Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai năm 2024
Những ngày qua, ngành tư pháp tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền Luật Đất đai năm 2024 trước thời điểm luật này chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-8-2024, sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Đại diện doanh nghiệp tại Bình Dương thảo luận về những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024
Nhằm quán triệt, phổ biến những nội dung quan trọng của Luật Đất đai năm 2024, ngày 1-7, Bộ Tư pháp đã tổ chức hội nghị tập huấn đạo luật này cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Luật Đất đai năm 2024 (gồm 16 chương, 260 điều) được Quốc hội thông qua đã có nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, sẽ tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; đồng thời các địa phương cũng kỳ vọng Luật Đất đai năm 2024 sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc trong thời gian qua, trong đó có Bình Dương.
Tiếp đó, sáng 2-7, Hội đồng Phổ biến giáo dục pháp luật (HĐPBGDPL) tỉnh đã tổ chức hội nghị triển khai Luật Đất đai năm 2024. Tại hội nghị, báo cáo viên - Tiến sĩ Đỗ Xuân Trọng, Phó trưởng Bộ môn Luật Đất đai trường Đại học Luật Hà Nội, đã triển khai nội dung, điểm mới của Luật Đất đai năm 2024; sự tác động của luật này đến các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Theo Tiến sĩ Đỗ Xuân Trọng, Luật Đất đai năm 2024 được Quốc hội thông qua đã có nhiều điểm mới so với Luật Đất đai 2013, sẽ tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế; đồng thời các địa phương cũng kỳ vọng đạo luật này sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc trong thời gian qua. So với Luật Đất đai năm 2013, Luật Đất đai năm 2024 có nhiều điểm mới, mang tính đột phá, giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách, pháp luật có liên quan đến đất đai. “Với Luật Đất đai năm 2024, những quy định mới như bỏ khung giá đất, bảng giá được cập nhật hàng năm và mở quyền quyết định giá cho cấp quận/huyện... được kỳ vọng cải thiện việc giao, sử dụng đất và tăng thu ngân sách”, Tiến sĩ Đỗ Xuân Trọng cho biết.
Theo bà Nguyễn Anh Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng PBGDPL tỉnh, Bình Dương đã định dạng mô hình tăng trưởng kinh tế, lấy công nghiệp là nền tảng đột phá mà hạt nhân chính là xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu công nghiệp tập trung. Sau thời gian xây dựng và phát triển, Bình Dương đã đạt được những kết quả khá toàn diện, nổi bật là về phát triển kinh tế. “Có thể nói, nguồn lực đất đai được địa phương khai thác, sử dụng hiệu quả, đã góp phần không nhỏ vào thành tựu phát triển chung của tỉnh. Luật Đất đai là một đạo luật quan trọng, có tác động đến mọi mặt đời sống kinh tế - văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đáp ứng yêu cầu hoàn thiện đồng bộ chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất. Luật Đất đai năm 2024 sẽ tác động tích cực đến người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế; đồng thời kỳ vọng sẽ góp phần tháo gỡ vướng mắc trong thời gian qua tại các địa phương, trong đó có Bình Dương”, bà Nguyễn Anh Hoa nói.
Bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó cục trưởng Cục Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết: “Luật Đất đai năm 2024 ra đời góp phần hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về đất đai, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; giải quyết tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn trong các chính sách pháp luật có liên quan đến đất đai cũng như giải quyết các vướng mắc, tồn tại từ thực tiễn quản lý, sử dụng đất; tăng cường quản lý đất đai cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế. Luật này còn bảo đảm hài hòa quyền lợi, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.