'Tố' Bảo hiểm BIC chây ì thanh toán, doanh nghiệp khởi kiện ra tòa
Công ty Phú Hà đã khởi kiện Bảo hiểm BIC ra tòa án để yêu cầu thanh toán bảo hiểm.
Theo phản ánh của bà Bùi Thị Hương, Tổng giám đốc Công ty Phú Hà thì Công ty đã khởi kiện Tổng công ty Bảo hiểm BIDV (BIC) ra tòa án để yêu cầu thanh toán bảo hiểm. Trong đơn, bà Hương cũng nêu rõ: “Vào năm 2016 doanh nghiệp có mua gói bảo hiểm cháy, nổ và rủi ro đặc biệt của BIC đối với các tài sản thuộc Nhà máy của Công ty tại tỉnh Hà Tĩnh.
Cuối năm 2017, xảy ra cơn bão số 10 đổ bộ vào Hà Tĩnh khiến cho phần lớn tài sản tại Nhà máy bị hư hỏng. Ngay khi xảy ra sự cố, các bên đã tiến hành làm việc theo quy trình bảo hiểm để xác định nguyên nhân, mức độ thiệt hại. Tuy nhiên, đến khâu xác định số bồi thường thì các bên lại không thống nhất. Phú Hà đề xuất số tiền bồi thường hơn 9 tỷ đồng để sửa chữa lò đốt rác công suất 1 tấn/h, lò đốt công suất 5 tấn/h và nhà xưởng được bảo hiểm.
Nhưng sau khi giảm trừ, phía BIC chỉ chấp nhận bồi thường hơn 3 tỷ đồng. Sau đó, Phú Hà đã xem xét, điều chỉnh giảm số tiền yêu cầu bồi thường xuống mức thấp hơn, nhưng đến nay các bên không tìm được tiếng nói chung. Đến nay, sau hai năm xảy ra sự cố, Công ty Phú Hà vẫn chưa được giải quyết quyền lợi bảo hiểm.
"Chỉ riêng hệ thống dây chuyền đốt rác công suất 5 tấn/h, chúng tôi đã đầu tư mới toàn bộ, với giá trị hơn 33 tỷ đồng. Sau thời gian chạy được hơn 1 năm thì xảy ra cơn bão, nên lò đốt 5 tấn/h phải dừng hoạt động. Đến nay đã hơn hai năm, lò đốt vẫn bị “treo”, hầu hết các phần cấu kiện máy không bị ảnh hưởng bởi cơn bão cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, một số bộ phận không thể sử dụng. Chưa kể đến các hợp đồng của chúng tôi với khách hàng bị hủy, cơ hội kinh doanh mất đi gây gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp...", bà Hương nói.
Theo đơn của bà Hương, mục đích của người mua khi tham gia bảo hiểm tài sản là khôi phục một cách nhanh chóng tình trạng tài chính của mình khi tài sản bảo hiểm bị tổn thất, đây là ý định chính đáng được pháp luật thừa nhận.
Như vậy, xét về mặt đạo đức cũng như nguyên tắc kinh doanh bảo hiểm, đơn vị bảo hiểm phải có nghĩa vụ bồi thường kịp thời cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Điều này có ý nghĩa tích cực, góp phần giúp đỡ doanh nghiệp khi xảy ra khó khăn và tái tạo sản xuất, kinh doanh, hạn chế tổn thất nối tiếp tổn thất.
Tuy nhiên, trong tình huống này, mặc dù Công ty Phú Hà đã cố gắng đáp ứng các điều kiện của BIC đưa ra. Đối với lò 1 tấn/h và nhà xưởng, BIC đồng ý cho Phú Hà tiến hành sửa chữa, vì vậy Phú Hà đã tiến hành sửa chữa và gửi toàn bộ hồ sơ dự toán, hồ sơ thi công, chứng từ, hóa đơn để có cơ sở chi trả bồi thường.
Đối với lò 5 tấn/h, Phú Hà đã lập dự toán sửa chữa theo yêu cầu của đơn vị định giá do BIC thuê và trình BIC, tuy nhiên BIC đưa ra mức bồi thường rất thấp. Số tiền phía bảo hiểm đưa ra vô cùng thấp nhưng lại áp đặt doanh nghiệp tự sửa chữa là điều không khả thi, chúng tôi không làm được ... Vì vậy, cách giải quyết công bằng là nhờ đến cơ quan có thẩm quyền phán xử.
Trao đổi với PV, ông Trần Hoài An, Tổng giám đốc BIC cho biết: “Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin của vụ việc và đầy đủ hồ sơ về vấn đề này”. Theo ông An, BIC đã mời doanh nghiệp lên làm việc, yêu cầu trình đầy đủ hồ sơ số liệu cụ thể, chứ không thể đưa ra con số chung chung rồi yêu cầu bồi thường. Nhưng tới thời điểm này, bên BIC chưa nhận được bất cứ phản hồi nào trực tiếp từ phía doanh nghiệp.