Tổ chức tham quan, dã ngoại tự phát: Cần được kiểm soát chặt chẽ
Gần đây, trên mạng xã hội hiện có nhiều hội, nhóm tổ chức các chuyến đi dã ngoại, trải nghiệm tự phát cho các gia đình và học sinh. Bên cạnh các điểm đến quen thuộc, nhiều nhóm tổ chức đến các vùng đất, địa điểm mới lạ, hoang sơ.
Tuy nhiên, do thiếu kỹ năng tổ chức, không tìm hiểu kỹ địa điểm, một số sự việc đau lòng xảy ra trong thực tế gây tử vong khiến hình thức tự phát này không còn thực sự an toàn, cần sự định hướng, quản lý của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhiều hoạt động tự phát
Gần đây, dư luận thực sự quan tâm đến sự việc một nam sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Lý Thánh Tông (Hà Nội) bị đuối nước trong khi đi dã ngoại cùng lớp tại huyện Mai Châu (Hòa Bình) hồi tháng 2.
Trong tháng 5, một phụ huynh và một học sinh một trường tư thục ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) tử vong khi tham gia trải nghiệm bắt ngao tại Vườn quốc gia Xuân Thủy (tỉnh Nam Định). Chuyến đi này do một nhóm phụ huynh tổ chức tự phát. Đây là hồi chuông cảnh báo về các hoạt động giáo dục trải nghiệm ngoài nhà trường.
Trong khi dư âm các vụ tai nạn khi đi tham quan, dã ngoại chưa kịp lắng xuống, các hội, nhóm vẫn bùng nổ các chương trình trải nghiệm hè: Ngắn thì 1 đêm 2 ngày, dài thì 5 đêm 6 ngày. Tuy nhiên, theo quan sát, các chương trình vẫn còn dễ dãi, không bắt buộc người lớn đi kèm, nhiều chương trình không thông qua công ty, đơn vị du lịch hay địa phương, mà tự thuê xe đến các điểm tham quan, dù chuyến đi dài ngày.
Chị Nguyễn Thị Đức Hạnh, phường Kim Liên (quận Đống Đa) cho biết, một nhóm tổ chức dã ngoại với một người lớn có thể kèm 5, 6 cháu nhỏ. Tuy nhiên, cảm thấy mất an toàn, chị đã từ chối không nhận trông đứa cháu 6 tuổi trong chuyến cắm trại ven biển Thanh Hóa vì những rủi ro rất có thể xảy ra.
Từng nhận lời trông 2 bạn cùng lớp con không có bố mẹ đi kèm trong chuyến dã ngoại mới đây, chị Thu Hương, phường Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) được phen hú vía khi hai bạn đã đi bơi nhiều giờ không về phòng, khiến chị lo lắng đi tìm. Rất may, các bé an toàn trở về.
Tương tự, anh Trần Quang Hưng, phường Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm) háo hức khi đăng ký cho con gái lớp 6 đi dã ngoại miền Tây Nam Bộ 5 đêm 6 ngày. Tuy nhiên, gần đến ngày đi, anh có lịch công tác đột xuất không thể tham gia được. “Dù tiếc nhưng tôi buộc phải hủy, tôi không thể để con gái mạo hiểm đi chơi mà không có người lớn đi cùng”, anh Hưng chia sẻ.
Cần kiểm soát chặt chẽ
Qua tìm hiểu, có nhiều đoàn tự tổ chức cho con em đi tham quan, dã ngoại hè. Dù các đoàn này lên chương trình bài bản, chi tiết nhưng không ai kiểm soát chất lượng thực phẩm, nơi ở hay khảo sát địa hình, giao thông khu vực dã ngoại xem có đi thuyền, phà hoặc bơi, lặn... hay không. Khi được hỏi về việc mua bảo hiểm du lịch, hầu hết phụ huynh đều lắc đầu hoặc phó mặc cho người tổ chức. Điều dễ dãi hơn là dù chuyến đi gần hay xa, người tổ chức không hề khuyến cáo 1 phụ huynh kèm 1 con. Do đó, đã có những câu chuyện “dở khóc, dở cười” như trên, hoặc đến nơi mới tá hỏa khi chất lượng phòng ở khá tệ, đồ ăn sơ sài, không thực chất…
Về vấn đề này, GS.TS Bùi Thị An - đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết, việc cho học sinh đi dã ngoại chính là quá trình bổ sung kiến thức thực tiễn cuộc sống, giúp các em tìm hiểu thiên nhiên. Tuy nhiên, các phụ huynh cần nghiên cứu, bổ sung kiến thức thực tiễn trong từng giai đoạn. Và quan trọng, phải nghiên cứu xem chỗ nào chơi phù hợp và có an toàn cho con em mình không.
Chia sẻ kinh nghiệm, chị Nguyễn Thu Huyền, hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội cho biết, với những trò chơi mạo hiểm hoặc khu vực nguy hiểm, cần phải kiểm tra, bố trí người phối hợp với đơn vị cung cấp dịch vụ để bảo đảm an toàn. Các nhóm cần phải lựa chọn các đơn vị có uy tín, có kinh nghiệm, đưa ra chương trình bài bản để tránh những rủi ro đáng tiếc.
Hiện nay, cơ quan chức năng vẫn chưa quản lý các hoạt động tham quan, dã ngoại tự phát ngoài trường học. Nhà trường chỉ quản lý các hoạt động trong khuôn khổ do trường, ban phụ huynh tổ chức trong kỳ học, còn khi học sinh nghỉ hè, việc quản lý là của gia đình. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chỉ có thể đề nghị các trường thường xuyên có biện pháp nhắc nhở, khuyến cáo học sinh khi nghỉ hè không được chơi, đùa nghịch gần ao, hồ, hố công trình, nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước; không tự ý hoặc rủ nhau đi tắm, đi bơi khi không có người lớn đi cùng, chứ không thể cấm các hoạt động ngoài nhà trường. Đến nay, cũng không có quy định nào cấm các cá nhân, đơn vị tự tổ chức đi tham quan, dã ngoại. Trong khi đó, nhiều hoạt động tự phát còn mang tính hình thức, công tác tổ chức chưa tốt và đã có nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra.
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có biện pháp giám sát các hoạt động tự phát này, vừa để bảo đảm an toàn cho trẻ, vừa tránh sự tùy hứng, tổ chức tràn lan dẫn đến rủi ro, tiêu cực như những vụ tai nạn vừa xảy ra.