Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị: Tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Quảng Ngãi đã và đang triển khai xây dựng bộ máy trong hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả với quyết tâm chính trị cao.
Đồng thuận, quyết tâm cao
Sau 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 19 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ở Quảng Ngãi, từ cấp tỉnh đến cơ sở đã có sự thay đổi lớn, chuyển biến tích cực trong tổ chức bộ máy với quyết tâm thực hiện mục tiêu tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Cán bộ Văn phòng TP.Quảng Ngãi trao đổi công việc. ẢNH: TL
Khi thực hiện các mô hình mới, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã không ngừng học hỏi, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn, nâng cao năng lực quản lý, điều hành để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Trưởng Cơ quan Tổ chức - Nội vụ TP.Quảng Ngãi Võ Thành Vĩnh cho hay: Sau khi hợp nhất Ban Tổ chức Thành ủy với Phòng Nội vụ thành Cơ quan Tổ chức - Nội vụ, khối lượng công việc đối với người đứng đầu tăng lên, nhưng hoạt động vẫn thuận lợi do chức năng, nhiệm vụ của hai cơ quan có sự tương đồng. Tuy nhiên, trung ương và tỉnh cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn, quy định liên quan đến hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan, đơn vị sau khi sáp nhập.
Thành phố Quảng Ngãi cũng đã thực hiện Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy kiêm Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị trước khi Nghị quyết 18 được ban hành nên có nhiều thuận lợi khi thực hiện mô hình nhất thể hai chức danh. Trong khi đó, việc nhất thể chức danh Trưởng ban Dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng được nhiều địa phương đánh giá là phù hợp, hiệu quả. Ngoài ra, huyện Bình Sơn đề xuất tiếp tục thực hiện mô hình Phó Chủ tịch HĐND xã kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam, Trưởng ban Thanh tra nhân dân. Đến nay, toàn huyện có 7 xã thực hiện mô hình này, giảm được 6 cán bộ không chuyên trách cấp xã; tinh thần trách nhiệm, tính năng động của cán bộ được phát huy.
Việc thực hiện hợp nhất văn phòng cấp ủy với văn phòng HĐND và UBND cấp huyện cũng tạo thuận lợi trong công tác chỉ đạo, điều hành, kết nối giữa hai cơ quan văn phòng; công tác tham mưu, tổng hợp, giúp việc cho thường trực cấp ủy, lãnh đạo HĐND, UBND cấp huyện được thông suốt, nắm bắt kịp thời chủ trương lãnh đạo của cấp ủy và hoạt động chỉ đạo, điều hành thực hiện của chính quyền, không phải qua khâu trung gian báo cáo, chủ động kiểm soát được chương trình, kế hoạch để không bị trùng lắp, chồng chéo...
Sau hơn 2 năm thực hiện, toàn tỉnh đã giảm 58 phòng, ban tương đương, giảm 194 lãnh đạo cấp phòng, ban tương đương cấp tỉnh, cấp huyện. Tỉnh đã thực hiện đề án thống nhất Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung để thực hiện công tác phục vụ chung các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; hợp nhất Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh và Đảng bộ Khối Cơ quan tỉnh thành Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh. Thực hiện hợp nhất 13/13 văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện; 8/13 ban tổ chức cấp huyện với phòng nội vụ cấp huyện; 7/13 ủy ban kiểm tra với thanh tra cấp huyện; thí điểm sáp nhập 3/13 trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện vào ban tuyên giáo huyện ủy; thành lập cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội ở 2/13 huyện...
Nhiệm vụ cấp bách, lâu dài
Nhìn chung, việc thực hiện thí điểm đề án hợp nhất các cơ quan khối Nhà nước với khối Đảng cấp huyện có chức năng tương đồng đã bước đầu tạo được sự thống nhất, đồng bộ, xuyên suốt trong công tác tham mưu giữa chính quyền với cấp ủy.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt thuận lợi thì vẫn còn những tồn tại, vướng mắc cần sớm tháo gỡ đối với một số cơ quan, đơn vị sau sáp nhập. Theo Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Lữ Ngọc Bình, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị là cần thiết phải làm vì sự phát triển, có vậy mới khắc phục được tình trạng bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, chất lượng hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Tất nhiên sẽ không tránh khỏi những bất cập, lúng túng khi bước đầu thực hiện đổi mới, có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Phải xóa bỏ tư tưởng ngại đổi mới trong đội ngũ cán bộ, công chức, thay vào đó là nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, không ngừng học hỏi, năng động, đổi mới, sáng tạo để đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Trong thời gian tới, để tiếp tục thực hiện nghị quyết của trung ương về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xem đây là việc làm vừa cấp bách, vừa lâu dài, xuyên suốt trong nhiều năm đến. Cấp ủy các cấp phải có quyết tâm cao, tạo sự thống nhất, đoàn kết, đồng thuận trong thực hiện. Lấy hiệu quả công việc, sản phẩm đầu ra làm thước đo chủ yếu để đánh giá việc thành công trong thực hiện chủ trương của Đảng.