Tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia

Thủ tướng quyết định tổ chức lại 3 Ban Chỉ đạo cấp quốc gia thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

Ngày 23/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1585 tổ chức lại Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn thành Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia (Ban Chỉ đạo).

Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia.

Ban Chỉ đạo là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các bộ, ngành Trung ương và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh.

Ban Chỉ đạo tham mưu giúp Thủ tướng xây dựng, triển khai các chính sách, pháp luật, chiến lược, đề án, dự án, kế hoạch và các văn bản chỉ đạo điều hành của Thủ tướng về hoạt động phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn.

Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức liên quan, địa phương thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự; ban bố, bãi bỏ cấp độ phòng thủ dân sự.

Đồng thời điều phối lực lượng phòng thủ dân sự chuyên trách, kiêm nhiệm bảo đảm cho hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa trên phạm vi cả nước, sẵn sàng tham gia các hoạt động quốc tế về hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức; tổ chức đào tạo, huấn luyện, diễn tập; xây dựng công trình và bảo đảm trang thiết bị; hợp tác quốc tế; sơ kết, tổng kết, khen thưởng về hoạt động phòng thủ dân sự.

Theo quyết định, Thủ tướng Phạm Minh Chính là Trưởng Ban Chỉ đạo.

Các Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (Phó Trưởng Ban Thường trực); Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Công an; Quyền Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Trần Đức Thắng; Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan.

Ủy viên Ban Chỉ đạo gồm: Đại tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng (ủy viên Thường trực); Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh; Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Tư pháp Nguyễn Hải Ninh; Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Trung tướng Đặng Hồng Đức, Thứ trưởng Bộ Công an; Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Hoàng Hiệp; Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam Nguyễn Thanh Lâm; Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ; Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam Vũ Việt Trang; Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy cũng là Ủy viên Ban Chỉ đạo.

Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu. Trưởng Ban là người quyết định cuối cùng đối với các vấn đề của Ban Chỉ đạo; Phó Trưởng Ban được quyết định một số vấn đề cụ thể theo phân công, ủy quyền của Trưởng ban; các ủy viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm triển khai công việc được phân công và chủ động chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai các nhiệm vụ thuộc ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước được giao để thực hiện các chương trình, nhiệm vụ, đề án về phòng thủ dân sự.

Văn phòng Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ theo dõi tình hình sự cố, thảm họa liên quan đến động đất, sóng thần, tràn dầu, hóa chất độc, bức xạ, hạt nhân, tìm kiếm cứu nạn trên biển, tìm kiếm cứu nạn đường không trên phạm vi cả nước; tham mưu cho Ban Chỉ đạo, Thủ tướng ban hành các văn bản chỉ đạo bộ, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch, phương án, huy động lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn.

Văn phòng Ban Chỉ đạo phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan bảo đảm các điều kiện phục vụ cuộc họp Ban Chỉ đạo; dự thảo các văn bản chỉ đạo, điều hành, kết luận phiên họp định kỳ, đột xuất do Trưởng ban, Phó Trưởng ban Thường trực, Phó Trưởng ban là Bộ trưởng Quốc phòng chủ trì liên quan đến động đất, sóng thần, tràn dầu, hóa chất độc, bức xạ, hạt nhân, tìm kiếm cứu nạn trên biển, tìm kiếm cứu nạn đường không.

Văn phòng Ban Chỉ đạo phối hợp với cơ quan Bộ Tài chính thống nhất kế hoạch mua hàng dự trữ quốc gia phục vụ công tác phòng thủ dân sự; kế hoạch xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các bộ, ngành, địa phương báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Quy định về giải quyết công việc

Quy chế quy định cơ quan chủ trì tham mưu giúp việc Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự cấp Bộ thường xuyên theo dõi tình hình sự cố, thảm họa trong lĩnh vực quản lý, kịp thời báo cáo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự và Thành viên Ban Chỉ đạo thuộc Bộ, ngành mình.

Khi có sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng, cơ quan chủ trì tham mưu giúp việc Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự trong từng lĩnh vực quản lý tổng hợp tình hình sự cố, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự các nội dung liên quan và đề xuất biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố.

Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự bộ, ngành Trung ương tham mưu giúp việc cho Bộ trưởng, Trưởng ngành chỉ đạo ứng phó, khắc phục sự cố trong phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành mình.

Căn cứ tình hình sự cố, Bộ trưởng, Trưởng ngành tổ chức đoàn công tác đi kiểm tra thực tế, hoặc đề xuất với Ban Chỉ đạo tổ chức đoàn công tác, phân công thành viên đi kiểm tra thực tế.

Cơ quan chủ trì tham mưu giúp việc Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự trong từng lĩnh vực quản lý chuẩn bị nội dung; báo cáo Bộ trưởng, Trưởng ngành mình - Thành viên Ban Chỉ đạo đề xuất họp Ban Chỉ đạo tăng cường các biện pháp và triển khai lực lượng, phương tiện ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố; chủ trì, phối hợp với Văn phòng Ban Chỉ đạo tổng hợp kết quả ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, báo cáo Ban Chỉ đạo.

Khi xảy ra thảm họa, Bộ trưởng, Trưởng ngành Trung ương trong phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành mình, theo dõi tình hình, hiệu quả các biện pháp đã triển khai để tham mưu cho Ban Chỉ đạo các biện pháp tiếp theo.

Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an chỉ huy lực lượng Quân đội, Công an, Dân quân tự vệ, dân phòng, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tham gia ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, bảo đảm an ninh trật tự khu vực chịu ảnh hưởng bởi thảm họa.

Ban Chỉ đạo thành lập Đoàn công tác, phân công thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra, theo dõi tình hình ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa; định kỳ họp đánh giá tình hình, triển khai các biện pháp bổ sung nếu cần thiết.

Bộ trưởng, Trưởng ngành Trung ương trong phạm vi, lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành mình chủ trì tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo tổ chức kêu gọi, tiếp nhận và triển khai các khoản hỗ trợ khẩn cấp từ quốc tế trong các tình huống khẩn cấp theo quy định pháp luật; phối hợp các bộ, ngành liên quan hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai nguồn lực được hỗ trợ cho các địa phương theo quy định.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/to-chuc-lai-3-ban-chi-dao-thanh-ban-chi-dao-phong-thu-dan-su-quoc-gia-ar955958.html