Tổ công tác của Thủ tướng 'không khen' Bộ Nội vụ!
Ngày 13-6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã làm việc với 10 bộ, ngành về thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử.
Ngày 13-6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng đã làm việc với 10 bộ, ngành về thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xây dựng Chính phủ điện tử.
Phát biểu mở đầu buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Phương châm là “hành động nhanh, kết quả lớn, làm đâu chắc đấy; nghĩ lớn, nghĩ tổng thể nhưng bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.
* Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, nhận thức về Chính phủ điện tử ở các cấp, các ngành đã rõ nét hơn; huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước. 100% bộ, ngành, cơ quan, địa phương đã kết nối, liên thông và gửi, nhận văn bản điện tử với Trục liên thông văn bản quốc gia. Từ ngày 12-3 đến 12-6-2019, đã có 46.202 văn bản gửi và 130.989 văn bản nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Thay vì gửi, nhận văn bản hồ sơ giấy, việc chuyển hồ sơ điện tử mỗi năm tiết kiệm được 1.200 tỷ đồng.
Q.N
Ký số có giá trị như ký tươi
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho biết, về ứng dụng văn bản điện tử, hiện nay hoàn toàn áp dụng chữ ký số đối với đơn vị thuộc Bộ. Tất cả văn bản các đơn vị gửi cho nhau đều có chữ ký số và không sử dụng văn bản giấy, trừ trường hợp giấy phép hoặc liên quan đến tính pháp lý lâu dài như khen thưởng hoặc bổ nhiệm, lúc đó phải sử dụng bản giấy song song. Dự thảo văn bản gửi ra bên ngoài vẫn phải ký “tươi”, do vướng mắc về tính pháp lý liên quan Thông tư 01/2019/TT-BNV quy định quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý tài liệu điện tử trong công tác văn thư và Nghị định 110/NĐ-CP về công tác văn thư.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, nếu Thông tư 01 và Nghị định 110 không phù hợp cần phải sửa, trước đây lưu hồ sơ giấy thì nay phải lưu hồ sơ điện tử. Thông tư 01 cho phép sử dụng văn bản điện tử chữ ký số như văn bản dùng thông thường trong các cơ quan nhà nước, không thể ban hành văn bản chữ ký số mà lại thực hiện theo văn bản chữ ký tươi; vấn đề khen thưởng, bổ nhiệm đều thực hiện chữ ký số, trừ trường hợp liên quan đến cơ mật. Dẫn Quyết định 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Bộ trưởng cho biết, văn bản điện tử đã ký số theo quy định của pháp luật được gửi nhận qua hệ thống quản lý văn bản và điều hành có giá trị pháp lý tương đương với văn bản giấy và thay cho việc gửi nhận văn bản giấy.
Làm rõ thêm, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết, khi Đề án lưu trữ tài liệu điện tử trong các cơ quan nhà nước được Thủ tướng ký ban hành phê duyệt và tổ chức thực hiện thì bản gốc của văn bản điện tử được lưu trên hệ thống tương tự như lưu trong tủ giấy của cơ quan. Tuy nhiên, các tài liệu được lưu trữ hiện chưa phù hợp với quy định của Luật Lưu trữ, vì theo quy định của Luật các văn bản tài liệu lưu trữ phải được lưu trữ ở cơ quan lưu trữ của nhà nước, chứ không phải trên máy chủ của các doanh nghiệp đang cung cấp. Hiện tại, việc lưu các tài liệu điện tử được phát hành đi cũng chưa hoàn toàn phù hợp với quy định của Luật Lưu trữ. Chính vì vậy, cần thiết xem xét ban hành Đề án về lưu trữ tài liệu điện tử.
Giải thích về việc Thông tư 01 quy định phải có văn bản giấy trong khi đã có văn bản điện tử được lưu ở văn thư (được hiểu là trên hệ thống), theo ông Tùng, vì Đề án về lưu trữ tài liệu điện tử chưa được thông qua nên chưa thể đảm bảo 100% là file điện tử trên server đó có bị biến mất hay bị sửa đổi không. Vì vậy, sau khi ký số, in ra giấy bản ký số đó để lưu ở cơ quan, được coi như là một biện pháp “bảo hiểm” cho nội dung văn bản chưa được thay đổi. Khi hệ thống tài liệu lưu trữ điện tử được thiết kế, vận hành đảm bảo quy định về bảo mật thông tin, việc in ra một bản có chữ ký điện tử sẽ không cần thiết.
Cơ quan thường trực hành động... chậm nhất
Tại cuộc họp, Tổ công tác chỉ ra 2 nhiệm vụ giao cho Bộ Nội vụ đã quá hạn nhưng chưa hoàn thành. Đó là xây dựng Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (tháng 4-2019) và Đề án thực hiện nhiệm vụ lưu trữ tài liệu điện tử của các cơ quan nhà nước. Lý giải vấn đề này, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, Bộ đã triển khai xin ý kiến bộ, ngành, địa phương về Đề án Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức. Trên cơ sở ý kiến này, một số vấn đề đang được Bộ phối hợp với Ban Tổ chức T.Ư để hoàn thiện Đề án. Đồng thời, ông Nguyễn Văn Thủy cũng nêu lên những khó khăn trong việc gửi, nhận văn bản trên Trục liên thông văn bản quốc gia như văn bản đến đôi khi còn chậm, trạng thái tổng hợp không đầy đủ. Nhiều bộ, ngành khi gửi văn bản lên Trục liên thông chưa đầy đủ, chưa đúng quy định, thiếu hồ sơ kèm theo gây khó khăn cho người tiếp nhận.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thẳng thắn cho rằng, Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính “mà không chịu thay đổi từ con người, không có cải cách thì không thể nói được ai. Ngay cả công bố dịch vụ công của Bộ Nội vụ cũng là chậm nhất”. Bộ trưởng nêu, trong tổng số 369 văn bản Văn phòng Chính phủ nhận được của Bộ Nội vụ, chỉ có 39 văn bản ký số, tỷ lệ 10,57% - rất thấp so với các bộ, trong đó Bộ TT&TT là 56%.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Nội vụ ứng dụng tốt công nghệ thông tin trong nội bộ, bởi người ban hành văn bản không làm thì không thể làm gương được. “Giờ liên quan đến đấu thầu mà có địa phương không dám mua 1 chiếc iPad. Trong khi có địa phương mua hẳn ô-tô. Như vậy để thấy cùng một việc, nhưng mỗi địa phương làm một cách khác nhau, do người chỉ đạo, do người đứng đầu. Riêng với Bộ Nội vụ, phải ứng dụng mạnh mẽ về xử lý hồ sơ thực chất trong phạm vi nội bộ, hoàn thành sớm Đề án về lưu trữ tài liệu điện tử vì đây là vấn đề rất quan trọng cho thực thi... Đề nghị cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính phải quyết liệt lên. Văn phòng Chính phủ làm sai cũng phải xin lỗi các bộ, phải tôn trọng người khác để xin lỗi, để đàng hoàng mà làm”, Bộ trưởng nhắc nhở.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ Nội vụ kiên quyết cải cách trong nội bộ. Khi nào Bộ công bố dịch vụ công, Tổ công tác sẽ trực tiếp xuống kiểm tra. Dịch vụ công này phải công bố công khai toàn bộ các bộ thủ tục. Bộ cần sớm hoàn thiện Đề án về cán bộ, công chức, viên chức, kết hợp với cơ quan của Đảng xây dựng hệ thống kết nối chia sẻ dữ liệu để tiết kiệm, tránh việc mỗi người một kho, không cần thiết.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng đề nghị các bộ, ngành nâng tỷ lệ văn bản ký số, giải quyết hồ sơ trên nền điện tử. Hiện cấp chứng thư số rất nhiều nhưng hiệu quả không đạt như yêu cầu. “Nếu Bộ trưởng quyết liệt, ở đó thành công. Nếu Bộ trưởng không quan tâm, đưa lên không ký thì mãi cũng chán, chả lẽ suốt ngày gọi thư ký báo cáo Bộ trưởng hộ tôi, tôi chuyển rồi. Mỗi lần thế, tiền điện thoại, “tiền cá quá tiền cơm”, người ta chán không trình nữa, lúc ấy phải trách người ký chứ không phải trách anh em. Nếu làm tốt thì sẽ thành guồng máy, dây chuyền”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/102_207789_to-cong-tac-cua-thu-tuong-khong-khen-bo-noi-vu-.aspx