Tổ chức Theo dõi nhân quyền xuyên tạc trắng trợn về công việc nội bộ của Việt Nam
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (Human Rights Watch/HRW) đã phổ biến bản phúc trình hàng năm của HRW. Bản phúc trình dài 764 trang, tường trình về tình hình nhân quyền của 102 quốc gia trong năm 2021. Trong đó, có 6 trang xuyên tạc trắng trợn về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Các luận điệu thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén, xuyên tạc,...
Trước hết xin nói rằng, HRW là một trong số những tổ chức (Ân xá quốc tế, Phóng viên không biên giới, Freedom House,...), thường xuyên bị nêu tên và chỉ trích gay gắt là can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của các nước khác, vi phạm nghiêm trọng công ước và nguyên tắc quốc tế (dẫn theo Điều 2, Hiến chương Liên Hợp Quốc 1945 về nguyên tắc cấm can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác).
Bản tường trình nhân quyền tại Việt Nam được trình bày từ trang 743 đến 748, được phổ biến bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt với những giọng điệu hết sức thù địch, xuyên tạc, tạo nên một bức tranh toàn màu đen về tình hình nhân quyền ở Việt Nam: “Những người lên tiếng phê phán đảng hay chính quyền phải đối mặt với việc bị công an đe dọa, sách nhiễu, cản trở việc đi lại, bị câu lưu và bắt giữ tùy tiện, và bị bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng.
Công an giam giữ các nghi can chính trị hàng tháng trời mà không cho tiếp xúc với luật sư và thẩm vấn họ thô bạo. Các tòa án do đảng kiểm soát kết án các nhà hoạt động và blogger dựa trên những cáo buộc ngụy tạo về an ninh quốc gia...”; “Sự khác biệt chính là bây giờ chế độ tìm cách giấu giếm mọi bằng chứng xâm phạm nhân quyền vì họ đã ký kết vào nhiều công ước nhân quyền quốc tế; nếu không giấu giếm được thì họ dùng biện pháp phủ nhận, chối cãi”;...
Kèm theo những luận điệu xuyên tạc trắng trợn đó là những số liệu các “nhà hoạt động nhân quyền” bị bỏ tù mà họ gọi là “chỉ vì đăng những ý kiến phê phán chính phủ, rồi kết án họ nhiều năm tù giam”. Trong khi thực chất những đối tượng đó thường xuyên vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự “làm, lưu giữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước”.
Từ bản “Phúc trình toàn cầu 2021” của HRW có thể thấy, các luận điệu được đưa ra chỉ dựa trên những thông tin được thu thập theo kiểu cóp nhặt, cắt xén rời rạc, nghiên cứu không sâu nên phiến diện và xuyên tạc. Tính vô lý và mâu thuẫn của các luận điệu này là xuất phát từ ý thức hệ chính trị phương Tây, “coi nhân quyền cao hơn chủ quyền” và bị chi phối bởi nguồn kinh phí tài trợ hoạt động của những cá nhân, tổ chức dân sự nước ngoài không thiện chí với Việt Nam nên chúng mang màu sắc chính trị; thực dụng, vụ lợi, nhiều khi chống đối công khai, trắng trợn và quyết liệt với các nước không cùng ý thức hệ. Vì thế, dễ gây ra phản ứng tiêu cực trong dư luận Việt Nam và cả thế giới.
Dù chỉ là những luận điệu xuyên tạc trắng trợn nhưng bản phúc trình hàng năm của HRW được các nhóm phản động người Việt Nam ở nước ngoài và những cá nhân người Việt ở trong nước núp bóng “ngọn cờ dân chủ”, “nhân quyền” đồng thanh khua chiêng gõ mõ kích động nhân dân đòi Nhà nước Việt Nam phải đáp ứng ngay tiêu chuẩn về các quyền dân sự, chính trị (tự do lập hội, tự do xuất bản báo chí tư nhân, hoạt động tôn giáo không cần sự quản lý của Nhà nước,...).
Họ gắn dân chủ, nhân quyền với các vấn đề hợp tác phát triển về dân chủ, tôn giáo, tiếp cận thông tin và các hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp,... đặc biệt đòi dân sự hóa hoạt động lĩnh vực quốc phòng - an ninh, nhằm thúc đẩy phát triển tối đa cái gọi là xã hội dân sự theo kiểu phương Tây.
Họ móc nối và tìm cách mua chuộc bằng tiền, hiện vật có giá trị để làm thay đổi tư tưởng, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một số cán bộ, đảng viên. Dùng chiêu bài “mớm lời”, “rắc thính”, kích động để gây tâm lý hoang mang, hoài nghi, suy thoái về tư tưởng, chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chẳng hạn, tổ chức khủng bố “Việt Tân”, “Ủy ban bảo vệ quyền làm người Việt Nam”, “Cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản tại Hà Lan”, “Liên hội người Việt tỵ nạn tại Đức”,... với sự phụ họa của một số cơ quan báo chí nước ngoài tập trung công kích, xuyên tạc cái gọi là nhân quyền gắn với xã hội tư sản, còn quyền con người là quyền tập thể gắn với chủ nghĩa xã hội.
Đảng ta luôn lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu
Thúc đẩy, bảo vệ, bảo đảm quyền con người là quan điểm nhất quán, xuyên suốt trong đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Việt Nam. Nếu như Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng Cộng sản Việt Nam đặt “con người là trung tâm của chiến lược phát triển; đồng thời là chủ thể phát triển. Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân” thì Đại hội XIII của Đảng xác định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Kiên quyết đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu khống, phủ nhận thành tựu về dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Chủ động, tích cực nhận diện, phê phán, phản bác, ngăn chặn từ xa; xử lý công khai, minh bạch bằng pháp luật, trước hết đối với những kẻ cầm đầu lợi dụng dân chủ, nhân quyền để chống phá chế độ. Kiên quyết làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn sử dụng dân chủ, nhân quyền như một công cụ chống phá chế độ chính trị - xã hội để góp phần làm sáng tỏ và thực hiện, phát huy nền dân chủ XHCN ở nước ta trong tình hình mới./.