Tổ chức bếp ăn bán trú: Thực hiện nghiêm các quy định để đảm bảo ATTP cho HS
Các trường trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh luôn thực hiện nghiêm các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Năm học 2023 – 2024, tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh có 3.550 học sinh, trong đó số học sinh đăng ký bán trú, ăn trưa tại trường lên đến hơn 3.200 em, chiếm tỷ lệ hơn 90% tổng sĩ số học sinh của trường.
Trưa ngày 24/11, dẫn phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đi tham quan khu vực nấu suất ăn bán trú cho học sinh, thầy Đàm Triệu Thọ - Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Nhằm đảm bảo tốt vấn đề an toàn thực phẩm cho học sinh, bếp ăn của nhà trường luôn được xây dựng và vận hành theo quy trình một chiều”.
Nhà bếp được bố trí, tổ chức theo quy trình khoa học, bao gồm từng khu khác nhau như tiếp nhận, chế biến thực phẩm tươi sống, hệ thống nấu, chia thức ăn, khu vực rửa và sấy dụng cụ, tủ lưu mẫu thức ăn.
Thức ăn sau khi được nấu xong sẽ được chia vào từng khay ăn, bao gồm cả món mặn, xào, canh, cơm và tráng miệng, rồi chuyển ra khu vực ăn bán trú cho học sinh.
Theo thầy Đàm Triệu Thọ, do số lượng học sinh có nhu cầu bán trú rất lớn, nên lúc nào, nhà trường cũng phải nỗ lực thực hiện cho tốt công tác bán trú cho học sinh.
Chất lượng suất ăn trưa của học sinh luôn được lãnh đạo nhà trường rất quan tâm, đặt lên hàng đầu.
Mỗi buổi ăn bán trú của học sinh nhà trường thu 33.000 đồng/em/ngày (bao gồm cả bữa ăn xế chiều), thấp hơn mức giá mà Thành phố Hồ Chí Minh cho phép thu.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu, Quận Gò Vấp chia sẻ, riêng bữa xế của học sinh đã từ 7.000 đến 8.000 đồng, có thể là bánh, kem hay bánh mì.
Toàn bộ đội ngũ lo cho suất ăn của học sinh tại trường đều do trường hợp đồng, nên sẽ dễ dàng kiểm soát về mặt chất lượng.
Hàng ngày, cứ 5h sáng, nhân viên y tế và ngũ nấu ăn phải có mặt tại trường, nhập nguyên liệu đầu vào, kiểm tra các giấy tờ và hồ sơ cần thiết, thực hiện các quy trình sơ chế, chế biến.
Tới gần trưa, khi việc nấu nước xong, nhân viên y tế và lãnh đạo trường sẽ đi kiểm tra thử xem thức ăn của học sinh có vấn đề gì bất thường không, rồi sau đó mới thực hiện chia thức ăn cho học sinh ra khay.
Khi hết giờ học cuối buổi sáng, học sinh tuần tự được giáo viên dẫn xuống khu vực ăn bán trú của lớp mình đã được sắp xếp sẵn từ trước để bắt đầu ăn trưa.
Trong khi học sinh đang ăn trưa, bảo mẫu và giáo viên của từng lớp sẽ quan sát, theo dõi từng học sinh ăn, ghi nhận các trường hợp học sinh có dấu hiệu bất thường để kịp thời có phương án xử lý.
Thực đơn luôn được nhà trường tham khảo ý kiến phụ huynh, và thậm chí là ý kiến của các em học sinh thông qua giáo viên chủ nhiệm, có tham khảo bộ thực đơn tiêu chuẩn đầy đủ dinh dưỡng của ngành y tế công bố.
Dù là trường có số học sinh bán trú đông nhất Quận Gò Vấp, nhưng đã từ nhiều năm nay, trường vẫn chưa ghi nhận một sự cố bất thường nào trong suất ăn của học sinh.
Học sinh thích thú với các suất ăn trưa tại trường. Em nào cũng khen ngon và ăn hết một suất. Thậm chí, nhiều em sức ăn khỏe còn ăn thêm. Phụ huynh hoàn toàn yên tâm khi gửi con bán trú tại trường.
Tại Trường trung học phổ thông Trưng Vương, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, cô Lương Bích Nga – Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, năm học này, trường có khoảng hơn 1.700 em học sinh có nhu cầu ăn trưa bán trú tại trường.
Nhà trường giao hẳn cho một công ty chuyên làm suất ăn công nghiệp, thực hiện việc nấu và chế biến ngay tại trường, nên luôn đảm bảo các suất ăn đến tay học sinh vào buổi trưa luôn ở tình trạng nóng hổi, đảm bảo chất lượng cao nhất, đặc biệt là về mặt dinh dưỡng.
Những khâu nhập và chế biến nguyên vật liệu, phân chia suất ăn cho học sinh hàng ngày luôn được lãnh đạo nhà trường chú trọng.
Nhân viên y tế trường luôn kiểm tra kỹ càng các giấy tờ, nguồn gốc thực phẩm, giám sát kỹ càng việc lưu mẫu thức ăn trong vòng 24h tại trường. Giáo viên làm công tác bán trú sẽ thực hiện việc kiểm tra xác suất suất ăn trưa hàng ngày của học sinh, nhất là về chất lượng để đảm bảo tốt dinh dưỡng cho học sinh
Mỗi suất ăn trưa của học sinh luôn đảm bảo có đủ món mặn, xào, canh, tráng miệng.Tại các bàn ăn của học sinh sẽ có một tô canh và cơm thêm, để đảm bảo rằng học sinh của trường được ăn no vào buổi trưa.
Theo cô Lương Bích Nga, những người nấu bếp tại trường luôn đảm bảo được khám sức khỏe định kỳ, có đầy đủ các giấy chứng nhận tập huấn về an toàn thực phẩm.
Nhà trường luôn hoan nghênh việc phụ huynh học sinh cùng tham gia vào việc giám sát chất lượng suất ăn của học sinh.
“Bất kể ngày nào, vào khung giờ trước hoặc trong khi học sinh đang ăn trưa, phụ huynh nào muốn đến trường kiểm tra, giám sát chất lượng bữa ăn thì có thể gọi điện trực tiếp cho ban giám hiệu nhà trường” – cô Lương Bích Nga nhấn mạnh.