TKV: Cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu than
Để đảm bảo đủ than cho nhu cầu sử dụng, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) hiện nay là hoàn thiện mô hình vừa sản xuất, vừa kinh doanh than, chú trọng cân đối sản xuất, nhập khẩu (NK) than với pha trộn cho sản xuất để nâng cao giá trị than và đáp ứng nhu cầu cung cấp than cho thị trường trong nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Cụ thể, dự kiến nhu cầu than cho sản xuất điện đến năm 2020 là 50 triệu tấn, năm 2025 khoảng 76 triệu tấn, năm 2030 gần 100 triệu tấn. Nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế, theo kế hoạch, dự kiến trong năm nay, TKV sẽ NK 10,2 triệu tấn than (tăng 3,7 triệu tấn so với năm 2019). TKV đã xây dựng chi tiết kế hoạch NK các chủng loại than phù hợp để pha trộn với nguồn than sản xuất trong nước, đáp ứng yêu cầu thị trường. Các loại than nhập chủ yếu là than nhiệt năng phục vụ pha trộn than trong nước như cám 4, 5 và cám 6... giá NK than cũng được cân nhắc trên nhiều yếu tố, bảo đảm có lợi nhất. Từ đầu năm đến nay, TKV đã NK khoảng 9 triệu tấn than từ Nga, Australia, Nam Phi và Indonesia.
Để nâng cao hiệu quả sản xuất trong nước, trong điều kiện sản xuất các mỏ hầm lò và lộ thiên ngày càng xuống sâu và khó khăn, TKV đã đổi mới, ứng dụng mạnh mẽ “ba hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa) vào các công đoạn sản xuất, kinh doanh. Từ lò chợ cơ giới hóa áp dụng đầu tiên tại Công ty Than Khe Chàm (năm 2015) đến nay, TKV đã nhân rộng 10 dây chuyền đồng bộ cơ giới hóa đang hoạt động tại 8 đơn vị than: Than Hà Lầm, Vàng Danh, Khe Chàm, Núi Béo, Mông Dương, Dương Huy, Quang Hanh và Than Uông Bí.
Đơn cử, thực hiện chủ trương của TKV đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa trong sản xuất than hầm lò, Công ty Than Hạ Long đã hướng mục tiêu đầu tư công trình cơ giới hóa trong đào lò, khai thác, vận tải, nhằm tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân. Giữa tháng 7/2020, Công ty Than Hạ Long đã khởi công lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ, công suất 300 nghìn tấn/năm tại mức -320 m đến -290 m khu Khe Chàm I. Việc áp dụng đưa lò chợ cơ giới hóa hạng nhẹ vào hoạt động sẽ cho phép giảm khoảng 20% giá thành khai thác so với công nghệ sử dụng bằng giá khung, giá xích, giá thủy lực di động khấu than bằng khoan nổ mìn và giảm từ 35 - 40% giá thành so với phương án khai thác bằng các lò chợ cột thủy lực đơn.
Ngoài ra, TKV còn chủ động ứng dụng tự động hóa, tin học hóa vào quá trình sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý điều hành. Từ TKV đến các đơn vị đều đầu tư mạng hạ tầng truyền thông số tốc độ cao, kết hợp xây dựng các trung tâm điều khiển giám sát tập trung hiện đại, có khả năng bao quát toàn mỏ và điều khiển tập trung. Hiện, TKV đang tiếp tục triển khai các phần mềm ứng dụng phục vụ điều hành sản xuất như: Phần mềm hóa đơn điện tử; phần mềm quản lý, dự báo tâm lý an toàn, sức khỏe cho người lao động mỏ hầm lò, nhận diện cấp phát nhiên liệu thông minh tại các đơn vị khai thác lộ thiên, hệ thống giám sát lưu chuyển than… Từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất.
Việc đầu tư, đổi mới công nghệ sản xuất theo hướng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa trong khai thác hầm lò và đầu tư đồng bộ thiết bị công suất lớn trong khai thác lộ thiên đã góp phần giảm tỷ lệ tổn thất tài nguyên trong khai thác hầm lò từ 23,5% xuống 20% và trong khai thác lộ thiên từ 4,9% xuống 4,3%; năng suất lao động toàn TKV tính theo giá trị tăng bình quân 12%/năm...
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tkv-can-doi-giua-san-xuat-va-nhap-khau-than-148027.html