Tổ chức, sắp xếp lại bộ máy còn chậm
Ngày 16/7, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc 'Sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm của ngành Nội vụ'. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Nguyễn Văn Sửu dự tại điểm cầu UBND TP Hà Nội.
Theo Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh, 6 tháng qua, toàn ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa nhiều TTHC không phù hợp. 40 địa phương đã xây dựng, triển khai mô hình trung tâm hành chính công cấp tỉnh. Bộ Nội vụ và 3 bộ khác đã khai trương Bộ phận một cửa, một cửa liên thông tại cơ quan bộ... Đặc biệt, từ năm 2015 đến hết tháng 6/2019, ngành đã thẩm tra và quyết định tinh giản được 41.515 biên chế.
Về triển khai sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã, sẽ có 42 tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thuộc diện sắp xếp; 4 tỉnh, TP dù không thuộc diện sắp xếp nhưng đã chủ động thực hiện (Bình Thuận, Kiên Giang, Sơn La, Tây Ninh); sẽ có 20/713 ĐVHC cấp huyện, 623/11.160 ĐVHC cấp xã thuộc diện phải sáp nhập. Nếu theo phương án của các tỉnh, sẽ giảm được 539/11.160 ĐVHC cấp xã; khi sáp nhập với các xã liền kề thì đối tượng chịu tác động lên tới 1.026 ĐVHC cấp xã.
Vụ trưởng Vụ Tổ chức chính quyền địa phương (Bộ Nội vụ) Phan Văn Hùng
Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương đã tập trung phân tích thêm các vấn đề công tác cán bộ, sắp xếp tổ chức bộ máy, thi đua khen thưởng… Trong đó, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết: Bộ Chính trị đã có Kết luận 46-KL/TW cơ bản đồng ý nội dung Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội. TP kiến nghị Chính phủ, các bộ quản lý chuyên ngành cho phép Hà Nội thực hiện phân cấp tại 35 vấn đề thuộc 11 nhóm lĩnh vực như đã đề xuất tại Đề án và được Bộ Chính trị thông qua chủ trương tại Kết luận này. Đặc biệt, việc quản lý, giao biên chế hành chính hiện nay là chưa phù hợp thực tiễn đô thị đang phát triển rất nhanh như Hà Nội. Việc liên tục giảm biên chế hành chính cũng gây khó khăn lớn trong cân đối, bố trí biên chế đúng vị trí việc làm. Do đó, T.Ư cần nghiên cứu việc cắt giảm biên chế hành chính cơ học hàng năm hoặc có cơ chế cho địa phương dùng nguồn thu tăng thêm để sử dụng công chức hợp đồng có thời hạn với một số vị trí, đáp ứng ngay yêu cầu hoạt động công vụ. Hơn nữa, việc chuyển các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) sang cơ chế tự chủ giai đoạn 2018 - 2021 gồm cả lĩnh vực giáo dục tại Hà Nội sẽ khó đạt chỉ tiêu 10% theo yêu cầu nên TP tiếp tục kiến nghị T.Ư có cơ chế, chính sách để chuyển sang tự chủ với khối này.Ghi nhận kết quả 6 tháng qua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng chỉ rõ những hạn chế lớn mà toàn ngành cần khắc phục ngay. Đó là công tác xây dựng thể chế, cụ thể hóa các nghị quyết của T.Ư còn chậm so với yêu cầu. Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ cấu bên trong các ĐVSNCL tại nhiều bộ, ngành, địa phương, thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trong ĐVSNCL còn chậm, nhất là thực hiện giao quyền tự chủ cho các ĐVSNCL. Trong tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm còn trường hợp thực hiện không đúng quy định; công tác thanh kiểm tra chưa tập trung vào các bức xúc của các bộ, ngành, địa phương; còn CCVC gây phiền hà cho công dân, DN… Đề nghị khẩn trương khắc phục ngay những hạn chế, Bộ trưởng nhấn mạnh, từ nay đến cuối năm, các bộ, ngành, địa phương chú trọng thực hiện sắp xếp các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo phân cấp quản lý, tiến tới đại hội Đảng các cấp vào 2020. Đồng thời, cần đẩy mạnh tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ CBCCVC; đẩy mạnh thanh kiểm tra, kịp thời xử lý sai phạm; trình đề án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã, cấp huyện (hạn chót 31/8/2019); chú trọng đào tạo bồi dưỡng CBCCVC để chuẩn bị tốt nhân sự cho đại hội Đảng các cấp, không chấp nhận trường hợp đề bạt, bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn, điều kiện.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/to-chuc-sap-xep-lai-bo-may-con-cham-348012.html