Tổ ấm
Nó ngồi một mình trong góc phòng, thu mình hết sức có thể. Căn phòng trọ nhỏ trống huơ trống hoác, chỉ có vài bộ quần áo treo trên tường. Rồi nó bỗng bật khóc, khóc thật to cho thỏa sự kìm nén bao lâu nay. Nó nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Nó muốn về, muốn được ngồi trong ngôi nhà nhỏ lợp ngói mát rượi.
Nó ngồi một mình trong góc phòng, thu mình hết sức có thể. Căn phòng trọ nhỏ trống huơ trống hoác, chỉ có vài bộ quần áo treo trên tường. Rồi nó bỗng bật khóc, khóc thật to cho thỏa sự kìm nén bao lâu nay. Nó nhớ nhà, nhớ bố mẹ. Nó muốn về, muốn được ngồi trong ngôi nhà nhỏ lợp ngói mát rượi. Nó thấy nhớ và thèm được ngửi mùi bùn đất ngái ngái của cánh đồng mỗi khi đến mùa cày ải - cái mùi mà nó đã từng cảm thấy khó chịu vào mỗi buổi tối. Vậy mà đã gần một năm nó bỏ nhà đi. Gần một năm lăn lóc mưu sinh nó mới thấm thía thì ra cuộc sống không hề đơn giản như nó nghĩ và nó cũng không mạnh mẽ như đã tưởng. Cũng sắp đến ngày giỗ ông nội, ai sẽ là người trèo lên cây cau đầu hè hái quả cho mẹ thắp hương? Nó muốn trở về nhưng lại sợ. Không biết bố mẹ có tha thứ cho mình hay không? Bố mẹ có còn chấp nhận đứa con ngang ngược, không biết nghe lời cha mẹ như mình hay không? Nó thấy ân hận ghê gớm, cứ ước thời gian có thể quay trở lại, nó sẽ nghe lời bố mẹ, sẽ chăm chỉ học hành. Nếu vậy, giờ này có lẽ nó cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, là cậu học sinh cuối cấp, chuẩn bị bước vào đại học.
Chuông điện thoại reo. Là bà chủ Hoa Phượng. Nó uể oải đưa điện thoại lên tai.
- Mày đang ở xó nào vậy? Biết mấy giờ rồi không mà còn chưa đến làm vậy? Mày…
Nó buông điện thoại, kệ đầu dây bên kia đang xa xả nói. Nó ứa nước mắt khi nhớ đến câu “Cơm người khổ lắm ai ơi/Chẳng như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn” mà nó đọc được hồi chiều khi lướt facebook. Tối rồi. Lẽ ra giờ này nó đang ở chỗ làm. Mà lẽ ra nó đang quây quần bên mâm cơm cùng bố mẹ. Mẹ sẽ gắp đồ ăn cho bố, rồi cho nó. Bố sẽ vừa ăn vừa kể chuyện, xong giục nó ăn nhanh còn học bài…
Gió ngoài cánh đồng thổi vào mát rượi. Minh uể oải bưng bát cơm và vào miệng. Bố mẹ có bao giờ để ý đến tâm trạng, ước muốn của nó hay không? Suốt ngày chỉ nói đến học.
- Thằng Minh còn hơn một năm nữa là hết cấp, rồi đi học đại học…
Vừa mới nghe bố nói vậy Minh đã buông bát đứng dậy. Nó chán ngấy khi cứ phải nghe mãi điệp khúc: chỉ có học mới mở mày mở mặt lên được, chỉ có học mới đỡ vất vả, khổ sở. Nó thấy bố mẹ quá lạc hậu, thời buổi này, đâu phải chỉ có con đường duy nhất là học đại học mới có thể thành công, giàu có. Đầy người chỉ học hết cấp 3, họ vẫn thành đạt đấy thôi. Bố mẹ cũng thừa biết, thiếu gì người học xong đại học, loại khá, giỏi hẳn hoi có xin được việc đâu, về nhà vẫn phải đi làm công nhân, hoặc một việc gì đó chẳng dính dáng gì đến cái đã được học. Vậy thì việc gì phải đi học cho khổ, vừa tốn tiền, vừa mất thời gian. Minh quyết định rồi, cứ học xong cấp 3 thôi, rồi lo học nghề, đi làm. Có vốn, nó sẽ kinh doanh cái gì đó. Xã hội bây giờ thừa thầy, thiếu thợ. Nó bước ra sân, đón làn gió mát từ ngoài đồng thổi vào, bỗng nhăn mặt khi ngửi thấy mùi bùn đất cày ải. Nó quay vào nhà. Mẹ đang dọn dẹp, bố chuẩn bị đi làm. Bố Minh bị tai nạn mấy năm trước khi đi phụ hồ, đôi chân giờ không còn lành lặn nữa, ông ở nhà nhận đan ghế mây, ghế nhựa cho người ta. Mẹ xong mùa vụ cũng làm, rảnh là làm. Nó thấy bố mẹ làm suốt ngày, từ sáng sớm đến tận khuya, ngày được 100.000 - 200.000 đồng. Vậy mà lúc nào cũng nói đến chuyện nó đi học đại học. Nó sẽ không đi học, sẽ đi làm để bố mẹ đỡ vất vả. Nó thấy khó chịu mỗi khi trái gió trở trời bố nhăn nhó, tái mặt vì vết đau bên chân mà vẫn cố ngồi làm cho kịp hàng giao cho người ta.
- Minh mang giùm bố ít đồ ra sân đi. Tối nay trăng sáng quá. Gió mát nữa.
- Bố mẹ nghỉ đi, đừng làm nữa.
- Ơ hay, không làm lấy gì mà chi tiêu. Với lại, sang năm con vào đại học, cũng cần một số tiền lớn để nhập học nữa.
Lại là đại học. Minh nói gần như gắt lên:
- Con đã nói rồi, con học xong sẽ đi học nghề. Con không học đại học đâu.
- Con ngang bướng vậy, không nghe lời bố mẹ, sau này làm được gì?
- Đâu phải cứ học mãi mà lên người đâu. Sẽ có đầy việc nếu người ta biết đầu tư tìm tòi, học hỏi. Con sẽ cho bố mẹ thấy. Ngay bây giờ con cũng có thể đi làm kiếm tiền, chẳng qua phải học cho hết cấp 3, chứ con thấy cũng không cần thiết.
Nghe Minh nói, bố nó giận quá, vung cây nạng về phía nó, rồi loạng quạng ngã ra sân. Minh vội chạy lại đỡ, ông đẩy nó ra..
Vừa lúc đó mẹ nó từ phía bờ giếng chạy lại, hốt hoảng đỡ chồng dậy. Rồi bà quay sang nó trách móc:
- Sao bố mẹ nói lần nào con cũng cãi như vậy. Con còn trẻ con lắm, chưa hiểu đời đâu. Thôi, vào lo học bài đi. Còn một năm nữa là thi đại học rồi.
- Con đã nói là không học đại học mà. Con…
- Con viển vông vừa thôi. Không học thì làm được gì. Mới tí tuổi đầu đã không biết nghe lời…
Bị động đến lòng tự ái, Minh đưa mắt nhìn bố rồi bỏ vào trong nhà. Dù sao nó cũng sắp mười tám tuổi rồi, đâu còn trẻ con nữa mà bố mẹ cứ suốt ngày mắng mỏ. Nó sẽ cho bố thấy, nó làm được dù không học. Nó sẽ xin đi làm rồi đi học nghề. Vậy là đêm hôm đó nó bỏ đi với vài bộ đồ và 200.000 đồng tiết kiệm được. Nó để lại bức thư ngắn gọn với lời khẳng định chắc chắn: Con sẽ thành công.
… Bụng Minh sôi lên. Từ chiều đến giờ nó chưa có cái gì cho vào bụng. Gần một năm, tiền công làm thêm chỉ đủ cho nó chi trả tiền phòng trọ, tiền ăn ở nơi thành phố tấp nập này, dự định học nghề của nó chưa thành. Xoay vòng một ngày nó cũng chẳng còn thời gian mà đi học. Gần một năm, Minh thực sự đã thấm thía lời dạy của bố mẹ. Nhưng làm sao nó có thể quay về? Không biết bố mẹ giờ ra sao? Bố có còn nhận hàng về làm không? Bố mẹ còn muốn nhìn mặt đứa con này hay không?... Mọi ý nghĩ cứ hỗn độn trong đầu nó. Điện thoại lại reo. Là một số lạ. Nó tắt máy. Lần thứ ba, nó đưa lên tai:
- Minh, con đó phải không?
Minh hoảng hốt khi nhận ra giọng run run, hồi hộp của mẹ:
- Mẹ!
- Ừ, về đi con. Bố mẹ trông con hàng ngày.
- Nhưng con…
- Bố mẹ biết cả rồi. Gần một năm, thế là đủ rồi. Về đi con.
Minh đưa tay bịt miệng, ngăn tiếng nấc đang trào lên khi nghe tiếng bố thì thầm hỏi: “Thế nào mình, con nó về chứ? Không biết giờ trông nó ra sao?”
Không suy nghĩ gì thêm, Minh vơ vội mấy bộ quần áo cho vào ba lô, bước ra khỏi căn phòng trọ tối om của mình. Nó đi nhanh về phía đầu hẻm, vẫy xe ôm ra đường lớn. Nó sẽ lên bất cứ chuyến xe nào sớm nhất trong đêm để về nhà. Trước mắt nó là hình ảnh bố mẹ đang đón đợi đầu ngõ.
. Truyện ngắn của Lê Công Phượng
Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/sang-tac/201911/to-am-8136144/