Tố chất, năng lực và tầm vóc của cán bộ cấp chiến lược

Từ đầu tháng 8 năm 2023, triển khai công tác chuẩn bị nhân sự cho đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, một số Bộ/Ngành và địa phương đã tiến hành quy trình giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương (BCH).

Cán bộ cấp chiến lược

Theo Điều 9, Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam năm 2011, BCH trung ương là thiết chế lãnh đạo cao nhất của Đảng trong khoảng thời gian giữa hai kỳ đại hội; thành viên BCH Trung ương được xác định là đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược của quốc gia.

Đặc trưng then chốt về cơ chế lãnh đạo áp dụng với toàn bộ cấu trúc chính trị ở nước ta hiện nay là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Vận hành theo nguyên tắc “tập trung dân chủ”, chủ thể lãnh đạo ở mọi cấp độ quản trị Nhà nước là một tập thể, chứ không phải cá nhân.

Quyết định lãnh đạo là sản phầm của trí tuệ, ý chí, trách nhiệm, và sự đồng thuận tập thể. Người đứng đầu các thiết chế lãnh đạo đảm nhiệm vị trí hạt nhân Ban lãnh đạo, nhưng không được đặt lên trên tập thể.

Được bầu lên tại các đại hội Đảng toàn quốc, với nhiệm kỳ 5 năm, chất lượng BCH trung ương sẽ có tác động then chốt đến tiến trình vận động của đất nước trong mỗi giai đoạn.

Chất lượng lựa chọn nhân sự lãnh đạo cấp cao tại đại hội Đảng toàn quốc phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ ứng viên được quy hoạch.

Chất lượng lựa chọn nhân sự lãnh đạo cấp cao tại đại hội Đảng toàn quốc phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ ứng viên được quy hoạch.

Cụ thể hơn, tầm nhìn lãnh đạo, quan điểm chính sách, và năng lực quản trị của mỗi ủy viên trung ương sẽ có ảnh hưởng đến các đường hướng và quyết sách phát triển đất nước.

Vì thế, trước mỗi kỳ đại hội, hẳn nhiên người dân trong cả nước luôn kỳ vọng sẽ được chứng kiến một Ban chấp hành trung ương bao gồm những “tinh anh chính trị” của đất nước.

Để gia tăng sức thuyết phục khi được đứng vào hàng ngũ lãnh đạo cấp chiến lược, cá nhân cần chứng tỏ họ là những nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, ý thức rõ vị thế, vai trò, và sứ mệnh chính trị mà Đảng và nhân dân mong đợi.

Cũng vì thế, bên cạnh đáp ứng các yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, uy tín, và sức khỏe cá nhân, ứng viên ủy viên trung ương cũng cần được thẩm định nghiêm khắc và chặt chẽ về tố chất và tầm vóc lãnh đạo ngay từ giai đoạn giới thiệu vào quy hoạch.

Quy hoạch cán bộ

“Quy hoạch” là một thể chế đã được sử dụng từ lâu ở nước ta nhằm phát hiện, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo tiềm năng.

Về bản chất, quy trình quy hoạch đặt trọng trách phát triển đội ngũ cán bộ các cấp vào những cơ quan chuyên trách về công tác tổ chức, cũng như đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý đương nhiệm.

Tương ứng với mỗi cấp độ quản trị, việc được phát hiện, giới thiệu và phê chuẩn trong danh sách cán bộ quy hoạch chính là “cửa ải” đầu tiên để mỗi cá nhân có thể trở thành nhà lãnh đạo trong tương lai.

Cũng bởi thế, chất lượng lựa chọn nhân sự lãnh đạo cấp cao tại đại hội Đảng toàn quốc phụ thuộc rất nhiều vào chất lượng đội ngũ ứng viên được quy hoạch.

Những yêu cầu về phẩm chất với cán bộ cấp chiến lược được thể hiện trong nhiều văn bản của Đảng, đáng chú nhất là Nghị quyết 26-NQ/TW/2018 về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược; Quy định 214-NQ/TW/2020 về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện BCH trung ương, Bộ chính trị và Ban bí thư quản lý; Nghị quyết 28-NQ/TW/2022 về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Các Nghị quyết, Quy định nêu trên của Đảng đều nhấn mạnh những quan điểm mới và hiện đại về công tác cán bộ.

Trong số đó đáng chú ý nhất là cán bộ cấp chiến lược được kỳ vọng là những người có bản lĩnh, ý thức, thái độ cống hiến, kết tụ ở tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với khó khăn, thách thức, và dám chịu trách nhiệm”; khuyến khích thu hút người tài vào làm việc trong hệ thống chính trị, nhấn mạnh yêu cầu “ngang tầm nhiệm vụ” của lãnh đạo chiến lược, hay coi trọng chất lượng, hiệu quả công việc thông qua đánh giá những kết quả cụ thể.

Tuy nhiên, các Nghị quyết, Quy định của Đảng cho đến nay mới chỉ đề ra những yêu cầu khái quát về tố chất lãnh đạo. Chẳng hạn, Quy định 214-QĐ/TW/2020 nêu ra một số yêu cầu, như: “Có tư duy đổi mới…có tầm nhìn chiến lược…có tố chất, năng lực lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược”.

Để thực hiện thành công các chủ trương lãnh đạo của Đảng, lãnh đạo chiến lược cũng cần phải là những người có sự hiểu biết toàn diện về bối cảnh đất nước, lĩnh vực hoặc địa phương mà mình phụ trách.

Thẩm định tầm vóc lãnh đạo

Một trong những điểm nhấn được khẳng định trong Nghị quyết số 26-NQ/TW/2018 và Nghị quyết số 28-NQ/TW/2022 là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược cần phải “ngang tầm nhiệm vụ”.

Trách nhiệm công vụ và những người phải đứng sang một bênTổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo tinh thần "ai không làm thì đứng sang một bên".

Có thể hiểu ủy viên trung ương “xứng tầm” tức là những người mà quá trình làm việc cho thấy họ bộc lộ những tố chất cá nhân, tầm tư duy và khả năng hành động thực tế đáp ứng được sự kỳ vọng của Đảng và Nhân dân trong vị thế và vai trò của những nhà lãnh đạo chiến lược ở cấp quốc gia.

Trên thực tế, thẩm định và đánh giá một cách duy lý và khoa học về tố chất và tầm vóc lãnh đạo cấp chiến lược luôn là một thách thức lớn. Bởi lẽ, việc đánh giá không chỉ phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể, thông tin về cá nhân và quá trình công tác, ý chí và quan điểm của những người nắm giữ thẩm quyền đánh giá, mà cả quy trình thể chế cùng những chiều cạnh vai trò lãnh đạo, hệ tiêu chí vốn không dễ lượng hóa.

Một hướng tiếp cận để có thể dự báo về tầm vóc và năng lực lãnh đạo trong tương lai là xem xét sự thể hiện của cá nhân trong các vai trò lãnh đạo đã từng đảm nhiệm trong quá khứ.

Vì thế, để gia tăng độ chính xác trong việc thẩm định phẩm chất lãnh đạo của mỗi cá nhân, ứng viên quy hoạch cán bộ cấp chiến lược cần chứng minh được rằng họ đã góp phần then chốt trong việc tạo ra những thay đổi tích cực cho đơn vị, ngành, lĩnh vực, hay địa phương.

Để hướng đến đội ngũ cán bộ lãnh đạo “ngang tầm nhiệm vụ”, Nghị quyết số 28-NQ/TW/2022 tiếp tục chủ trương việc giới thiệu cán bộ các cấp phải bảo đảm “dân chủ, công khai, minh bạch”; coi trọng “uy tín trong tập thể, trong Nhân dân”.

Tuy nhiên, nếu xét đến những đặc điểm của thể chế quy hoạch cán bộ thì việc đánh giá uy tín của cá nhân ứng viên trong xã hội sẽ luôn là một thách thức lớn. Một giải pháp khả dĩ là sớm công khai danh sách ứng viên quy hoạch để nhân dân có thể theo dõi, giám sát, và phản ánh nếu có dấu hiệu cần xác minh.

Công tác thẩm định tố chất và tầm vóc của ứng viên cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược sẽ hoàn thiện hơn nữa nếu cá nhân được yêu cầu trình bày nhận thức về bối cảnh và những thách thức lãnh đạo của địa phương, ngành, quốc gia ở thời điểm hiện tại, cũng như quan điểm và cách thức, giải pháp để vượt qua những thách thức lãnh đạo đó.

Từ góc nhìn chiến lược phát triển cán bộ, việc bổ sung quy trình và hệ tiêu chí chi tiết hơn để đánh giá về tố chất và tầm vóc lãnh đạo không chỉ sẽ giúp mỗi ứng viên ý thức rõ hơn về vai trò và vị thế của một cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược, mà còn định hình rõ hơn hình ảnh của một chính trị gia ở tầm quốc gia trong tương lai khi chính thức trở thành ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam.

TS Nguyễn Văn Đáng

Nguyễn Văn Đáng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/to-chat-nang-luc-va-tam-voc-cua-can-bo-cap-chien-luoc-2178901.html