Tổ chức cầu Truyền hình Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết
Chương trình tổ chức vào tối 1/9 tại 3 điểm cầu, gồm: Khu lưu niệm Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 - Vùng 2 Hải Quân (TP Hồ Chí Minh); Khu Lưu niệm đồng bào, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP Sầm Sơn (tỉnh Thanh Hóa) và Khu Di tích lịch sử Quốc gia địa điểm Tập kết ra Bắc năm 1954 tại TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp).
Sáng 28/8, ông Lê Quang Biểu, Phó giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp thông tin về kế hoạch phối hợp tổ chức Chương trình Cầu Truyền hình Kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève và Chuyến tàu tập kết (1954 - 2024) tại điểm cầu tỉnh Đồng Tháp.
Tại Đồng Tháp, chương trình có khoảng 500 đại biểu tham dự là cán bộ lão thành cách mạng; Mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang; Anh hùng Lao động; Cựu chiến binh; con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc năm 1954…
Chương trình nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam năm xưa đã không ngại hy sinh, gian khổ ra Bắc học tập, công tác, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, chuẩn bị lực lượng mọi mặt tiến tới giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Qua đó, góp phần giới thiệu, quảng bá về du lịch và nâng cao hình ảnh, con người Đồng Tháp “Nghĩa tình, năng động, sáng tạo” đến gần hơn với các địa phương và du khách trong cả nước.
Cao Lãnh là điểm tập kết chuyển quân của khu vực Đồng Tháp Mười. Bến bắc Cao Lãnh là nơi đưa tiễn cán bộ, chiến sĩ, học sinh các tỉnh: Mỹ - Tân - Gò, Long Châu Sa, Gia - Định - Ninh, Phân Liên khu miền Đông và quân tình nguyện rời quê hương xuống tàu tập kết ra Bắc. Cuộc tập kết chuyển quân ra Bắc tại Cao Lãnh diễn ra trong 3 đợt (từ tháng 8 - 10/1954) với tổng số 13.508 người (trong đó tỉnh Long Châu Sa, nay là Đồng Tháp là 2.655 người).