'Tổ chức cơ sở Đảng nào bị kỷ luật thì thay cán bộ cấp ủy đi'

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đề nghị ở đâu tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật thì phải thay cấp ủy, nếu để vậy thì không giữ được lòng tin của dân.

Sáng 22-7, Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII đã tiếp tục với chuyên đề cuối cùng.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đã truyền đạt nội dung Nghị quyết 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới.

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII tiếp tục với chuyên đề cuối cùng. Ảnh: HOÀNG HẢI

Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 5 khóa XIII tiếp tục với chuyên đề cuối cùng. Ảnh: HOÀNG HẢI

Có nơi người đứng đầu áp đặt chủ quan, có nơi sợ trách nhiệm

Theo bà Mai, một số mặt làm được của tổ chức cơ sở Đảng đã giúp xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao lòng tin của nhân dân.

Bà cũng nhìn nhận tổ chức cơ sở Đảng còn có nhiều hạn chế. Trong đó, chất lượng, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của một số tổ chức cơ sở đảng còn hạn chế, chậm đổi mới phương thức lãnh đạo, thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ…

Bà Mai cho biết nguyên tắc tập trung dân chủ là nguyên tắc “cốt tử” nhưng “chỗ này, chỗ kia chưa thực hiện nghiêm”. Vừa rồi, Bộ Chính trị đã xem xét sửa đổi Quy định 105, tiếp tục nhận thức nguyên tắc tập trung dân chủ trong nhiều quy chế, quy trình, quy định của Đảng. Bà dẫn chứng trong quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chỗ nào tập trung, chỗ nào dân chủ, phần nào các tổ chức Đảng phải báo cáo Bộ Chính trị, phần nào báo cáo Ban Bí thư, cái gì thuộc thẩm quyền của tổ chức Đảng.

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt nội dung Nghị quyết 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng... Ảnh: HOÀNG HẢI

Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai truyền đạt nội dung Nghị quyết 21 về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng... Ảnh: HOÀNG HẢI

Chưa kể, trong bổ nhiệm cán bộ, bước nào là dân chủ, bước nào là tập trung cũng được làm rõ. “Chỗ nào để dân chủ, cho người ta có ý kiến, để chúng ta có được lá phiếu đúng đắn nhất về uy tín cán bộ nhưng chỗ nào cần tập trung…” – bà Mai nói thêm.

Bà tiếp lời: “Vừa rồi chúng ta kỷ luật một số tổ chức Đảng, cơ bản là vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, dùng ý chí của người đứng đầu áp đặt chủ quan, không tôn trọng dân chủ. Ngược lại có những nơi người đứng đầu sợ trách nhiệm mà hai việc này đều không tốt cho Đảng”. Bà nhấn mạnh nguyên tắc tập trung dân chủ cần cụ thể hóa nhiều hơn.

Bà Trương Thị Mai cũng cho rằng chất lượng sinh hoạt, tinh thần tự phê bình và phê bình, công tác đánh giá, xếp loại còn hạn chế; chưa thể hiện rõ vai trò lãnh đạo của Đảng trong giải quyết những khó khăn, bức xúc của nhân dân ở cơ sở.

Bà Mai cho biết Đảng đã tăng cường Quy định 11 để tiếp dân, đối thoại với dân từ cấp tỉnh đến cơ sở nhưng “chỗ này, chỗ khác còn khó khăn với nhân dân; khiếu kiện của dân chưa nhận được thái độ trách nhiệm, thậm chí còn thờ ơ”.

Mỗi tổ chức Đảng bị kỷ luật thì lòng tin của dân giảm sút

Trưởng ban Tổ chức Trung ương cũng thông tin về tình hình thi hành kỷ luật Đảng đối với tổ chức cơ sở Đảng. Cụ thể, trong nhiệm kỳ 2016-2020 có 664 tổ chức cơ sở Đảng bị thi hành kỷ luật (khiển trách 503, cảnh cáo 161), tăng 144 tổ chức so với nhiệm kỳ trước.

Bà cho biết trung bình mỗi năm thi hành kỷ luật khoảng hơn 100 tổ chức, chiếm 0,2%. Tuy nói 0,2% là thấp trong hơn 50.000 tổ chức cơ sở Đảng nhưng không thể xem thường.

“Mỗi một nơi tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật thì ở đó lòng tin của người dân bị giảm sút. Sau này đề nghị, ở đâu tổ chức cơ sở Đảng bị kỷ luật thì phải thay cấp ủy đi, nếu để như thế thì không giữ được lòng tin của dân. Vì bộ phận này nằm sát dân, không thể để cho một cán bộ bị kỷ luật cứ ngồi đó mãi” – bà Mai nhấn mạnh.

Đáng chú ý, trong năm 2021 là năm có dịch COVID-19 nhưng Đảng kỷ luật 223 tổ chức cơ sở Đảng.“Sao trong dịch bệnh mà kỷ luật nhiều hơn so với bình thường?” - bà Mai đặt vấn đề.

Theo bà Trương Thị Mai, đến năm 2030, Đảng phấn đấu hằng năm có trên 90% tổ chức cơ sở đảng, đảng viên được đánh giá, xếp loại từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Bà Mai đặt câu hỏi: “Tại sao mình không đặt mục tiêu là 100%?”. Theo bà, có lẽ nếu đưa con số này thì e rằng sẽ có tình trạng chạy theo thành tích. Bà mong con số 90% này phải là con số thực chất.

Đi sâu vào hạn chế của đội ngũ đảng viên, bà Trương Thị Mai cho rằng nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng.

“Người vào Đảng động cơ phải đúng đắn, nếu một người vào Đảng với động cơ không trong sáng thì có lẽ cả một đời họ đi theo Đảng họ sẽ như thế… Bước vào Đảng động cơ trong sáng, đúng đắn thì mình mới hy vọng cả cuộc đời của họ cũng sẽ trong sáng” – bà Mai nói và nhìn nhận Đảng mong muốn một người bước chân vào Đảng, đi với Đảng suốt đời; một người được Đảng đề bạt làm cán bộ thì phải tiếp tục phát triển, không thể giữa chừng gãy cánh được.

Tuy nhiên bà cũng nhìn nhận điều đáng tiếc, đáng buồn là đã có “một bộ phận giữa chừng gãy cánh, thậm chí là gãy cánh nặng”. Bà dẫn chứng từ năm 2016-2020, toàn Đảng có 25.104 đảng viên suy thoái, có biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa”, bị xử lý kỷ luật (chiếm 0.5%).

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: HOÀNG HẢI

Các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành trung ương tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: HOÀNG HẢI

Từ đó, bà đề nghị cần quan tâm, bồi dưỡng các em học sinh giỏi lớp 12, nếu em nào tốt thì khẩn trương rèn luyện để đưa vào tổ chức Đảng; đừng để tới năm đại học thứ tư mới kết nạp thì số học sinh này sẽ buông lơi, không còn tinh thần phấn đấu.

Tuy nhiên, bà cho rằng Đảng mong muốn phát triển được nhiều đảng viên nhưng không vì vậy mà không đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách.

“Mình không nhân nhượng, vì để những người không đủ tư cách trong Đảng sẽ làm yếu Đảng. Vì vậy một mặt coi trọng chất lượng, một mặt thường xuyên sàng lọc, rà soát đưa người không đủ năng lực ra khỏi Đảng” – bà nói thêm.

Đến 31-12-2020, toàn Đảng có 51.988 tổ chức cơ sở Đảng. Trong đó có 24.719 đảng bộ cơ sở, 27.269 chi bộ cơ sở, 2.468 đảng bộ bộ phận và có 243.051 chi bộ trực thuộc.

Toàn Đảng có hơn 5,2 triệu đảng viên, so với năm 2010 tăng 1,4 triệu đảng viên (tăng 38,1%), trung bình mỗi năm tăng hơn 143.000 đảng viên.

Đây chính là cơ sở mà Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định tỉ lệ tăng đảng viên trong thời gian tới. Tỉ lệ đảng viên trên dân số cả nước là 5,4%, cao nhất ở vùng Tây Bắc Bộ, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ.

LÊ THOA

Nguồn PLO: https://plo.vn/to-chuc-co-so-dang-nao-bi-ky-luat-thi-thay-can-bo-cap-uy-di-post690336.html