Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với 5 tỉnh Tây Nguyên
Sáng 16/11, tại Lâm Đồng, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chủ trì đã làm việc với UBND 5 tỉnh Tây Nguyên về tình hình thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ giao, xây dựng chính quyền điện tử và cải cách thủ tục hành chính. Cùng đi có đồng chí Trần Ngọc Liêm – Phó Tổng Thanh tra Chính phủ và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa.
Báo cáo tại buổi làm việc cho thấy, 5 tỉnh Tây Nguyên (Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai, Kom Tum, Đắk Nông) đều đã ban hành, sửa đổi quy chế tiếp nhận, xử lý, phát hành và quản lý văn bản theo quy định tại Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg. Để bảo đảm phù hợp với các quy định mới theo Nghị định số 30/2020/NĐ-CP, đề nghị các tỉnh rà soát và có phương án chỉnh sửa quy chế cho phù hợp, 5/5 tỉnh đã kết nối, liên thông gửi, nhận văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia; trong đó, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk đã liên thông gửi, nhận văn bản điện tử cả 4 cấp hành chính trên trục quốc gia; còn Lâm Đồng, Đắk Nông đã liên thông các đơn vị nội tỉnh nhưng chưa đăng ký mã định danh cấp huyện, cấp xã trên trục liên thông văn bản quốc gia.
Số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua trục liên thông tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như Lâm Đồng tăng 5 lần, Đắk Lắk tăng 2,5 lần, Kon Tum và Gia Lai tăng 2 lần, còn Đắk Nông có số lượng văn bản điện tử gửi, nhận qua trục còn thấp. Một số tỉnh đạt tỷ lệ cao về gửi, nhận văn bản giữa các cơ quan trong tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử (trừ văn bản mật) như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum.
Các tỉnh đều đã triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc ở các cấp chính quyền, bước đầu đã triển khai xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử. Một số tỉnh có số lượng xử lý hồ sơ trên môi trường điện tử nhiều như Kon Tum (95% cấp tỉnh, 85% cấp huyện, 70% cấp xã), Đắk Lắk (100% cấp tỉnh, 60% cấp huyện, 30% cấp xã).
Đắk Lắk và Kon Tum đã áp dụng chữ ký số cá nhân của lãnh đạo tỉnh trong gửi, nhận văn bản điện tử và xử lý công việc trên môi trường điện tử, còn Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai chưa áp dụng chữ ký số cá nhân (mới chỉ thực hiện tại một số sở, ngành, chữ ký số trên văn bản điện tử tại một số đơn vị, đặc biệt là cấp xã chưa phù hợp theo quy định tại Nghị định 30/2010/NĐ-CP), có thể phát sinh thêm công việc cho đội ngũ văn thư, lưu trữ.
Các tỉnh Tây Nguyên cũng đã triển khai kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia và hoàn thành tích hợp đăng nhập một lần, đồng bộ trạng thái và kết quả xử lý hồ sơ. Lâm Đồng, Đắk Lắk là 2 tỉnh có nhiều hồ sơ đồng bộ trạng thái trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, còn một số tỉnh có số lượng hồ sơ đồng bộ thấp như Gia Lai, Kon Tum, Đắk Nông và còn sai mã hồ sơ nhiều như Đắk Nông, sai mã thủ tục hành chính như Gia Lai. 4/5 tỉnh đã tích hợp với nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, chỉ còn Gia Lai chưa hoàn thành kết nối. Trong đó, Lâm Đồng có số lượng giao dịch thành công với số tiền trên 48 triệu đồng, các tỉnh còn lại chỉ dừng ở hoàn thành kết nối kỹ thuật, chưa phát sinh giao dịch hoặc số lượng giao dịch rất ít. Một số địa phương cập nhật thủ tục hành chính còn chưa kịp thời, đầy đủ như Đắk Lắk, Đắk Nông hoặc chưa đồng bộ, chuẩn hóa danh mục thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công của tỉnh như Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum.
Lâm Đồng, Kon Tum là 2 tỉnh đã triển khai tốt việc tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia lần lượt là 173 và 204 dịch vụ công, các tỉnh còn lại đều rất chậm, số lượng rất ít như Gia Lai (7 dịch vụ công), Đắk Nông (7 dịch vụ công), Đắk Lắk (70 dịch vụ công), đặc biệt là còn nhiều dịch vụ công/ thủ tục hành chính đã quá hạn hoàn thành tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo tiến độ Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 411/QĐTTg. Với tiến độ triển khai như hiện nay sẽ khó đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu Chính phủ đặt ra trong năm 2020 tại Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP.
Việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được các tỉnh quan tâm, xử lý kịp thời, còn Đắk Lắk, Đắk Nông đều có 3 phản ánh, kiến nghị đã quá hạn giải quyết.
Một số tỉnh đã ban hành kế hoạch triển khai và tổ chức quán triệt Nghị định số 45/2020/NĐ-CP của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử. Trong đó, Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và dự kiến tháng 12/2020 sẽ triển khai thực hiện dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính tại thành phố Đà Lạt và nhân rộng từ năm 2021; Gia Lai, Đắk Lắk cũng đang tích cực triển khai dịch vụ này.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các địa phương và các cục, vụ, Công ty VNPT và Vietel cũng đã báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ và nêu một số kiến nghị, đề xuất.
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ cho biết cải cách thủ tục hành chính thời gian qua đã giúp cả nước tiết kiệm 14.900 tỷ. Chính vì vậy, Bộ Trưởng nhấn mạnh, cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ và Thủ tưởng chính phủ đặc biệt quan tâm giao nhiệm vụ cho các địa phương. Việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính phải gắn với ứng dụng công nghệ thông tin và phải đi vào thực chất. Quá trình thực hiện phải đi vào thực chất, mang lợi ích cho người dân và thể hiện đúng là một chính quyền phục vụ. Chú trọng chọn dịch vụ nào có hồ sơ người dân mong đợi nhiều nhất để ưu tiên thực hiện. Quá trình thực hiện, phải lưu ý thực hiện cải cách các thủ tục trước, nghĩa là phải giải quyết và phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan để có bộ thủ tục đơn giản, gọn nhẹ nhất, sau đó mới ứng dụng công nghệ thông tin để triển khai đến người dân.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng đánh giá cao những nỗ lực của tỉnh Lâm Đồng, ông nhận xét: Lâm Đồng là tỉnh dẫn đầu rất nhiều sáng tạo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này và đề nghị các tỉnh Tây Nguyên cần trao đổi, học lẫn nhau để rút kinh nghiệm, cùng làm tốt.
Bộ Trưởng cũng yêu cầu các tỉnh tiến hành rà soát cấu trúc lại quy trình dịch vụ công trực tuyến, đẩy nhanh tốc độ phục vụ dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân để đến tháng 12 phải đạt 30% dịch vụ công trực tuyến và đạt mục tiêu cắt giảm tối thiểu 20% chi phí. Các tỉnh cũng phải triển khai đăng ký chữ ký số đối với lãnh đạo cấp tỉnh; cấp cơ sở xã, phường, thị trấn trước ngày 30/11/2020.