Tổ chức Lễ kỷ niệm 650 năm Ngày mất của danh nhân Chu Văn An
Trang trí cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ lớn; Lên giải pháp phục hồi sau dịch Covid-19; Tổ chức Lễ kỷ niệm 650 năm Ngày mất của danh nhân Chu Văn An… là những thông tin văn hóa và du lịch nổi bật tại Hà Nội.
Hà Nội trang trí cổ động trực quan kỷ niệm các ngày lễ lớn
Thiết thực kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2020); 134 năm Ngày Quốc tế lao động (1/5/1886 - 1/5/2020); 66 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2020), thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động trang trí, tuyên truyền, cổ động trực quan.
Các nội dung nhằm tuyên truyền sâu rộng tới đông đảo các tầng lớp nhân dân về giá trị, ý nghĩa lịch sử, tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Công tác tuyên truyền, cổ động trực quan sẽ diễn ra từ ngày 22-4 đến ngày 10-5, do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì thực hiện, tập trung tại các khu vực nội thành, trung tâm thành phố, các trục đường chính, gồm: Tổ chức các cụm pano cố định, pano 2-3 mặt... tại trụ sở các cơ quan Thành ủy, HĐND, UBND thành phố và các trụ sở liên quan; lắp đặt các cụm mô hình biểu tượng tại đảo giao thông trước Nhà hát Lớn, quảng trường trước Ngân hàng Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt - Xô.
Ngoài ra, còn có hơn 2.000 băng rôn được dựng dọc các tuyến đường chính, khu vực trung tâm thành phố và hệ thống Quốc kỳ, Đảng kỳ và hồng kỳ được đặt tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ, UBND thành phố, Ngân hàng Nhà nước, Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Cũng trong thời gian này, hệ thống bảng, biển quảng cáo, màn hình LED sẽ được huy động để phục vụ công tác tuyên truyền thông điệp về các ngày lễ, kỷ niệm trên địa bàn thành phố; tổ chức triển lãm ảnh có nội dung tuyên truyền phục vụ các ngày lễ, kỷ niệm tại Nhà triển lãm thành phố.
Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng đề nghị các cấp chính quyền từ quận, huyện, thị xã tới cơ sở, căn cứ kế hoạch của thành phố để có phương án triển khai cụ thể, đảm bảo đồng bộ, đúng tiến độ; tuyên truyền nhân dân treo cờ Tổ quốc.
Lễ kỷ niệm 650 năm Ngày mất của danh nhân Chu Văn An
UBND thành phố Hà Nội vừa có Văn bản 1184/UBND-KGVX gửi Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về phương án tổ chức các hoạt động kỷ niệm 650 Ngày mất của danh nhân Chu Văn An (1370-2020).
UBND thành phố Hà Nội đồng ý tổ chức các hoạt động kỷ niệm 650 Ngày mất của danh nhân Chu Văn An diễn ra tại Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào tháng 11-2020, gồm lễ kỷ niệm cùng các hoạt động trưng bày về thân thế, sự nghiệp của danh nhân Chu Văn An với nền giáo dục nước nhà.
Trước đó, tại kỳ họp lần thứ 40 diễn ra tại Paris vào tháng 11-2019, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức thông qua Nghị quyết về việc UNESCO cùng kỷ niệm Ngày mất của danh nhân Chu Văn An.
Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn thế giới, trong đó có Cộng hòa Pháp, nơi UNESCO dự kiến tổ chức các hoạt động trưng bày về danh nhân Chu Văn An và Lễ kỷ niệm 650 Ngày mất của danh nhân Chu Văn An, nên hoạt động này đã không thể diễn ra.
Ngành Du lịch Thủ đô lên giải pháp phục hồi sau dịch Covid-19
Trước ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19, Sở Du lịch Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp để cùng các đơn vị, doanh nghiệp khắc phục khó khăn, lập kế hoạch phục hồi thị trường ngay khi có điều kiện.
Theo Sở Du lịch Hà Nội, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tổng thu quý I-2020 đạt 15.687 tỷ đồng, giảm 38,8% (giảm 9.938 tỷ đồng). Nhiều hoạt động du lịch như lữ hành, điểm đến, lưu trú, vận chuyển trong trạng thái "ngủ đông", chờ cơ hội để tái cơ cấu lại ngành, phục hồi thị trường.
Từ nay đến cuối năm Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh du lịch trên địa bàn bảo đảm an toàn trong phòng, chống dịch và xây dựng giải pháp khắc phục những thiệt hại, rủi ro trong kinh doanh khi dịch xảy ra và sau khi hết dịch.
Những giải pháp mà ngành Du lịch sẽ thực hiện trong thời gian tới là: Tiếp tục nâng cao chất lượng điểm đến, dịch vụ; gắn các sản phẩm du lịch, văn hóa với hoạt động bảo tồn di sản, di tích, lễ hội, làng nghề, ẩm thực; phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng.
Ngoài ra, Sở cũng lên kế hoạch thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch cao cấp; xây dựng điểm dừng chân, không gian nghệ thuật, điểm trung chuyển khách, giới thiệu sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố.
Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú, vận chuyển, ẩm thực để các đơn vị nhanh chóng phục hồi, ổn định sản xuất kinh doanh, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Đồng thời, các đơn vị sẽ được tạo điều kiện trong việc xây dựng, kết nối các điểm đến dịch vụ du lịch trên địa bàn thành phố.
Một trong những công việc được ngành Du lịch Thủ đô hướng tới là thực hiện số hóa các điểm du lịch của các quận, huyện trong hệ thống giới thiệu du lịch chung của Thủ đô bằng giao diện ảnh 360 độ, 3D, flycam, công nghệ thực tế ảo... để tăng cường ứng dụng công nghệ trong tuyên truyền quảng bá du lịch.