Tổ chức đấu giá tài sản công rồi 'xù' luôn tiền đặt trước
Mặc dù cuộc đấu giá giành quyền khai thác gỗ rừng trồng sản xuất ở huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế đã kết thúc cách đây gần 2 tháng, nhưng nhiều khách hàng tham gia đấu giá đến nay vẫn chưa nhận lại được tiền đặt trước. Trong khi đó, theo luật đấu giá thì việc này phải được đơn vị tổ chức đấu giá hoàn tất sau ba ngày kể từ ngày kết thúc.
Ngày 20/7, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế đại diện cho chủ tài sản là UBND huyện Phong Điền ký hợp đồng với Công ty đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu (sau đây gọi tắt là Công ty) để tổ chức đấu giá hai gói tài sản là gỗ rừng trồng sản xuất tại xã Phong Xuân. Đến ngày 12/8, Công ty mở phiên đấu giá tại khách sạn Duy Tân (Huế). Tuy đây không phải là điểm nằm trong kế hoạch và thiếu một số thiết bị theo quy định nhưng thu về kết quả khá tốt.
Theo báo cáo của Công ty, hai gói tài sản này đã thu hút 95 khách hàng nộp hồ sơ dự đấu thầu, với tổng số tiền đặt trước tương đương 20% giá trị tài sản, lên đến gần 72 tỷ đồng.
“Xù” tiền của khách và chủ tài sản
Đáng nói, theo Luật Đấu giá thì sau ba ngày kể từ kết thúc phiên đấu giá, đơn vị tổ chức đấu giá phải hoàn trả tiền đặt trước cho khách hàng tham gia đấu giá, Vậy nhưng đến thời điểm này, tức đã hơn 1 tháng từ ngày kết thúc phiên đấu, nhiều khách hàng vẫn chưa được đơn vị tổ chức đấu giá chuyển trả tiền đặt trước, trong khi đó số tiền đặt trước cho mỗi hồ sơ dự đấu giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Ông Đinh Kháng Chiến, ở thôn Phú Hữu, xã Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, Bình Định bức xúc: “Theo thông báo, tôi nộp tiền đặt trước đấu cả hai gói. Gói thứ nhất nộp 677 triệu đồng, gói thứ hai 835 triệu đồng, tổng đặt trước của hai gói là hơn 1,5 tỷ đồng. Tôi không trúng đấu giá, lẽ ra Công ty Toàn Cầu phải chuyển trả tiền đặt trước, nhưng đằng này họ im luôn. Gọi điện lần nào cũng hẹn, rồi không trả”.
Gọi điện thoại, sau đó là tìm đến Công ty nhưng vẫn không gặp được lãnh đạo, ông Chiến cùng nhiều người khác đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng, trong đó có đại diện chủ tài sản là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền để cầu cứu.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền xác nhận, Công ty Toàn Cầu đến nay vẫn chưa chuyển trả tiền đặt trước cho một số người. Ngay tiền đặt trước của người trúng đấu giá của hai gói tài sản, Công ty Toàn Cầu vẫn chưa chuyển cho chủ tài sản để làm thủ tục bàn giao tài sản cho người trúng đấu giá”.
Sau nhiều lần từ mời lãnh đạo Công ty Toàn cầu đến xử lý nhưng lãnh đạo công ty này tìm cớ thoái thác, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền đã ký công văn chuyển hồ sơ cho Cơ quan Điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để xử lý theo thẩm quyền.
Sở Tư pháp kiến nghị Công an Thành phố Hồ Chí Minh vào cuộc
Trở lại với Công ty đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu. Ngay sau khi phiên đấu giá hai gói tài sản của UBND huyện Phong Điền kết thúc, ngày 16/8/2022, Nhân Dân điện tử đã có bài cảnh báo “Cần tăng cường giám sát hoạt động đấu giá tài sản ở Thừa Thiên Huế”.
Bài báo đã phản ánh, phân tích những dấu hiệu bất thường chung quanh việc Công ty này tổ chức thông báo nhưng thiếu công khai, minh bạch trên Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản (sau đây gọi tắt là Cổng) của Bộ Tư pháp. Không chỉ thế, thời gian đầu Công ty còn lãng tránh, không tiếp và bán hồ sơ cho một số người có nhu cầu mua hồ sơ để tham gia đấu giá.
Sau khi Báo Nhân Dân đăng tải, đại diện Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã làm việc với hai chủ tài sản là Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ và Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền. Qua kiểm tra hồ sơ dự thầu, Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế đã kịp thời ngăn chặn cuộc đấu giá của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sông Bồ do Công ty Toàn Cầu sắp tổ chức vì phát hiện công ty này khai gian hồ sơ để thắng thầu. Đồng thời sở này cũng đã có văn bản gửi Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh - nơi công ty đấu giá hợp danh trực tuyến toàn cầu đặt trụ sở để báo cáo sự việc.
Nguồn tin của phóng viên Báo Nhân Dân cho biết, sau khi tiếp nhận công văn của Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế, ngày 28/9/2022, Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã có công văn số 4537/STP-TTr gửi Công an Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị, đề nghị xem xét hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực đấu giá tài sản của Công ty đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu.
Theo Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh, công ty này không chỉ “xù” tiền đặt trước của các khách hàng tham gia đấu giá hai gói tài sản rừng trồng của UBND huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế, mà còn “xù” tiền đặt trước của các khách hàng tham gia đấu giá tài sản gỗ, củi rừng trồng của các công ty TNHH MTV LCN Bắc Quảng Bình, TNHH MTV LCN Long Đại… Sở Tư pháp Thành phố Hồ Chí Minh đã nhiều lần có văn bản mời ông Hoàng Minh Toàn, Giám đốc Công ty đấu giá hợp danh trực tuyến Toàn Cầu làm việc nhưng ông này không chấp hành. Đoàn công tác của Sở đến Văn phòng công ty thì Công ty đóng cửa không hoạt động.