TKV phải cung ứng đủ than cho phát triển đất nước
Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) cần chủ động, linh hoạt điều hành sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường, nhất là thị trường than, đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là đủ than cho sản xuất điện.
Đó là một trong những yêu cầu mà Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại Hội nghị Tổng kết năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của TKV diễn ra 20/1 tại Hà Nội.
Năm 2020, doanh thu của toàn TKV ước đạt 123.400 tỷ đồng, đạt 89% kế hoạch, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận toàn Tập đoàn đạt 3.000 tỷ đồng, bằng 86% kế hoạch, nộp ngân sách Nhà nước 19.500 tỷ đồng.
Bước sang năm 2021, TKV đặt mục tiêu doanh thu, lợi nhuận, mức nộp ngân sách tương đương năm 2020. Trong đó, sản xuất kinh doanh than đạt khoảng 42 triệu tấn (trong nước sử dụng khoảng 40,77 triệu tấn, than xuất khẩu 1,23 triệu tấn), sản lượng phát điện thương mại khoảng 10 tỷ kWh. TKV cũng tập trung đẩy mạnh công tác phát triển tài nguyên đối với các khoáng sản chính như đồng, kẽm… đa dạng hóa nguồn cung cấp nguyên liệu, đảm bảo các nhà máy chế biến khoáng sản hoạt động ổn định, hiệu quả.
Không vì khai thác khoáng sản mà làm ảnh hưởng tới môi trường
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đặc biệt khen ngợi TKV đã triển khai nhiều giải pháp phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, góp phần phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới.
Bên cạnh đó, Tập đoàn đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh năm 2020 và giai đoạn 2016-2020. TKV là một trong ít tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đạt lợi nhuận kế hoạch, doanh thu cao, trên 120.000 tỷ đồng, lợi nhuận khá cao trên 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách được xấp xỉ 20.000 tỷ đồng, tăng 2% so với kế hoạch.
Các sản phẩm chủ yếu như than sạch, tiêu thụ xuất khẩu đều đạt kế hoạch. Sản xuất khoáng sản đạt và vượt kế hoạch, đặc biệt là sản xuất alumin quy đổi đạt 1,4 triệu tấn năm, là năm đạt cao nhất từ trước đến nay.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đây là ngành cần phát triển, là tiềm năng to lớn của đất nước. Tập đoàn đã khai thác, chế biến và đảm bảo những yêu cầu về sản xuất, kinh doanh, đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đây là yêu cầu quan trọng để phát triển bền vững. “Không thể vì sản xuất alumin mà chúng ta lại làm ảnh hưởng đến môi trường”.
Phó Thủ tướng cũng chia sẻ, khi đến thị sát tận nhà máy, công tác bảo vệ môi trường, phục hồi lại những cơ sở khai thác được triển khai đồng bộ, hiệu quả, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế của Tây Nguyên, vùng đang còn nhiều khó khăn.
TKV cũng đã tham gia vào sản xuất điện, đạt trên 10 tỷ kWh, chiếm khoảng 5% tổng điện năng tiêu thụ của cả nước trong năm 2020.
Tính chung cho giai đoạn 2016-2020, các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận trước thuế, mức nộp ngân sách Nhà nước của TKV đều tăng cao so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng nhìn nhận, trong những năm qua, TKV đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng về phát triển năng lượng, đồng thời tham gia phát triển trực tiếp về năng lượng điện, góp phần quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ công nghiệp hóa hiện đại hóa.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng như cơ hội thời cơ để phát triển, ngành năng lượng Việt Nam nói chung và ngành than-khoáng sản Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức cần phải khắc phục trong thời gian tới.
Trước hết là các nguồn cung cấp năng lượng trong nước đang không đáp ứng đủ nhu cầu của nguồn năng lượng sơ cấp, cho nên phải nhập khẩu than, nhập khẩu khí ngày càng lớn. Chính vì thế, chúng ta phải phát triển năng lượng tái tạo để lấy nguồn năng lượng sơ cấp của mình, trong đó có thủy điện, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, nhưng vẫn chưa thể đảm bảo vận hành an toàn hệ thống, điều độ hệ thống, và vẫn phải tiếp tục nhập khẩu nhiều nguồn năng lượng sơ cấp.
Vấn đề thứ hai là hiệu quả khai thác, sử dụng năng lượng của Việt Nam còn thấp; cơ sở hạ tầng năng lượng vừa thiếu, vừa chưa đồng bộ, từ kho cảng, đường ống, đến hệ thống truyền tải. Trình độ công nghệ ngành nông nghiệp vẫn còn nhiều hạn chế, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, hiệu quả, do đó ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam.
Công tác tái cấu trúc sắp xếp doanh nghiệp thoái vốn tại một số đơn vị và công tác cổ phần hóa của các tập đoàn năng lượng nói chung, trong đó có than, khoáng sản chưa đạt mục tiêu đề ra. Các đơn vị chưa bám sát thị trường để điều chỉnh kế hoạch, từ đó dẫn đến tồn kho, dư thừa sản phẩm trong năm 2020.
Tận dụng thành tựu khoa học công nghệ 4.0 để biến thách thức thành cơ hội
Trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu TKV tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động quyết liệt hiệu quả hơn, vượt khó khăn, biến thách thức thành cơ hội, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng chuyển dịch đầu tư thương mại chuyển đổi số trong khu vực và thế giới để phát triển.
Ngành than, khoáng sản phải vượt qua khó khăn để phát triển, phải cung ứng đủ than cho nền kinh tế chung, đặc biệt là cho phát triển điện. Hiện than nội địa của TKV không đủ cung cấp cho sản xuất điện mà vẫn phải nhập khẩu để đáp ứng cho nhu cầu của đất nước.
Phó Thủ tướng đề nghị TKV tập trung xây dựng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Khẩn trương hoàn thiện và triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch của Tập đoàn thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
“Mở rộng tìm kiếm thăm dò, đẩy mạnh khai thác than trên cơ sở đảm bảo an toàn hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, khẩn trương nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than sông Hồng, phải đẩy nhanh việc nghiên cứu đầu tư xây dựng các cảng, các kho trung chuyển và dự trữ quy mô lớn”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: TKV cần bám sát vào 8 trọng tâm chỉ đạo điều hành, cùng 11 nhiệm vụ và giải pháp của Chính Phủ đã đề ra trong năm 2021. Từ đó, căn cứ vào điều kiện thực tế của mình xây dựng các kịch bản phù hợp để chỉ đạo, triển khai có hiệu quả các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn, đảm bảo thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2021 và những năm tiếp theo. Đặc biệt là phải chủ động, linh hoạt điều hành sản xuất đáp ứng theo nhu cầu thị trường, nhất là thị trường than, đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt là đủ than cho sản xuất điện.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu Tập đoàn, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của từng đơn vị thành viên. Trước mắt cần tập trung xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu TKV giai đoạn 2021-2025, hoàn thiện mô hình tổ chức và đổi mới quản trị doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát lại các ngành nghề, sản phẩm của Tập đoàn để tái cơ cấu phù hợp, từ đó tái cơ cấu công nghệ sản xuất, tái cơ cấu về đầu tư, tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, tái cơ cấu về nhân lực gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
“TKV cần tập trung xử lý các tồn đọng về đất đai, đầu tư tài chính xong trước khi cổ phần hóa công ty mẹ. Tiếp tục triển khai đảm bảo tiến độ hoàn thành cổ phần hóa doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thường xuyên báo cáo với các bộ, ngành về những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
Bên cạnh đó, TKV cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa sâu rộng trong Tập đoàn, gắn với nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Cần coi khoa học công nghệ là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, tăng hiệu quả của doanh nghiệp và tăng hệ số an toàn trong quá trình lao động sản xuất. Chủ động triển khai quá trình chuyển đổi số để tận dụng và phát huy tối đa những thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
TKV cần tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tập trung vốn đầu tư cho các dự án mỏ hầm lò mới, cải tạo, nâng cấp các mỏ hiện có để tăng sản lượng than đảm bảo nhu cầu than cho nền kinh tế theo quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phó Thủ tướng đề nghị TKV quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người lao động. Đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội cho cán bộ nhân viên, một vấn đề được Tập đoàn thực hiện rất tốt trong thời gian vừa qua.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng cần phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo hoạt động của ngành an toàn, thông suốt, không làm dịch bệnh bùng phát trở lại.
Về một số kiến nghị của TKV, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các Bộ Công Thương, Tài chính, TN&MT, KH&ĐT và các bộ, ngành, địa phương liên quan giải quyết trong thẩm quyền của mình, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ cấp phép khoáng sản để phục vụ các dự án đầu tư, mở rộng sản xuất, nâng công suất mỏ, các thủ tục đầu tư...