Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND, ngày 24/1/2022 về tổ chức phong trào 'Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ' nhân dịp Xuân Nhâm Dần và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng (BVPTR) năm 2022.
Người dân xã Thanh Hối (Tân Lạc) ươm cây giống phục vụ công tác trồng rừng. Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân", trong năm qua, thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND, ngày 18/1/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh, về việc tổ chức phong trào "Tết trồng cây" và tăng cường công tác BVPTR; Kế hoạch số 159/KH-UBND, ngày 13/8/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 tỉnh Hòa Bình; ngay từ đầu năm các cơ quan, ban, ngành, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và Nhân dân các dân tộc đã hưởng ứng, tham gia tích cực phong trào trồng cây, trồng rừng, bảo vệ rừng (BVR) và đạt được những kết quả đáng khích lệ, thiết thực góp phần phát triển KT-XH, xóa đói, giảm nghèo, phát huy vai trò phòng hộ của rừng, cải thiện môi trường sinh thái, giảm nhẹ thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu. Mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh Covid-19 kéo dài nhưng các các huyện, thành phố đã nỗ lực hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được giao, trong đó: Trồng rừng tập trung được 7.189,81 ha (đạt 128% kế hoạch); trồng phân tán 1.060,52 nghìn cây (đạt 136% kế hoạch); tỷ lệ che phủ rừng duy trì 51,5%; công tác bảo vệ có nhiều chuyển biến tích cực, vi phạm về lâm nghiệp giảm đáng kể cả về số vụ và diện tích rừng thiệt hại; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 24,01 tỷ đồng, bổ xung nguồn tài chính quan trọng, bền vững cho công tác bảo vệ rừng, đảm bảo an ninh rừng tại các địa phương. Đạt được kết quả trên là do có sự chỉ đạo sát sao, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh cùng sự sự nỗ lực vào cuộc các sở, ban, ngành và các huyện, thành phố. Tuy vậy, ngành Lâm nghiệp vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức: Nguồn vốn đầu tư cho lâm nghiệp còn hạn chế; đời sống, thu nhập của người dân làm nghề rừng còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có của tỉnh; tình trạng vi phạm về khai thác trái pháp luật, quản lý, BVR vẫn còn xảy ra. Nhằm phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục các khó khăn, hạn chế, chuẩn bị tốt phong trào "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" nhân dịp Xuân Nhân Dần gắn với công tác QLBVR và trồng cây, trồng rừng ngay từ đầu năm 2022; Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố,Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt một số nội dung sau: - Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, động viên các cấp, ngành và Nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng; nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp Nhân dân về vai trò, tác dụng, giá trị của rừng, ý nghĩa của việc trồng cây, trồng rừng, công tác BVR, phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), bảo vệ môi trường sinh thái, thực hiện các quy định của pháp luật về lâm nghiệp, góp phần giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. - Tùy điều kiện cụ thể tại địa phương, việc tổ chức phát động "Tết trồng cây" thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức, bảo đảm các quy định về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; tạo điều kiện để các cơ quan, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp Nhân dân tham gia trồng cây, trồng rừng; phấn đấu trồng cây đạt chỉ tiêu cao hơn 20% so với kết quả thực hiện năm 2021. Thời điểm tổ chức phát động "Tết trồng cây” bắt đầu từ ngày 7/2/2022 (Tức ngày mùng 7 tháng Giêng năm Nhâm Dần). Năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu thực hiện trồng 5.720 ha rừng tập trung; tổ chức chăm sóc tốt cây trồng các năm và quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng tự nhiên hiện có. - Xây dựng Kế hoạch trồng cây, trồng rừng gắn với triển khai thực hiện các chỉ tiêu nhiệm vụ phát triển lâm nghiệp năm 2022 và cả giai đoạn 2021 - 2025; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Kế hoạch số 159/KH-UBND, ngày 13/8/2021. - Tiếp tục quán triệt tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả Chương trình hành động số 14-CTr/TU, ngày 30/8/2017 của Tỉnh ủy về Chỉ thị số 13- CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư, về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Kế hoạch số 41/KH-UBND, ngày 2/4/2018 của UBND tỉnh, về thực hiện Chương trình hành động số 14/CTr-TU, ngày 30/8/2017 của Tỉnh ủy Hòa Bình về thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII. Quản lý chặt chẽ quy hoạch rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, nhất là chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp của người đứng đầu chính quyền các cấp theo quy định tại Quyết định số 73/QĐ-UBND, ngày 14/1/2020, quy định phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thiếu trách nhiệm, có tiêu cực, để xảy ra vi phạm. - Kiểm tra, rà soát toàn bộ diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm sử dụng sai mục đích tại các công ty, doanh nghiệp, UBND cấp xã quản lý; kiên quyết xử lý vi phạm, thu hồi và buộc khắc phục hậu quả, trồng lại rừng theo quy định của pháp luật. Đẩy nhanh quá trình đo đạc, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các Ban quản lý rừng, Công ty và các chủ rừng theo quy định. Tậptrung xử lý dứt điểm các diện tích rừng chồng lấn giữa các Ban quản lý, doanh nghiệp, các chủ rừng khác và người dân. Chỉ đạo việc cập nhật theo dõi diễn biến rừng kịp thời, sát thực tế. - Thực hiện rà soát phương án PCCCR đảm bảo chủ động lực lượng, phương tiện theo phương châm 4 tại chỗ; chỉ đạo lực lượng ứng trực 24/24 giờ, bố trí lực lượng canh phòng, kiểm soát chặt chẽ người vào khu vực rừng có nguy cơ cháy cao; tạm dừng các hoạt động xử lý thực bì bằng hình thức dùng lửa trong suốt thời kỳ cao điểm cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn. - Chỉ đạo các lực lượng liên ngành (Kiểm lâm, Công an, Quân đội) tăng cường phối hợp chặt chẽ, thực hiện quy chế phối hợp trong công tác BVR, PCCCR; có các phương án bảo đảm lực lượng, vật tư, trang thiết bị và hậu cần, thường trực, sẵn sàng phối hợp các lực lượng ứng phó, xử lý các tình huống cấp bách trong BVR và cháy rừng; thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. - Giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa phương, đơn vị thực hiện hiệu quả Chỉ thị này. - Sở TT&TT chủ trì, phối hợp với Đài PT-TH tỉnh, các cơ quan liên quan tăng cường thời lượng và đẩy mạnh tuyên truyền, phát hiện, phổ biến các mô hình tốt, kinh nghiệm hay trong thực hiện phong trào "Tết trồng cây”, trồng rừng; công tác quản lý bảo vệ và PTR. - Đề nghị Ủy ban MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội phổ biến, vận động các thành viên tích cực tham gia các hoạt động liên quan đến quá trình tổ chức, thực hiện Chỉ thị và theo dõi giám sát. P.V (TH)