Tổ chiến sĩ tiết kiệm ở Lữ đoàn Công binh 513

Được thực hiện từ đầu năm 2018, mô hình 'Tổ chiến sĩ tiết kiệm vì gia đình' ở Lữ đoàn Công binh 513 (Quân khu 3) đang thu hút đông đảo chiến sĩ tham gia và mang lại hiệu quả thiết thực.

Chia sẻ với chúng tôi về ý tưởng triển khai mô hình, Trung tá Trần Văn Duy, Phó chủ nhiệm Chính trị lữ đoàn cho biết: “Đầu năm 2018, lữ đoàn có một số đơn vị làm nhiệm vụ trên tuyến đảo Đông Bắc. Do ở ngoài đảo xa, lại được bảo đảm đầy đủ các chế độ, tiêu chuẩn và nhu cầu thiết yếu nên nhiều chiến sĩ không chi tiêu đến tiền phụ cấp. Một số đồng chí đã bàn bạc, thống nhất mỗi tháng đóng góp một khoản tiền nhất định, sau đó thay nhau nhận để gửi về phụ giúp gia đình. Thấy hoạt động này thiết thực nên chỉ huy lữ đoàn đã chỉ đạo cơ quan chính trị xây dựng mô hình “Tổ chiến sĩ tiết kiệm vì gia đình” để khuyến khích, động viên tất cả chiến sĩ cùng tham gia”.

 Hoạt động của “Tổ chiến sĩ tiết kiệm vì gia đình” đã góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các chiến sĩ.

Hoạt động của “Tổ chiến sĩ tiết kiệm vì gia đình” đã góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết giữa các chiến sĩ.

Trò chuyện với các chiến sĩ Tiểu đoàn 4, chúng tôi cảm nhận rõ hơn ý nghĩa, hiệu quả mà mô hình mang lại. Nhiều đồng chí có hoàn cảnh khó khăn nhờ tham gia hoạt động này nên mỗi tháng đã dành được một khoản tiền để gửi về phụ giúp gia đình. Như trường hợp của Binh nhất Đào Văn Nghĩa (Trung đội 1, Đại đội 10) có bố đang bị bệnh nặng, thường xuyên phải nằm viện, chi phí điều trị rất tốn kém. Đầu năm vừa rồi, Nghĩa và 4 đồng đội cùng quê đã thống nhất sau khi nhận phụ cấp, mỗi người trích ra 600.000 đồng để đóng góp vào tổ tiết kiệm. Tháng trước, Nghĩa đã gửi 3 triệu đồng về nhà để thêm tiền mua thuốc chữa bệnh cho bố.

Tìm hiểu, chúng tôi được biết, không chỉ những đồng chí có hoàn cảnh khó khăn tham gia mô hình mà nhiều đồng chí kinh tế gia đình khá giả cũng hưởng ứng rất tích cực. Mỗi người một mục đích khác nhau, có đồng chí tiết kiệm để khi xuất ngũ sẽ đi học nghề, một số khác lại dành dụm để góp thêm tiền sau này về nhà mua xe máy đi làm. Tuy số tiền tiết kiệm không nhiều nhưng việc làm của những chiến sĩ công binh đã thể hiện được tình cảm, trách nhiệm của người con đối với gia đình, khẳng định sự trưởng thành của bản thân khi được rèn luyện trong môi trường quân ngũ. Đại úy Phan Đình Hậu, Chính trị viên Tiểu đoàn 4 chia sẻ: “Việc tham gia vào các tổ chiến sĩ tiết kiệm được thực hiện trên tinh thần tự nguyện nên chúng tôi thường xuyên giáo dục cho chiến sĩ nhận thức đúng về mục đích, ý nghĩa của mô hình. Hiện nay, Tiểu đoàn 4 có khoảng 50% quân số đăng ký tham gia vào hoạt động này. Mô hình cũng nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của người thân các chiến sĩ”.

Theo Đại tá Hoàng Văn Thanh, Chính ủy lữ đoàn, mặc dù mô hình đang mang lại hiệu quả thiết thực và được nhân rộng, tuy nhiên nếu không quản lý chặt chẽ thì việc triển khai thực hiện có thể sẽ gây ra tình trạng mất đoàn kết, vi phạm kỷ luật. Do đó, chỉ huy lữ đoàn chỉ đạo cán bộ các cấp phải nắm chắc lực lượng tham gia, có danh sách theo dõi việc thu-nhận tiền, đồng thời hằng tháng giúp chiến sĩ gửi tiền về gia đình.

Đặc thù Lữ đoàn Công binh 513 thường xuyên có đơn vị làm nhiệm vụ phân tán ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nên việc triển khai thực hiện các tổ chiến sĩ tiết kiệm được Đảng ủy, chỉ huy đơn vị xác định là một trong những biện pháp để công tác quản lý, duy trì kỷ luật được thuận lợi hơn. Thông qua hoạt động của mô hình cũng giúp các chiến sĩ thêm đồng cảm, chia sẻ với nhau, xây dựng tình đoàn kết, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ.

Bài và ảnh: NGUYỄN TRƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/hau-phuong-chien-si/que-huong/to-chien-si-tiet-kiem-o-lu-doan-cong-binh-513-633443