Tổ chức dâng hương tưởng niệm 601 năm ngày mất Hoàng đế Hồ Quý Ly
Ngày 5/3, tại Đàn tế Nam Giao vương triều Hồ (thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa), Trung tâm bảo tồn Di sản thành nhà Hồ đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm 601 năm ngày mất Hoàng đế Hồ Quý Ly (14/2 âm lịch năm 1422 14/2 âm lịch năm 2023) và kỷ niệm 621 năm vương triều Hồ lập Đàn tế Nam Giao (14022023).
Hồ Quý Ly (SN1336) quê ở Đại Lại, Vĩnh Lộc (nay là xã Hà Đông, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa), là người có tài năng và ý chí. Ông đã biết tận dụng cơ hội để lên ngôi Hoàng Đế vào năm 1400, đổi tên nước Đại Việt thành Đại Ngu (Nghĩa là tốt tươi hưng thịnh) lấy niên hiệu là Thánh Nguyên
.
Ông là người nổi tiếng với việc tiến hành một loạt các chính sách cải cách táo bạo, toàn diện đất nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, hành chính, quốc phòng, tài chính, tư tưởng, văn hóa, giáo dục. Trong đó cải cách về lĩnh vực văn hóa, giáo dục là tiến bộ nhất và vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới giáo dục ở nước ta.
Một trong những dấu ấn mà Hồ Quý Ly cùng vương triều Hồ đã để lại cho hậu thế là tòa thành đá nhà Hồ được xây dựng ở xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long (Vĩnh Lộc). Đây là tòa thành kiên cố với kiến trúc độc đáo bằng đá có quy mô lớn nhất ở Việt Nam. Thành nhà Hồ đã được công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
Đàn tế Nam Giao được Thượng Hoàng Hồ Quý Ly và Hoàng đế Hồ Hán Thương cho xây dựng vào tháng 8 năm 1402 tại chân núi Đốn Sơn. Tế “Nam Giao” có nghĩa là lễ tế trời đất ở vùng phía Nam kinh thành. Đây là công trình tôn giáo quan trọng bậc nhất của triều Hồ - nơi hằng năm hoàng đế làm lễ tế cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Lễ tế Nam Giao cũng khẳng định tính chính thống và uy quyền của hoàng đế theo mệnh trời cai trị thiên hạ.
Tại lễ dâng hương, một chương trình nghệ thuật sân khấu hóa được dàn dựng công phu đã tái hiện thân thế, sự nghiệp và những đóng góp của Hồ Quý Ly đối với quê hương, đất nước.