Tố cáo thẩm phán tòa án nhân dân 2 cấp xét xử không công bằng
Gia đình ông Huỳnh Phước Lộc (sinh năm 1978, tổ 16, ấp Cần Thới, xã Cần Đăng, Châu Thành) tố cáo ông Trương Văn Hai, thẩm phán Tòa án nhân dân (TAND) huyện Châu Phú và bà Trần Thị Thúy Hà, thẩm phán TAND tỉnh An Giang quyết định về vụ việc khiếu nại chia di sản thừa kế của cha mẹ ông để lại không đúng với bản chất sự thật.
Gửi đơn đến Báo An Giang, đại diện cho người chị Huỳnh Thị Dung và em Huỳnh Kim Liên, ông Huỳnh Phước Lộc cho biết: "Cha mẹ ông (Huỳnh Văn Triệu, chết năm 2001, bà Nguyễn Thị Phận, chết năm 2012) sinh 8 người con, hầu hết đang nghèo khó. Sinh thời, ông bà tạo dựng được gần 16.000m2 đất nông nghiệp (đo thực tế trên 17.000m2) tọa lạc xã Bình Chánh (Châu Phú); gần 2.600m2 đất vườn tạp ở thị trấn Ba Chúc (Tri Tôn). Sau ngày cha chết, năm 2004 ông Huỳnh Phước Thành (chết năm 2014) ngụy tạo các giấy tờ chuyển nhượng 12.000m2 đất cho vợ chồng ông Huỳnh Văn Lực, Trần Thị Nương, đồng thời giả mạo chữ ký của anh em đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) còn lại gần 3.900m2. Đối với số đất vườn gần 2.600m2 đã có giấy chứng nhận QSDĐ của cha mẹ, nhưng vợ chồng ông Thành và vợ (Bùi Thị Sang) cũng đứng tên chủ quyền. Số đất nói trên là của cha mẹ để lại, dù chết ông bà không lập tờ di chúc cho các con, nhưng vẫn là tài sản thừa kế, chứ không riêng của một ai. Đáng nói, lúc tôi cùng anh Huỳnh Phước Dưỡng lo tiền trả nợ chăm sóc bệnh cho mẹ già, liên tục bị “cưỡng chế” đòi giao số đất, anh Dưỡng quá bức xúc đã uống thuốc độc chết. Các sự cố của gia đình tôi gần như không được địa phương hỗ trợ, giúp đỡ, nhất là việc tranh chấp đất do giả mạo giấy tờ để sang nhượng. Chúng tôi đã khiếu nại đến nhiều nơi, sau khởi kiện yêu cầu TAND huyện Châu Phú phán quyết công minh. Gia đình tôi yêu cầu hủy bỏ giấy chứng nhận QSDĐ của ông Thành, bà Sang đã sang nhượng cho vợ chồng ông Lực và giấy chứng nhận QSDĐ diện tích gần 2.600m2 đất vườn ở thị trấn Ba Chúc. Tuy nhiên, tại phiên tòa dân sự sở thẩm ngày 16-4 về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản; đòi QSDĐ; hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ; hủy giấy chứng nhận QSDĐ và bồi thường thiệt hại về tài sản”, TAND huyện Châu Phú không xem đến giấy tờ giả mạo của ông Thành, chỉ xem xét một chiều và ra phán quyết không đúng bản chất sự thật. Sau đó, tôi kháng cáo. Đến ngày 31-7, TAND tỉnh An Giang mở phiên tòa xét xử không chấp thuận yêu cầu hủy bỏ 2 giấy CNQSDĐ bất hợp pháp. Cụ thể, thẩm phán Trần Thị Thúy Hà không xem xét các tình tiết tòa cấp sơ thẩm bỏ qua, không xem xét tình tiết mới, làm rõ giấy tờ giả mạo, cuối cùng quyết định gần như bản án trước đó. Bản án số 140/2019/DS-PT của TAND tỉnh dù có sửa một phần bản án TAND huyện Châu Phú, nhưng bản chất sự việc gần như không thay đổi. Tài sản của cha mẹ tôi để lại rơi vào vợ chồng ông Thành, bà Sang nay đã bán. Với số đất gần 3.900m2 tôi canh tác đã 16 năm nhưng “giấy đỏ” tên vợ chồng ông Thành, bà Sang, không biết chừng nào giao lại. Hiện, vợ chồng tôi đi làm mướn hàng ngày để nuôi thân, còn việc 2 con nhỏ đi học, không biết tồn tại được bao lâu”.
Ông Huỳnh Phước Lộc chỉ ngôi nhà đang ở, trước đây nuôi dưỡng chăm sóc cho cha mẹ
Nói về việc này, anh Thành, Trưởng ban Nhân dân ấp Cần Thới, xã Cần Đăng cho biết: “Gia đình anh Huỳnh Phước Lộc tọa lạc gần đập Hang Tra (kênh 7), tiếp giáp xã Bình Chánh. Phần đất tranh chấp đã lâu của gia đình ông do địa phương nơi có đất tổ chức hòa giải, thực hiện các thủ tục theo quy định. Đối với những việc liên quan, ban ấp và địa phương đã thực hiện đầy đủ, không có chuyện làm lơ, không quan tâm như ông Lộc đã nói. Về việc anh ông Lộc là Huỳnh Phước Dưỡng chết năm 2003, địa phương và cơ quan chức năng đã tổ chức điều tra, làm rõ. Đối với bản án của TAND đã có hiệu lực pháp luật, đề nghị đương sự cần phải chấp hành, hoặc khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật hiện hành”.
Trả lời về việc trên, Chánh án TAND tỉnh An Giang La Hồng cho biết: “Bản án số 140/2019/DS-PT ngày 31-7-2019 của TAND tỉnh An Giang có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. Theo quy định của pháp luật, Chánh án TAND cấp cao có nhiệm vụ, quyền hạn kháng nghị thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực của TAND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương… Nếu không đồng ý với bản án nói trên, ông Huỳnh Phước Lộc có quyền gửi đơn khiếu nại đến Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao; Chánh án TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh xem xét, giải quyết về yêu cầu của mình. Với việc ông Lộc tố cáo 2 thẩm phán cho là không công tâm trong xét xử, thì phải có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ, cơ sở để chứng minh. Không làm rõ việc vi phạm của người bị tố cáo, người tố cáo có thể bị chế tài theo quy định của pháp luật”.
Bài, ảnh: N.R