Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể và vai trò an ninh nội khối
Việc Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) điều lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan đã giúp quốc gia Trung Á này ổn định trở lại sau những ngày đầu năm mới chìm trong các cuộc biểu tình, bạo loạn.
Kazakhstan luôn được coi là một trong những quốc gia hậu Xô viết ổn định nhất. Tổng thống đương nhiệm Kassym-Jomart Tokayev tiếp nhận cương vị tổng thống từ ông N.A. Nazarbayev từ tháng 3/2019 song trên thực tế ông N.A. Nazarbayev được cho là vẫn có ảnh hưởng rất lớn. Đất nước giàu dầu mỏ này đang phải đối mặt với thách thức khó khăn nhất trong 30 năm: tình trạng bất ổn trong những ngày đầu năm mới.
Khi mọi việc dường như đã vượt quá tầm với, Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đã đề nghị CSTO giúp đỡ. Chủ tịch luân phiên của CSTO, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã chấp nhận yêu cầu hỗ trợ của ông Tokayev trong vòng vài giờ, sau một cuộc “tham vấn xuyên đêm” với sự góp mặt của đầy đủ lãnh đạo các thành viên tổ chức.
CSTO là gì?
Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc vào năm 1991, Hiệp ước Warsaw, một liên minh gồm tám quốc gia xã hội chủ nghĩa và là câu trả lời của Liên Xô đối với NATO, đã giải thể. Chưa đầy một năm sau, Nga và năm đồng minh của mình trong Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) ký Hiệp ước An ninh tập thể mới, có hiệu lực vào năm 1994.
Cho dù không sánh được so với Hiệp ước Warsaw, nhưng vào năm 2002, khi Trung Á trở thành khu vực địa chính trị phức tạp, với việc Mỹ đưa quân vào Afghanistan, Hiệp ước An ninh tập thể đã tự tuyên bố trở thành tổ chức CSTO, một liên minh quân sự toàn diện như ngày nay.
CSTO có trụ sở ở Moscow, ghế chủ tịch do các nước thành viên luân phiên đảm nhiệm và mọi quyết định được đưa ra trên cơ sở đồng thuận. Các nước thành viên không được phép tham gia những liên minh quân sự khác, như NATO.
Ban đầu, tổ chức này có sáu thành viên gồm Nga, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan. Năm 1993, thêm ba nước tham gia là Azerbaijan, Gruzia và Belarus. Năm 1999, ba nước rời khỏi CSTO gồm Uzbekistan, Gruzia và Azerbaijan. Năm 2006, Uzbekistan gia nhập lại và năm 2012 lại rời khỏi tổ chức. Hiện nay, CSTO bao gồm sáu nước thành viên là Armenia, Kazakhstan, Belarus, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan.
Trong thập niên qua, tham vọng của CSTO đã phát triển, một phần là để đối phó với sự hiện diện quân sự của Mỹ tại Trung Á. Năm 2007, tổ chức này đồng ý thành lập một lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 3.600 binh sĩ. Hai năm sau, CSTO thành lập một lực lượng phản ứng nhanh bao gồm 20.000 nhân sự tinh nhuệ, luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ.
Hiến chương của CSTO tạo cơ sở pháp lý cho phép các nước thành viên triển khai lực lượng quân sự tới lãnh thổ của nhau, đồng thời cho phép các thành viên mua vũ khí của Nga với giá ưu đãi, nhằm xây dựng một hệ thống phòng không chung. Tổ chức này cũng tổ chức hàng loạt các cuộc tập trận chung. Lần gần nhất là các cuộc tập trận chống khủng bố vào mùa Hè và mùa Thu năm 2021.
Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) là tổ chức khu vực bao gồm các quốc gia thành viên của Liên Xô (cũ) thành lập ngày 8/12/1991. CIS ra đời sau khi Liên Xô tan rã, các quốc gia thành viên dù đã tuyên bố độc lập nhưng vẫn có nhu cầu phối hợp hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, chính sách đối ngoại...
Hỗ trợ ổn định tình hình
Ngày 6/1, CSTO quyết định cử lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan. Trong đó, phần lớn là quân đội Nga với 2.500 lính được điều động với nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho sân bay Almaty, các cơ sở năng lượng chính và sân bay vũ trụ do Nga điều hành tại Baikonur.
Ngoài ra, Armenia cử 70 binh sĩ để bảo vệ các cơ sở quân sự quan trọng, quân đội Tajikistan cử 200 binh sĩ. Các nước thành viên còn lại gồm Belarus, Kyrgyzstan cũng cử binh sĩ sang.
Tạp chí Foreign Affairs nhận định, việc cử khoảng 3.000 lính gìn giữ hòa bình tới một quốc gia rộng lớn như Kazakhstan thì không phải là nhiều. Nhưng đây có thể được coi là một nước cờ ngoại giao phá cách của Tổng thống Tokayev khi ông có thể nhanh chóng nhận được sự hỗ trợ từ CSTO.
Ngoài ra, đây là lần đầu tiên CSTO viện dẫn Điều 4 trong hiệp ước của tổ chức, có thể được kích hoạt trong trường hợp có cuộc tấn công chống lại các quốc gia thành viên, đe dọa đến sự an toàn, ổn định hoặc toàn vẹn lãnh thổ của họ. Điều 4 của Hiệp ước An ninh Tập thể CSTO quy định các quốc gia thành viên “sẽ lập tức cung cấp hỗ trợ cần thiết, bao gồm cả biện pháp quân sự” cho một thành viên nếu họ yêu cầu.
Liên minh đánh giá đề nghị hỗ trợ của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev là chính đáng, do các sự kiện đang diễn ra tại nước này “đặt ra mối đe dọa thực sự với an ninh, ổn định và toàn vẹn lãnh thổ” của quốc gia Trung Á, Tổng thư ký CSTO, đại tướng Stanislav Zas, cho biết.
Tuy nhiên, không phải đề nghị can thiệp nào của các nước thành viên cũng được CSTO chấp thuận. Liên minh từng từ chối điều lực lượng tới Kyrgyzstan để kiềm chế xung đột giữa hai sắc tộc Kyrgyz và Uzbek năm 2010, cũng như bác yêu cầu hỗ trợ của Armenia trong cuộc xung đột với Azerbaijan tại khu vực Nagorno Karabakh mùa Thu 2020.
Theo thông tin được đăng tải trên website, lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO là đơn vị được chỉ định để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của tổ chức này. Đây thường là quân nhân, cảnh sát, lực lượng dân sự được huấn luyện đặc biệt, cùng các lực lượng và phương tiện do các nước thành viên cung cấp. Tổng số nhân viên gìn giữ hòa bình CSTO là 3.600 người.
CSTO cho biết khi thông báo triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới Kazakhstan: “Nhiệm vụ chính là bảo vệ các cơ quan nhà nước và các cơ sở quân sự quan trọng, đồng thời trợ giúp lực lượng hành pháp Kazakhstan ổn định tình hình và khôi phục trật tự pháp luật”. Lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO còn có nhiệm vụ giám sát ngừng bắn và thỏa thuận ngừng bắn, tạo điều kiện đàm phán, chống bạo động, thúc đẩy nhân quyền, bảo vệ các cơ sở thiết yếu và đảm bảo việc tiếp cận viện trợ nhân đạo.
Phó Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga Konstantin Kosachev nhấn mạnh, mục tiêu đầu tiên và trên hết của CSTO là tập trung vào đảm bảo an ninh và bảo vệ cơ sở hạ tầng quân sự cũng như dân sự, đồng thời hỗ trợ lực lượng hành pháp Kazakhstan đảm bảo trật tự đất nước.
Nằm giữa Nga và Trung Quốc, Kazakhstan là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới, lớn hơn toàn bộ khu vực Tây Âu, nhưng dân số chỉ có 19 triệu người. Phong trào biểu tình, bạo loạn diễn ra ở Kazakhstan thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bởi nước này được coi là một trong những quốc gia hậu Xô viết ổn định nhất, trở thành trụ cột cho ổn định chính trị và kinh tế tại khu vực Trung Á.
Đảm bảo an ninh nội khối
Với sự giúp đỡ từ lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO để bảo vệ cơ sở quân sự, nhà nước và xã hội, đồng thời hỗ trợ các lực lượng giữ gìn luật pháp và trật tự của Kazakhstan, hiện tại tình hình ở quốc gia Trung Á này đã ổn định trở lại. Tại một cuộc họp bất thường của CSTO, Tổng thống Tokaev tuyên bố, bạo loạn ở nước này là một âm mưu đảo chính, có sự tham gia trực tiếp của những kẻ khủng bố, bao gồm cả các tay súng nước ngoài.
Tổng thống Tokaev cũng gửi lời cảm ơn tới Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhanh chóng cử lực lượng gìn giữ hòa bình CSTO tới Kazakhstan, cảm ơn Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan đã kịp thời phối hợp về các thỏa thuận cần thiết, cũng như Tổng thư ký CSTO và lãnh đạo các quốc gia thành viên của tổ chức này đã kịp thời trợ giúp Kazakhstan. Theo ông, trong thời gian tới, hoạt động chống khủng bố quy mô lớn sẽ hoàn thành và sứ mệnh của lực lượng gìn giữ hòa bình của CSTO cũng sẽ kết thúc. Cụ thể, ông Tokaev cho biết, lực lượng này sẽ bắt đầu rút quân khỏi Kazakhstan từ ngày 13/1.
Với những gì đã thể hiện ở Kazakhstan, CSTO đã cho thấy được sự phối hợp nhuần nhuyễn từ các quốc gia thành viên khi có những động thái hỗ trợ lẫn nhau nhanh chóng trong những tình huống khẩn cấp, thể hiện vai trò trong việc bảo vệ an ninh của các nước thành viên nói riêng và cả khu vực nói chung.
(tổng hợp)