Tổ chức Lao động quốc tế (ILO): Việt Nam cần tạo thị trường mới để tăng năng suất lao động
Trong 2 thập kỷ qua, gần 1/3 lực lượng lao động đã chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ, song Việt Nam đã gần chạm điểm cận biên để sự chuyển dịch này có thể góp phần tăng năng suất lao động.
Xin trân trọng giới thiệu bài của tác giả Valentina Barcucci, chuyên gia Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam viết riêng cho Báo Đầu tư bàn thêm về vấn đề này.
Việt Nam đã có những thay đổi đáng kể trong cơ cấu lao động, tác động đến phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình mới, khi Việt Nam phấn đấu đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030, thì cần thiết phải đổi mới lĩnh vực lao động.
Cơ cấu việc làm thay đổi nhiều
Trong thời gian qua, kinh tế Việt Nam đã thay đổi nhanh chóng. Khi kinh tế thay đổi, thị trường lao động cũng thay đổi theo. Có nhiều cách để đánh giá nền kinh tế Việt Nam và quan sát những gì đã thay đổi trong nền kinh tế này, với thị thường lao động cũng vậy.
Một trong những biểu tượng của sự thay đổi ở Việt Nam chính là độ mở của thương mại. Chẳng hạn, với lĩnh vực xuất khẩu, khối lượng và cơ cấu xuất khẩu ngày nay đã khác biệt đáng kể so với 20 năm trước. Trong những năm giữa thập kỷ 90, tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất (chiếm gần 1/2) là các mặt hàng cà phê, gạo và các sản phẩm nông nghiệp. Tiếp đến là dệt may, chiếm gần 1/3 tổng giá trị xuất khẩu.
Cơ cấu xuất khẩu ngày nay phức tạp hơn nhiều so với trước đây. Tỷ trọng nông nghiệp và dệt may đã giảm tương đối, nổi lên là ngành điện tử cùng với các ngành công nghiệp khác, cũng như ngành dịch vụ. Mặc dù khối lượng xuất khẩu của cả nông nghiệp và dệt may đã tăng lên đáng kể xét về số tuyệt đối, nhưng xét về tỷ lệ, hai ngành này đã bị thu hẹp do ngày nay Việt Nam xuất khẩu nhiều loại sản phẩm và dịch vụ hơn ra các thị trường quốc tế.
Khi sản phẩm xuất khẩu thay đổi, chúng ta cũng thấy sự thay đổi trên thị trường lao động phản ánh sự chuyển dịch này. Một phân tích về thị trường lao động Việt Nam hiện nay so với 20 năm trước cho thấy, tại thời điểm năm 2000, gần 2/3 (65,3%) lực lượng lao động có việc làm thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Hiện nay, tỷ trọng 2/3 của lĩnh vực nông nghiệp đã giảm xuống còn khoảng 1/3 (37,2%). Tỷ lệ 1/3 tăng thêm đó được phân bổ giữa lĩnh vực dịch vụ và công nghiệp. Trong khi tại thời điểm năm 2000, nông nghiệp là lĩnh vực sử dụng nhiều lao động nhất, thì ngày nay, lĩnh vực dịch vụ và nông nghiệp sử dụng số lao động tương đương nhau (lần lượt là 37,3% và 37,2%), tiếp theo là lĩnh vực công nghiệp (25,5% tổng số việc làm).
Một chỉ số thú vị mà chúng ta sử dụng để phân tích thị trường lao động là tình trạng việc làm, ở Việt Nam thường gọi là hình thức việc làm. Chỉ số này cho chúng ta biết có bao nhiêu phụ nữ và nam giới trong lực lượng lao động tham gia vào việc làm của gia đình. Chúng ta thường thấy lực lượng lao động tham gia vào việc làm của gia đình chiếm tỷ trọng lớn trong khu vực kinh tế nông thôn.
Một điều có thể nhận thấy là tổng tỷ trọng lao động tham gia vào việc làm của gia đình trên tổng số việc làm đã giảm hơn một nửa trong 20 năm qua. Trái lại, do ngành công nghiệp đã trở thành một ngành tuyển dụng nhiều lao động hơn, không ngạc nhiên khi nói rằng tỷ trọng người lao động trên tổng số việc làm đã tăng hơn gấp đôi trong vòng 20 năm.
Phân tích này cũng cho thấy, có một yếu tố không mấy thay đổi, đó là phụ nữ vẫn chiếm số đông trong những người lao động gia đình, mà thường không được trả công. Và ngay cả khi phụ nữ có nhiều khả năng hơn so với nam giới để kiếm được công việc được trả công, lao động nữ vẫn bị trả công thấp hơn so với nam giới trung bình 10%.
Thị trường lao động cần được hiện đại hóa
Khi bàn về công nghệ và tương lai của việc làm tại Việt Nam, người ta thường tập trung vào vấn đề tự động hóa, máy móc thay thế con người và những thách thức trong việc đào tạo lại kỹ năng cho người lao động.
Báo cáo mới đây của Ủy ban Toàn cầu về tương lai việc làm thuộc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ đối với việc thúc đẩy hay kìm hãm việc làm thỏa đáng.
Công nghệ có thể giải phóng người lao động khỏi những công việc khó nhọc về thể chất, những công việc có thể nguy hiểm hoặc trong môi trường bẩn. Công nghệ cũng có thể làm giảm thiểu nguy cơ gây ra thương tích đối với người lao động.
Công nghệ số, thông qua sự kết hợp giữa cảm biến và trí tuệ nhân tạo, có thể mang đến cơ hội để cải thiện mức độ an toàn của công việc. Cảm biến có thể thu thập dữ liệu về những cử động có thể gây nguy hiểm đối với người lao động và giúp xác định các tình huống có nguy cơ cao. Cảm biến thậm chí còn có thể giúp theo dõi điều kiện lao động.
Nhưng đồng thời, báo cáo cũng nhấn mạnh rằng, công nghệ có thể tạo ra những thách thức mới đối với việc làm thỏa đáng. Chẳng hạn, người lao động trên các nền tảng việc làm thường đối mặt với sự thiếu hụt việc làm thỏa đáng, bắt nguồn từ thực tế là không dễ để có thể xác định được tình trạng pháp lý của họ.
Báo cáo cũng chỉ ra một tác động hệ lụy tiềm tàng khác, liên quan đến công nghệ số đối với việc làm thỏa đáng mà người ta ít khi nhắc đến, đó là các công nghệ mới tạo ra khối lượng lớn dữ liệu về người lao động bằng cách yêu cầu người lao động đeo vòng gắn chíp, các hệ thống thông tin có thể theo dõi nhất cử nhất động của người lao động đó. Điều này đặt ra rủi ro đối với vấn đề riêng tư của người lao động.
Những vấn đề được đề cập ở trên thể hiện công nghệ tác động đến thị trường lao động ở phạm vi lớn hơn nhiều và đa diện hơn so với tự động hóa. Điều đó cũng cho thấy các tổ chức của người lao động phù hợp như thế nào trong kỷ nguyên số.
Với sự biến đổi sâu sắc của nền kinh tế Việt Nam, quan trọng là phải tìm ra hướng để phát triển bền vững và hạn chế các thách thức. Thị trường lao động Việt Nam có thể phát triển bền vững như thế nào, nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế đang tăng trưởng và đồng thời đảm bảo thành quả tăng trưởng được chia sẻ công bằng trong toàn xã hội?
Một trong những thách thức lớn nhất là ý định lặp lại những gì đã làm. Việt Nam đặt mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tiếp tục hướng tới vị thế quốc gia có thu nhập cao. Thách thức lớn nhất ở đây là những thế mạnh đã giúp Việt Nam trở thành một nước thu nhập trung bình thấp không phải là những yếu tố sẽ thúc đẩy đất nước lên cấp độ cao hơn.
Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới để thoát khỏi nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình thấp và để đạt được mục tiêu hiện đại hóa, công nghiệp hóa, cũng như tăng trưởng bền vững. Điều này cũng đòi hỏi một thị trường lao động được hiện đại hóa. Một thị trường lao động với những sinh viên tốt nghiệp từ một hệ thống đào tạo phát triển kỹ năng chất lượng cao, được người sử dụng lao động tin tưởng.
Một thị trường lao động cho phép học tập suốt đời và mọi người, dù xuất thân từ gia đình với mức thu nhập nào chăng nữa, đều có thể tiếp cận với hệ thống giáo dục, đào tạo nghề và đại học.
Đó là một thị trường lao động với cơ chế bảo trợ xã hội toàn dân, có những thiết chế được điều chỉnh theo những thay đổi của bản thân thị trường đó.
Một yếu tố then chốt, đóng góp cho sự tăng trưởng năng suất lao động của Việt Nam trong 2 thập kỷ qua là sự chuyển dịch từ nông trại sang nhà máy. Gần 1/3 lực lượng lao động đã chuyển dịch từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ trong hơn 20 năm qua, song Việt Nam đã gần chạm đến điểm cận biên để sự chuyển dịch này có thể tiếp tục góp phần tăng năng suất lao động. Giờ đây, vấn đề quan trọng là phải tìm kiếm các giải pháp mới để tăng năng suất lao động.