TNA và VRC giảm sàn có gì lạ?

Trong phiên cuối tuần (27/12), 2 cổ phiếu TNA và VRC đã đồng loạt giảm sàn với dư bán sàn còn rất lớn. Điều gì khiến 2 cổ phiếu này bị bán tháo?

Ngày 4/10, trong bài báo “Cắt margin TNA, điều gì là bất thường?”, Báo Đầu tư Chứng khoán đã cảnh báo TNA (Công ty cổ phần Thương mại xuất nhập khẩu Thiên Nam) tăng bất thường không gắn với thực chất doanh nghiệp, kết quả về hoạt động kinh doanh. Thời điểm đó, giá cổ phiếu TNA đã tăng 50% lên 14.600 đồng/cổ phiếu.

Tuy nhiên, bất chấp những cảnh báo giá cổ phiếu TNA tiếp tục tăng thẳng đứng lên hơn 27.000 đồng/cổ phiếu, trước khi giảm sàn liên tiếp, còn 21.750 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch cuối tuần (27/12).

Trên các diễn đàn chứng khoán, thông tin về TNA được truyền đi là công ty này đẩy mạnh quyết định hợp tác đầu tư dự án bất động sản có quy mô 20,24 ha tại phường 12, TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và quý III/2019 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thoái vốn 125 tỷ đồng từ CTCP Thương mại Phát triển Sài Gòn 268 mà trước đó doanh nghiệp chỉ đầu tư 119,7 tỷ đồng.

Đặc biệt, nhà đầu tư kỳ vọng TNA phát hành tối đa 15 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác chiến lược, giá phát hành không thấp hơn 25.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều mức giá giao dịch thời điểm tháng 10.

Trong các ngày 18, 19, 20, 23/12, đã có hơn 3 triệu cổ phiếu TNA giao dịch ở mức giá đỉnh 26.000 đồng đến hơn 27.000 đồng/cổ phiêu sau đó điều chỉnh. Không rõ TNA đã phát hành thành công chưa, nhưng nhà đầu tư mua TNA những phiên này đang lỗ nặng.

Còn VRC (Công ty cổ phần Bất động sản và Đầu tư VRC) là cổ phiếu nóng có tính lịch sử, cũng giảm sàn về 19.350 đồng/cổ phiếu và còn tệ hơn là mất thanh khoản khi chỉ có 210 cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên giao dịch thứ Sáu (27/12). Trước đó, trong phiên 26/12, VRC cũng đã bị bán mạnh và xuống mức sàn 20.800 đồng.

VRC tăng từ 15.000 đồng/cổ phiếu ngày 23/10 lên chạm mốc 25.250 đồng/cổ phiếu vào phiên 20/12, tương đương mức tăng hơn 68%. Đã 3 năm nay, năm nào VRC cũng có một sóng tăng nóng chạm mức giá đỉnh này rồi điều chỉnh.

Việc KIS, công ty chứng khoán trong top 10 công ty có dư nợ cho vay margin lớn nhất cắt giảm tỷ lệ margin với TNA và VRC. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến giao dịch cổ phiếu, nhất là khi TNA và VRC không có trong danh mục cho vay của một số công ty chứng khoán trong top 10 công ty có dư nợ cho vay margin lớn nhất, theo báo cáo tài chính quý III.

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chung-khoan/tna-va-vrc-giam-san-co-gi-la-308942.html