Tổ ấm của người lao động

Với phương châm ở đâu có công nhân, ở đó có Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã và đang triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động bằng những hình thức phong phú, đa dạng, thiết thực, phù hợp với nhu cầu thực tế của đoàn viên, người lao động.

Chăm lo từ đời sống vật chất...

Thực tế cho thấy, đời sống của một bộ phận đoàn viên, người lao động trên địa bàn Thủ đô còn gặp không ít khó khăn. Chính vì thế, các cấp Công đoàn Thủ đô đã tập trung triển khai các hoạt động hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, bệnh hiểm nghèo, khó khăn về nhà ở… Vào các dịp Tết Nguyên đán, Tháng Công nhân, kỷ niệm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam… tổ chức Công đoàn Thủ đô triển khai đợt cao điểm chăm lo cho đoàn viên, người lao động với các hoạt động thiết thực. Đặc biệt, lãnh đạo Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội, lãnh đạo các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã đến thăm hỏi, động viên, trao hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh (thứ 3 từ trái sang) trao hỗ trợ kinh phí xây dựng “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Quang Thanh (thứ 3 từ trái sang) trao hỗ trợ kinh phí xây dựng “Mái ấm Công đoàn” cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở.

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2023, từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và ngân sách Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Chợ tết Công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng Công nhân hàng năm… Ngoài ra, các cấp Công đoàn Thủ đô đã triển khai hiệu quả chương trình “Phúc lợi cho đoàn viên Công đoàn”, tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác với các đơn vị, doanh nghiệp để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên với giá ưu đãi, góp phần cải thiện đời sống đoàn viên, thông qua đó thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn - tổ ấm của người lao động.

Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, giai đoạn 2018 - 2023, từ nguồn “Quỹ Xã hội Công đoàn” và ngân sách Công đoàn, các cấp Công đoàn Thủ đô đã chi hỗ trợ cho 1,2 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy”, “Chuyến xe 0 đồng”, “Chợ tết Công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng Công nhân hàng năm… Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 285 nhà “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 9,8 tỷ đồng. Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình giải ngân 283,1 tỷ đồng cho 11.500 lượt đoàn viên, người lao động vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống...

Nhằm giúp đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở hiện thực hóa giấc mơ “an cư”, LĐLĐ thành phố Hà Nội đã triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng, sửa chữa “Mái ấm Công đoàn”. Theo đó, đối tượng được hỗ trợ là đoàn viên Công đoàn có hoàn cảnh khó khăn, không đủ khả năng để sửa chữa hoặc xây dựng nhà mới; nhà ở diện tích chật hẹp, hư hỏng nặng, nguy hiểm đến sự an toàn của các thành viên trong gia đình hoặc bị hậu quả do thiên tai, hỏa hoạn gây ra... Giai đoạn 2018 - 2023, LĐLĐ Thành phố đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới 285 nhà “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 9,8 tỷ đồng. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự hỗ trợ từ tổ chức Công đoàn, trong quá trình xây dựng “Mái ấm Công đoàn, đoàn viên, người lao động cũng nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ cấp ủy, chính quyền địa phương và người sử dụng lao động. Nhiều đoàn viên, người lao động được đón nhận hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa “Mái ấm Công đoàn” đã bày tỏ niềm xúc động và cho biết nếu không có sự hỗ trợ của tổ chức Công đoàn thì họ không thể hiện thực hóa giấc mơ “an cư” của mình. Qua đó để thấy được sức lan tỏa cũng như hiệu quả và tính nhân văn của chương trình hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa “Mái ấm Công đoàn” mà tổ chức Công đoàn đang triển khai.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều nhà máy, xí nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động, hàng chục nghìn công nhân lao động phải ngừng việc, mất việc làm, mất thu nhập. Để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với đoàn viên, người lao động, riêng trong đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 các cấp Công đoàn Thủ đô đã trích từ ngân sách Công đoàn và vận động nguồn lực xã hội hóa với số tiền trên 100 tỷ đồng để chăm lo, hỗ trợ cho 120.000 đoàn viên, người lao động; hỗ trợ bữa ăn ca “3 tại chỗ”… Khi thành phố Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều công nhân lao động gặp khó khăn, mắc kẹt ở các khu nhà trọ, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo như: “Xe buýt siêu thị 0 đồng”, “Siêu thị 0 đồng”, “Tổ ứng phó khẩn cấp”, “Đường dây nóng hỗ trợ Công nhân”…

Công nhân lao động đọc sách, báo tại Tủ sách Công đoàn.

Công nhân lao động đọc sách, báo tại Tủ sách Công đoàn.

Qua đó đã hỗ trợ công tác phòng dịch, tiếp nhận thông tin, vận chuyển, hỗ trợ kịp thời 90.000 “Túi An sinh Công đoàn” đến với công nhân lao động gặp khó khăn trong dịch bệnh. Nhiều cán bộ Công đoàn đã không quản ngại vất vả, sẵn sàng đối mặt với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh để trực tiếp chăm lo, hỗ trợ, động viên đoàn viên, người lao động tại các khu cách ly, các khu nhà trọ bị phong tỏa; vận động chủ nhà trọ miễn, giảm giá thuê trọ cho công nhân. Từ đó, đã giúp đoàn viên, người lao động yên tâm, gắn bó với tổ chức Công đoàn, gắn bó với doanh nghiệp; tin tưởng vào các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phòng chống dịch, góp phần vào thành công chung của Thủ đô và cả nước.

Không chỉ kịp thời hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn, tiếp thêm động lực để họ vươn lên trong cuộc sống, tổ chức Công đoàn Thủ đô còn dành nguồn lực để hỗ trợ đoàn viên, người lao động phát triển kinh tế gia đình, cải thiện nhà ở, phương tiện đi lại, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn… thông qua Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình. Theo LĐLĐ thành phố Hà Nội, Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình đã và đang phối hợp chặt chẽ với LĐLĐ các quận, huyện, thị xã, Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở, Công đoàn cơ sở thẩm định và kịp thời giải ngân nguồn vốn đến đoàn viên, người lao động đảm bảo an toàn, chính xác, luân chuyển nguồn vốn hiệu quả, lãi suất cho vay ưu đãi. Giai đoạn 2023 - 2028, Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo Thủ đô phát triển kinh tế gia đình giải ngân 283,1 tỷ đồng cho 11.500 lượt đoàn viên, người lao động vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, cải thiện cuộc sống. Đặc biệt, đã có gần 3.000 đoàn viên, người lao động tại 179 Công đoàn cơ sở lần đầu được tiếp cận nguồn vốn, với số tiền giải ngân 73 tỷ 590 triệu đồng.

...đến tinh thần

Song song với các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tổ chức Công đoàn Thủ đô cũng chú trọng chăm lo đời sống tinh thần cho đoàn viên, người lao động bằng các hoạt động như: Tổ chức Hội khỏe cán bộ, giảng viên, người lao động khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội; Hội diễn văn nghệ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô; Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động Cúp Báo Lao động Thủ đô; chương trình “Hát cho công nhân nghe, nghe công nhân hát”; hướng dẫn hoạt động các câu lạc bộ nghệ thuật khiêu vũ, thanh nhạc; các hội thi, hội diễn văn nghệ và hoạt động thể dục thể thao từ Thành phố đến cơ sở. Từ đó, tạo sân chơi bổ ích để đoàn viên, người lao động có cơ hội giao lưu, học hỏi, thỏa mãn đam mê với các môn thể thao và các loại hình văn hóa nghệ thuật. Đồng thời, giúp đoàn viên, người lao động được tái tạo sức lao động để lao động sản xuất, làm việc, công tác tốt hơn, góp phần vào sự phát triển chung của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Các cấp Công đoàn Thủ đô cũng đã và đang duy trì hoạt động của các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân, Cụm văn hóa thể thao và xây dựng Tủ sách Công đoàn tại các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân, Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân... Qua đó, từng bước xây dựng các thiết chế văn hóa tại cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ công nhân, viên chức, lao động Thủ đô. Ghi nhận thực tế cho thấy, các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân đã trở thành điểm đến quen thuộc của họ, giúp họ giải tỏa căng thẳng, áp lực trong công việc và tái tạo sức lao động. Tại Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong các doanh nghiệp, sau mỗi giờ tan ca hoặc giờ nghỉ giải lao giữa ca, người lao động lại đến đây để nghỉ ngơi, đọc sách báo, giải trí, chơi thể thao… Tại các Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân trong khu dân cư, nơi tập trung đông công nhân lao động thuê trọ, vào các buổi chiều và cuối tuần, có đông đảo người lao động đến để sinh hoạt, giao lưu văn hóa văn nghệ, tập luyện thể thao.

Các cầu thủ thi đấu tại Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động Cúp Báo Lao động Thủ đô.

Các cầu thủ thi đấu tại Giải bóng đá công nhân, viên chức, lao động Cúp Báo Lao động Thủ đô.

Tại các Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân đã xây dựng được Quy ước và lịch sinh hoạt hằng tháng, quý. Đặc biệt, tại nhiều Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân đã được đầu tư các thiết bị phục vụ nhu cầu rèn luyện thể dục thể thao của công nhân lao động và được trang bị Tủ sách Công đoàn để đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đoàn viên, người lao động. Các Tủ sách Công đoàn được trang bị nhiều đầu sách như: Sách tuyên truyền, phổ biến pháp luật như Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, Luật Bảo hiểm xã hội; tuyên truyền các chế độ chính sách; các báo thuộc hệ thống Công đoàn; ấn phẩm, tài liệu tuyên truyền của tổ chức Công đoàn phát hành; sách văn học, giải trí… Thông qua đó, góp phần khuyến khích và phát triển văn hóa đọc, nâng cao giá trị sử dụng, khai thác sách, tài liệu pháp luật, nâng cao nhận thức pháp luật cho công nhân lao động nhất là công nhân đang thuê trọ, góp phần xây dựng xã hội học tập, phát triển nguồn nhân lực Thủ đô.

Từ thực tiễn triển khai hoạt động, các Công đoàn Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã có nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả cao trong công tác chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Tiêu biểu như, LĐLĐ quận Long Biên triển khai mô hình “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”; LĐLĐ quận Cầu Giấy triển khai mô hình “Góc thư giãn Công đoàn”, hiện nay có 186 Công đoàn cơ sở xây dựng mô hình; LĐLĐ quận Hoàn Kiếm triển khai mô hình “Điểm sinh hoạt công nhân”, hiện nay có 5 Công đoàn cơ sở xây dựng mô hình; LĐLĐ quận Nam Từ Liêm triển khai mô hình “Điểm sinh hoạt Công đoàn”, hiện nay có 25 Công đoàn cơ sở xây dựng mô hình; LĐLĐ huyện Đan Phượng triển khai mô hình “Không gian xanh, Góc thư giãn Công đoàn”, hiện nay có 58 Công đoàn cơ sở xây dựng mô hình…

Phải khẳng định rằng, tổ chức Công đoàn Thủ đô đã và đang triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động theo hướng thường xuyên, liên tục, đa dạng về hình thức, phong phú về nội dung, luôn có sự đổi mới, sáng tạo để phù hợp với thực tiễn và nhu cầu của đoàn viên, người lao động. Khi đón nhận sự quan tâm, chăm lo về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của tổ chức Công đoàn, đoàn viên, người lao động đều bày tỏ sự hài lòng và lời cảm ơn chân thành. Được biết, thời gian tới, bám sát tinh thần chỉ đạo trong Nghị quyết số 02-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới” và trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVII Công đoàn thành phố Hà Nội, nhiệm kỳ 2023 - 2028, tổ chức Công đoàn Thủ đô sẽ tiếp tục đổi mới, sáng tạo nội dung, hình thức các hoạt động chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động theo hướng thiết thực, hiệu quả, đáp ứng “đúng”, “trúng” nhu cầu của đoàn viên, người lao động.

Mai Quý

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/to-am-cua-nguoi-lao-dong-174022.html