.

Cảnh tương tự tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, nhóm sinh viên của bạn trẻ Yến Thư (ngoài cùng bên phải) tới đây tham quan đã 3 lần mà vẫn không diễn tả hết sự bồi hồi và cảm động khi xem những hiện vật trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ hơn nửa thế kỷ trước.

Mai Anh (quận Bình Tân) tranh thủ ngày rảnh rỗi đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh chụp ảnh lưu niệm. Trước khi đi cô đã chuẩn bị nhiều đạo cụ như ba lô chiến sĩ, lá ngụy trang, khăn rằn Nam Bộ và cờ Tổ quốc để thể hiện tình yêu đất nước.

Bạn trẻ Phạm Thị Hồng Liên chuẩn bị tà áo dài truyền thống cùng lá cờ nhỏ tạo dáng với xe tăng bên ngoài sân. "Ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh có nhiều hiện vật để thể hiện lòng yêu nước qua ảnh nên nhân dịp kỷ niệm 50 năm em muốn mình có được bộ ảnh cá nhân ý nghĩa với TPHCM", Liên nói.

Bên trong các gian trưng bày của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đều chật ních du khách, trong đó có nhiều cựu binh cũng như người nước ngoài.

Ông Lê Pha Đèn, cựu binh đơn vị Pháo binh Biên Hòa là một trong những người tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh vào TPHCM dự lễ kỷ niệm 50 năm Thống nhất đất nước. Sau 49 năm ông mới được quay trở lại nơi mình từng chiến đấu. Ông đã bị cụt mất nửa cánh tay trái do trúng đạn pháo của địch trong trận đánh ở ngã tư Bảy Hiền vào những ngày cuối cùng của tháng tư năm 1975.

Chứng kiến những khoảnh khắc đáng sợ của giặc Mỹ đàn áp nhân dân Việt Nam hơn 50 năm trước, đặc biệt là vụ thảm sát Mỹ Lai, nhiều khách không khỏi xúc động và bất ngờ khi xem nhiều hình ảnh chân thực do các phóng viên chiến trường năm xưa thực hiện.


Hai trong số đó là hình ảnh lính bộ binh Mỹ xách mảnh xác một chiến sĩ Giải phóng vừa bị trúng đạn phóng lựu và cảnh cột người bị bắt sau xe tăng và kéo lê cho đến chết.

Ngoài ra, nơi đây còn trưng bày nhiều hình ảnh nạn nhân chất độc da cam khiến nhiều du khách Tây ngỡ ngàng không thể tin vào mắt mình với những hậu quả khủng khiếp đó. Từ năm 1961-1971, Quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, trong đó có 60% là chất độc da cam, chứa 366kg điôxin đã gây nên một thảm họa da cam chưa từng có trong lịch sử loài người.



Khắp các tuyến đường ở TPHCM, lúc này nhiều hộ dân và các cửa hàng kinh doanh bắt đầu treo cờ và trang trí biểu tượng thể hiện tình yêu đất nước ở mặt tiền các ngôi nhà.