Tình yêu thương chắp cánh những ước mơ (bài cuối)
Qua 2 năm thực hiện, Đề án 'Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn' đã thu được kết quả tốt đẹp, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc Sơn La ghi nhận. Đây không chỉ là nơi chăm sóc, nuôi dưỡng mà còn là mái ấm chan chứa tình yêu thương của các bố, các mẹ là CBCS đang ngày đêm làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn…
Càng ngày "Mẹ Thủy" càng cảm nhận rõ niềm hạnh phúc có nhiều con. Hằng ngày, "Mẹ Thủy" và những đứa con nuôi đều dành thời gian trồng thêm rau xanh để cải thiện bữa ăn. Khi dạy các con trồng rau, đỡ đần các mẹ rửa bát, quét nhà… là lúc chị dạy cho các con hiểu và quý trọng sức lao động, để mai sau này khi bước vào cuộc đời đầy những khó khăn phía trước, các con phải luôn biết quý trọng và yêu lao động.
Chị tên là Nguyễn Thị Thủy, sinh ra và lớn lên tại Thanh Hóa, từ nhỏ đã phải bươn chải mưu sinh nên chị đủ hiểu những khó khăn của cuộc sống. Tháng 9/2021, Công an tỉnh phân công chị về Phòng Cảnh sát cơ động làm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các "con nuôi". Ban đầu, chị cũng chần chừ vì chưa bao giờ chị làm nhiệm vụ chăm sóc con trẻ và hiểu rằng nuôi một đứa trẻ mạnh khỏe, khôn lớn, là một công việc rất khó khăn, vất vả.
Nhớ lại những ngày tháng ấy, đôi mắt chị lại đỏ hoe. Ngày đó khi 4 đứa trẻ đầu tiên được Công an tỉnh nhận về nuôi dưỡng, đón các con trong vòng tay của mình, chị Thủy vẫn không thể tin nổi rằng từ ngày hôm đó 4 đứa trẻ ấy sẽ trở thành những đứa con của mình. 4 đứa trẻ, 4 hoàn cảnh khác nhau, nhưng các em có một điểm chung là đều khó khăn, vất vả. Cả 4 đứa trẻ đen đúa, gầy gò…
Thấu hiểu sự thiếu thốn đủ bề của các con, bản thân chị cũng tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để các con có thể có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Để từ đây ngọn lửa yêu thương con trẻ sẽ cháy mãi trong trái tim của một người mẹ chưa từng có con nhưng có rất nhiều con nuôi. Đến năm 2022, từ 4 cháu ban đầu, Công an tỉnh đã tiếp nhận và nâng tổng số lên 17 cháu, và đến 9/2023 với tổng số là 36 cháu nhỏ. Do vậy Công an tỉnh tiếp tục bổ sung, hỗ trợ mẹ Thủy hai cộng sự là chị Lò Thị Chiến và chị Vì Thị Thu, cùng 2 chiến sỹ nghĩa vụ là Sồng Bả Dơ và Giàng A Sáy.
Với những cán bộ làm nhiệm vụ trực tiếp chăm sóc các em thì nhiệm vụ này không hề dễ dàng, bởi 36 cháu nhỏ, 36 tính cách khác nhau, ngoài ra có nhiều cháu còn đang trong giai đoạn dậy thì nên tính tình có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, mỗi CBCS làm nhiệm vụ này cũng xác định bản thân cần phải lắng nghe các con nhiều hơn, tâm sự, uốn nắn từ từ, từ đó các con coi mình như một người bạn có thể chia sẻ và giải quyết mọi vấn đề mà các con đang gặp phải.
Mỗi năm lại có thêm các em nhỏ được đón về. Ban đầu, các con chưa thích nghi được môi trường mới. Ngoài rèn luyện tác phong chuẩn chỉ, đúng giờ, Công an tỉnh Sơn La còn phân công cán bộ, chiến sĩ mỗi buổi tối vào đơn vị Phòng Cảnh sát cơ động để kèm các em học bài, uốn nắn từng thao tác, từng nét chữ, từng môn học. Dù vậy, đôi lúc nỗi nhớ nhà vẫn trào dâng trong các em, hay có những khi các em mải chơi mà không nghe lời, những người "bố", người "mẹ" không thể chỉ dùng kỷ luật để uốn nắn. Khi ấy, những lời nói dịu dàng, cái ôm ấm áp mới chính là "liều thuốc" ngọt ngào trả lại nụ cười hồn nhiên, trong sáng nhất cho các em.
Không chỉ có những người cha, người mẹ nuôi trực tiếp chăm sóc các em tại doanh trại của Phòng Cảnh sát cơ động, mà hàng tối Ban Thanh niên, Phụ nữ Công an tỉnh lại phân công các đoàn viên, thanh niên, hội viên từ các đơn vị cơ sở vào rèn luyện, uốn nắn và bổ sung kiến thức cho các con. Có những em nhỏ, từ bé sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, vùng cao biên giới nên đã quen với việc sử dụng ngôn ngữ của đồng bào, do vậy rất khó khăn trong việc dạy tiếng phổ thông. Việc dạy nói đã khó, việc dạy chữ lại càng khó khăn hơn. Nhưng rồi cái khó ló cái khôn, các em cũng đã thích ứng vô cùng nhanh nhạy, nhiều em từ chưa biết chữ đến bây giờ đã nói và viết tốt, thậm chí có những em trở thành học sinh tiên tiến, học sinh giỏi của trường.
Qua 2 năm hoạt động, đến nay tổng số các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được nuôi dưỡng theo đề án của Công an tỉnh Sơn La lên con số 36. Về với mái ấm mới, các cháu cũng có góc học tập riêng và sinh hoạt như những chiến sỹ Công an. Sáng 5h30 tập thể dục, ăn sáng, đến trường và buổi chiều được tập võ, đến tối được bố mẹ Công an kèm cặp học tập. Không chỉ bảo đảm toàn bộ chi phí nuôi dưỡng, mỗi cháu nhỏ đều được may quần áo mới, đồ dùng học tập mới, sách, bút… để đảm bảo cho việc học tập và rèn luyện như bao đứa trẻ khác.
Thiếu tá Mai Nguyễn Ngọc Huyền, Phó ban Thanh niên, Phụ nữ Công an tỉnh Sơn La cho biết: "Trong tổng số 36 cháu nhỏ được chúng tôi đưa về nuôi dưỡng đa phần các con em đồng bào dân tộc Mông, có những con là người Mường, người Thái… Cho đến nay các con đều ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và rèn luyện. Thấy các con tiến bộ hàng ngày, chúng tôi rất vui lòng". Việc thực hiện Đề án "Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La" không chỉ đã góp phần thực hiện thắng lợi các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng mà còn thực hiện các mục tiêu tại Đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021- 2030. Đề án ra đời đã giúp các em được phát triển toàn diện để trở thành những công dân tốt. Đề án được hình thành, hoạt động một cách bài bản, khoa học, đầy tính nhân văn cũng góp phần nâng cao dân trí, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó máu thịt giữa lực lượng Công an với đồng bào nơi vùng cao Sơn La.
"Thời gian tới, Công an tỉnh Sơn La sẽ tiếp tục khảo sát, lựa chọn, nhận con nuôi, nhân rộng đề án này trong toàn tỉnh", Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Vân, Giám đốc Công an tỉnh Sơn La chia sẻ. Được về với mái nhà chung Công an Sơn La, em Lò Thị Lưu (12 tuổi) tâm sự: "Sau này con muốn học tập thật giỏi để trở thành một nữ chiến sỹ Công an, bảo vệ bản làng, quê hương", còn với em Lò Lệ Quyên (14 tuổi) có ước mơ trở thành một bác sỹ giỏi để khám, chữa bệnh cho bà con vùng cao. Từ một cô bé đen đúa, gầy gò, lam lũ và khuôn mặt lúc nào cũng đượm buồn, Lò Lệ Quyên bây giờ là một cô bé vui tươi. Điều bất ngờ nhất đối với chúng tôi đó là sự thay đổi thần kỳ của các cháu không biết tiếng phổ thông, nhưng nay đã quen nói tiếng phổ thông, đồng thời cháu nào cũng ngoan ngoãn, lễ phép.
Vừa sắp xếp lại sách vở trên bàn, Lò Thị Diệp vừa vui vẻ nói: "Cuộc sống của cháu khác hẳn trước đây. Lúc đầu cháu chưa quen nên cũng hơi nhớ nhà, nhớ bản nhưng giờ thì cháu thích ở đây lắm. Cháu được ăn ngon, được học đầy đủ, được các cô chú Công an quan tâm chăm sóc từ ăn uống đến học hành". Bà Nguyễn Thị Mẫn, bà nội của cháu Nguyễn Hoài Nam và Nguyễn Nam Thành xúc động nói: "Gia đình chúng tôi biết ơn Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an tỉnh và các cô, các chú Công an đã cho các cháu của tôi cũng như những đứa trẻ mồ côi khác một cuộc đời thứ hai".
Có thể dễ dàng nhận thấy, Đề án "Tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Sơn La" do Công an tỉnh thực hiện tuy đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao, nhân dân các địa phương các huyện, thành phố đồng tình ủng hộ và tích cực chung tay cùng thực hiện Đề án có ý nghĩa này. Không chỉ là một mái ấm bình thường, Công an tỉnh Sơn La còn là ngôi nhà của tình yêu và nơi nuôi dưỡng những ước mơ của những trẻ em vùng cao. Hơi ấm của tình yêu mà các cô, chú Công an dành cho các em sẽ làm vơi bớt đi giá lạnh và sự cô đơn. Và hơn thế nữa, thay vì thất học, luẩn quẩn vất vưởng mưu sinh, sẽ có nhiều đứa trẻ được chăm sóc, học hành, lớn lên trong tình yêu thương, trở thành công dân có ích cho xã hội. Chắc hẳn mai sau, các em vẫn luôn nhớ về mái ấm mang tên "Công an tỉnh Sơn La" - nơi đã nuôn dưỡng, chắp cánh để các em thực hiện ước mơ của mình.