Tổ chức sơ kết hoạt động Ban Chỉ đạo 138 và Ban Chỉ đạo 389
Sáng ngày 25-7, đồng chí Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (BCĐ 138), Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 của hai BCĐ. Tham dự tại điểm cầu tỉnh có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Hoàng Nghiệp và các thành viên BCĐ 138, BCĐ 389 tỉnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, BCĐ 138 đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 04/2019/QĐ-TTg, ngày 22-1-2019 về việc thành lập, quản lý và sử dụng quỹ phòng, chống tội phạm; Chỉ thị số 12-CT/TTg, ngày 25-4-2019 về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”. Tham mưu Thủ tướng chỉ đạo kiểm tra, xử lý hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép, thành lập 3 đoàn liên ngành kiểm tra tình hình khai thác khoáng sản tại 15 địa phương trọng điểm và mở cao điểm xử lý vi phạm. Kịp thời giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về tội phạm và trật tự xã hội, góp phần kéo giảm số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2018; điều tra, khám phá nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy với số lượng lớn, nhiều vụ tội phạm công nghệ cao.
Hoạt động của BCĐ 389 đã bám sát các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, tập trung thực hiện các hoạt động để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, xử lý những vấn đề nóng, nổi cộm, đáp ứng cơ bản các mục tiêu, yêu cầu và hiệu quả công tác, nhiều đường dây tội phạm được điều tra, xử lý nghiêm minh đúng pháp luật. Đặc biệt, BCĐ cũng tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại Quảng Ninh, Lạng Sơn; hàng hóa sản xuất nước ngoài gắn nhãn mác “made in Việt Nam”; tăng cường phòng chống, triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng ngừa, ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi; đấu tranh xử lý các hành vi sản xuất, buôn bán xăng giả, kém chất lượng...
Tuy nhiên, một số cơ quan chức năng chưa làm tốt công tác nắm tình hình, chưa chủ động trong công tác đấu tranh nên để xảy ra một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa tại địa bàn, lĩnh vực phụ trách, gây bức xúc trong dư luận và trật tự an ninh tại địa phương. Vai trò chỉ đạo của các cấp lãnh đạo của một số đơn vị, địa phương chưa thật sự quyết liệt, thiếu kiểm tra, đôn đốc, có nơi buông lỏng quản lý để cán bộ vi phạm kỷ luật...
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, trong 6 tháng cuối năm 2019, hai BCĐ sẽ đẩy mạnh thực hiện các chỉ thị, kết luận của Ban Bí thư, Bộ Chính trị về phòng, chống tội phạm, mua bán người giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030, tập trung vào các địa bàn trọng điểm, phức tạp, có nguy cơ cao. Bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của đất nước, hoạt động của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Làm tốt công tác phòng ngừa, xử lý tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hiệu quả các hành vi vi phạm pháp luật. Xây dựng, nhân rộng những mô hình phòng, chống tội phạm hiệu quả, tạo nên phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc sâu rộng trong toàn xã hội.
Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã phát hiện, bắt giữ. Các bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích tình hình và những vấn đề nổi lên trong thời gian qua, đưa ra các giải pháp mạnh mẽ, thực chất và bài bản. Cần nâng cao năng lực để nhận diện các phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả; chủ động hơn nữa trong công kiểm tra, đấu tranh ngăn chặn, triệt phá. Quá trình kiểm tra cần xác định trách nhiệm, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân quản lý địa bàn, lĩnh vực để xảy ra vụ việc vi phạm.