TKV làm thế nào để giảm tỷ lệ tổn thất trong khai thác than?
TKV nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án đầu tư và tăng cường công nghệ để giảm tổn thất trong quá trình khai thác than.
Tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 nêu rõ: Phấn đấu đến năm 2020 giảm tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp hầm lò xuống còn khoảng 20% và dưới 20% sau 2020. Tỷ lệ tổn thất than khai thác bằng phương pháp lộ thiên xuống khoảng 5% và dưới 5% sau năm 2020.
Trong bối cảnh ngành công nghiệp than – khoáng sản được dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm những tháng cuối năm. Để đảm bảo đủ nguồn than cung ứng cho thị trường, đồng thời, nâng cao hiệu quả hoạt động, Tập đoàn Công nghiệp than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm hạ giá thành sản phẩm, như tăng cường đầu tư công nghệ để giảm tổn thất tài nguyên, nâng cao hiệu quả thực hiện các dự án đầu tư tại các công ty than…
Theo ông Nguyễn Văn Biên - Phó TGĐ TKV, Tập đoàn đã tập trung nâng cao hiệu quả các dự án đầu tư và tăng cường công nghệ để giảm tổn thất tài nguyên. Cụ thể là cùng với việc tăng cường công tác quản trị tài nguyên, những năm gần đây, TKV đã có bước chuyển biến tích cực trong việc đổi mới công nghệ và nâng cao trình độ cơ giới hóa khai thác, trong đó ở các mỏ lộ thiên đã tăng cường áp dụng dây chuyền thiết bị đồng bộ, gồm các thiết bị khoan, xúc bốc, vận tải theo hướng công suất lớn và thủy lực hóa.
Ðối với các mỏ hầm lò, mức độ cơ giới hóa trong các khâu đào, chống lò, khai thác, vận chuyển than đã không ngừng được nâng cao, đầu tư bằng nhiều thiết bị máy móc hiện đại. Do vậy, mức độ tổn thất than ở các mỏ lộ thiên đã giảm còn 8%, hầm lò giảm dưới 30%.
Ông Biên cũng cho biết, trong khai thác hầm lò, nhiều đơn vị ngành đã và đang triển khai nghiên cứu công nghệ và các giải pháp thích hợp để khai thác than. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh mức độ cơ giới hóa nhằm tiêu hao lượng gỗ chống lò, theo như tính toán, bình quân sử dụng 10 mét khối gỗ/1.000 tấn than nguyên khai, mỗi năm ngành than tiết kiệm được hàng triệu mét khối gỗ, nâng cao hiệu quả khai thác than và góp phần bảo vệ môi trường và tài nguyên rừng.
Với các mỏ lộ thiên, tỷ lệ giảm tổn thất than đã giảm từ 10% xuống còn 8% nhờ sử dụng các loại máy xúc thủy lực, máy xúc lật thế hệ mới việc đào sâu đáy mỏ đã tăng tốc độ xuống sâu trung bình 15 mét/năm, gấp 2 lần so với trước đây. Các giải pháp công nghệ đã tạo điều kiện khai thác sâu hơn, gia tăng đáng kể hệ số thu hồi than ở nhiều mỏ lộ thiên, kéo dài vòng đời khai thác so với dự kiến./.