Tổ công tác đặc biệt của Bác Hồ trong kháng chiến chống Pháp
Tư liệu về Tổ công tác đặc biệt ấy đủ để viết một quyển sách nhỏ, song, trong khuôn khổ được cho phép, tôi chỉ xin giới hạn trong một ít trang. Tổ gồm 8 đồng chí, mỗi người một việc khác nhau, nhưng có cùng nhiệm vụ: Bảo vệ Bác Hồ. Cả 8 đồng chí được Bác đặt tên vào một sáng mùa Xuân (tháng 3) năm 1947: TRƯỜNG - KỲ - KHÁNG - CHIẾN - NHẤT - ĐỊNH - THẮNG - LỢI. Chuyện này khá nhiều người đã biết, mỗi lần được nhắc đến lại tưởng như một huyền thoại.
Gần 80 năm rồi còn gì! Hôm nay, lọc trong chồng tài liệu để viết bài báo này, lòng tôi vẫn chưa hết bâng khuâng. Bâng khuâng khi nói đến 8 con người, 8 cuộc đời, 8 số phận rất đẹp; nói đúng ra là 12 con người, 12 cuộc đời, 12 số phận, bởi vì, do yêu cầu nhiệm vụ, có đồng chí chuyển sang công tác khác, có đồng chí hy sinh, đã phải thay bằng đồng chí khác. Có tới 3 đồng chí mang tên “Trường”, 2 đồng chí mang tên “Nhất” và 2 đồng chí mang tên “Thắng”. Hôm nay, thật kỳ diệu - khi tôi viết những dòng này, đúng 76 năm trước là ngày Bác Hồ đặt tên cho Tổ công tác đặc biệt.
Đầu năm 1947, để bảo toàn lực lượng, các cơ quan Trung ương của ta được lệnh trở về vùng căn cứ Việt Bắc. Đi với Bác là một bộ phận rất gọn nhẹ, gồm 8 người gần Bác nhất, vừa làm cảnh vệ, công tác văn phòng, thư ký, liên lạc, vừa phục vụ hậu cần, với tinh thần một người thạo nhiều việc - song, như đã nói, dù làm việc gì, bảo vệ Bác Hồ là nhiệm vụ quan trọng nhất. Công tác bảo mật được đặt lên hàng đầu. Cứ mươi ngày, nửa tháng, Tổ lại chuyển chỗ ở. Bác tuổi cao, sức yếu, công việc bộn bề, nhưng dù căng thẳng, bận rộn đến mấy, phải di chuyển thường xuyên, cứ ổn định chỗ ở mới, Bác lại nhắc mọi người bảo đảm chương trình học tập chính trị, văn hóa, Bác rất quan tâm phổ biến tình hình thời sự để mỗi người nắm được diễn biến của cuộc chiến đang ngày một lan rộng.
Tổ đặc biệt đã liên tục cùng đi với Bác lên Việt Bắc. Từ ngày 4 đến 17/3/1947, Người nghỉ và làm việc tại nhà ông Hoàng Văn Nguyên tại xã Cổ Tiết, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Tối mùng 5 tháng 3, trời rét, mấy Bác cháu ngồi quanh đống lửa trò chuyện. Nhưng về khuya, Bác đi bách bộ ngoài sân, dáng trầm tư suy nghĩ. Vận mệnh của Tổ quốc đang từng giờ, từng phút đặt trên vai Bác - vị lãnh tụ tối cao của toàn dân tộc.
Sáng ra, Bác bảo 8 thành viên trong Tổ đến “khai hội”. Mọi người còn nhớ, sáng tháng 3, cái rét ở vùng trung du thật dữ dội. Mọi người ngồi quây quần bên Bác. Như một người cha, Bác nhìn mọi người rồi nói với giọng trầm ấm:
- Chiến sự đang ngày một lan rộng, các chú phải quân sự hóa mọi sinh hoạt. Đi ô tô không tiện nữa, dễ bị lộ bí mật. Ai có xe đạp thì sử dụng, người còn lại sẽ đi bộ. Các chú may cho mỗi người một chiếc ba lô để đựng đồ dùng và cũng may cho Bác một cái để Bác đeo máy chữ.
Bác nói đến tình hình cụ thể của chiến sự và đường lối kháng chiến của Đảng. Phổ biến xong, Bác hỏi:
- Các chú có ai còn thắc mắc gì không?
Một đồng chí đứng dậy hỏi:
- Thưa Bác, chúng cháu nghĩ mà vẫn chưa rõ tại sao ta lại phải đánh trường kỳ, vì đánh như vậy hại người, tốn của lắm.
Bác phân tích cho mọi người thấy rõ các mặt lợi hại rồi đưa ra một hình ảnh dễ hiểu:
- Sức ta bây giờ như chàng trai mười sáu, mà thế giặc bây giờ như một lão già quỷ quyệt độc ác. Nếu ta cậy sức đánh bừa thì sao chắc thắng được? Phải vừa đánh, vừa nuôi cho sức mình khỏe lên. Khi sức ta đã khỏe, giặc suy yếu dần, ta mới lừa thế quật ngã nó, như vậy có chắc thắng không?
Bác lại nhìn mọi người, khẳng định:
- Cho nên, kháng chiến trường kỳ mới nhất định thắng lợi!
Rồi Bác mỉm cười, nói tiếp:
- Để thể hiện quyết tâm kháng chiến của chúng ta, hôm nay Bác đặt lại tên cho các chú, vừa giữ bí mật, vừa dễ gọi. Không cố ý sắp đặt mà vừa đủ tám người: Trường, Kỳ, Kháng, Chiến, Nhất, Định, Thắng, Lợi. Bốn chú đầu là người Kinh, bốn chú sau là người dân tộc. Các chú có đồng ý mang tên mới không?
Cả 8 anh em đồng thanh đáp lại:
- Dạ, đồng ý ạ!
Bác khoát tay theo chiều kim đồng hồ rồi chỉ lần lượt từng người và gọi theo tên mới. Bác nói thêm:
- Nhiệm vụ chính của Bác hiện nay là cùng toàn Đảng, toàn dân kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn. Bác đặt tên cho các chú như vậy, cũng để hàng ngày nhìn thấy các chú hoặc gọi tên các chú để nhắc nhở Bác cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Mọi người hiểu rõ ý Bác, càng phấn khởi nhận tên mới. 8 anh em như trở thành một khẩu hiệu, ngày đêm sống bên Bác.
Đồng chí TRƯỜNG tên thật là Võ Chương, quê ở Huế, làm nghề dạy học ở Hà Nội. Sau Cách mạng tháng 8/1945, trở thành chiến sĩ trong Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu, được Anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) chọn bổ sung vào Tổ bảo vệ Bác Hồ. Năm 1949, đồng chí mang bệnh và qua đời. Đồng chí Phạm Văn Nền lên chiến khu lái xe cho Bác, được thay vào tên Trường. Sau này, đồng chí được điều sang Liên Xô phục vụ đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong những năm làm Đại sứ ta tại Liên Xô. Người thứ ba mang tên Trường (Hồ Văn Trường) là Trường Tống, ở Hải Dương về. Đồng chí có tài bắn súng, cho nên được giao việc huấn luyện quân sự cho anh em và bảo vệ kho lưu trữ.
Đồng chí KỲ (Vũ Kỳ) tên thật là Vũ Long Chuẩn, quê ở Thường Tín, Hà Tây, là một trí thức yêu nước, có sức khỏe, thông minh, nhanh nhẹn và nói thạo tiếng Pháp. Đồng chí từng tham gia Thanh niên phản đế trường Bưởi (Hà Nội) từ đầu năm 1940. Đồng chí được chọn vào Tổ bảo vệ và giúp việc Bác Hồ từ tháng 8/1945. Cho đến những năm sau hòa bình, đồng chí vẫn ở cạnh Bác, chứng kiến những ngày Bác mệt nặng và giờ phút Người vĩnh viễn ra đi. Đồng chí tự nhận là “Tiểu đồng” của Bác Hồ.
Đồng chí KHÁNG (Hoàng Hữu Kháng) tên thật là Nguyễn Đăng Cao, còn có tên là Nguyễn Văn Lý, người Thái Bình, tham gia cách mạng trong phong trào công nhân từ trước năm 1940, bị địch bắt giam ở nhà tù Sơn La, rồi nhà tù Chợ Chu. Tại đây, đồng chí cùng một số bạn tù vượt ngục trở về hoạt động ở căn cứ địa Tân Trào (Tuyên Quang), từng là một võ sư, một thanh niên nhiệt tình yêu nước, có sức khỏe, nên tháng 10/1945, được đồng chí Nguyễn Lương Bằng chọn phụ trách Tổ bảo vệ Bác Hồ.
Đồng chí CHIẾN (Tạ Quang Chiến) tên khai sinh Nguyễn Hữu Văn, quê Hải Dương, nhưng lại sinh ở Thanh Hóa, từ nhỏ sống tại Hà Nội. Từng hoạt động trong phong trào thanh niên cứu quốc Hà Nội, là chiến sĩ tự vệ chiến đấu. Cuối năm 1945, đồng chí được Bí thư Thành ủy giới thiệu và đồng chí Nguyễn Lương Bằng tuyển chọn, bổ sung vào Tổ bảo vệ Bác Hồ. Đồng chí từng là Bí thư Thường trực Trung ương Đoàn và trước khi nghỉ hưu là Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao.
Đồng chí NHẤT (Hồ Văn Nhất), bí danh là Văn Lâm, người dân tộc Tày thuộc đơn vị vũ trang của đồng chí Đàm Minh Viễn bảo vệ căn cứ địa Tân Trào. Tháng 5/1945, đồng chí được chọn vào Tổ bảo vệ Bác khi Người về Tân Trào. Đồng chí NHẤT thứ hai là Long Văn Nhất, vốn là bảo vệ của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đồng chí bảo vệ Bác trong thời gian ở Hà Nội, đặc biệt trong những chuyến Người đi thăm hữu nghị các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Bí danh của đồng chí là Tiên Phong.
Đồng chí ĐỊNH (Võ Viết Định), tên thật là Chu Phương Vương, người dân tộc Tày, bí danh Ngọc Hà, được đồng chí Trần Đăng Ninh chọn từ đơn vị vũ trang của đồng chí Đàm Minh Viễn ở Tân Trào vào Tổ bảo vệ Bác Hồ. Đồng chí bảo vệ tiếp cận Bác trong suốt chiến dịch Biên giới (là người cầm ống nhòm đứng cạnh Bác khi Người đang theo dõi mặt trận Đông Khê 1950). Khi kháng chiến thành công, đồng chí về làm công tác Đảng ở Khu gang thép Thái Nguyên.
Đồng chí THẮNG (Triệu Hồng Thắng), còn có tên Triệu Tiến Thọ, tên ở địa phương Cắt, còn gọi là Sót, người xã Kim Sơn, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, dân tộc Dao. Đồng chí làm giao liên, đưa và nhận công văn, thư từ, rất thuộc đường đất, địa hình, giỏi leo núi, giúp cơ quan nắm vững tình hình địa phương. Sau hòa bình, đồng chí ở lại công tác tại quê hương. Ngày thành lập Khu tự trị Việt Bắc, đồng chí giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính.
Đồng chí THẮNG thứ hai tên thật là Nguyễn Quang Chí, tên khai sinh là Nguyễn Văn Huy.
Đồng chí LỢI, tên thật là Trần Đinh, dân tộc Tày, được chọn từ đơn vị vũ trang của đồng chí Đàm Minh Viễn vào Tổ bảo vệ Bác Hồ ở căn cứ địa Tân Trào, trước Cách mạng tháng 8/1945.
Xin được nói thêm rằng, trong số những người giúp việc và bảo vệ Bác Hồ, cũng có người trùng tên một cách ngẫu nhiên với 8 đồng chí Trường - Kỳ Kháng - Chiến - Nhất - Định - Thắng - Lợi, như Ma Văn Trường, Đinh Đăng Định, Hữu Định, Nguyễn Văn Nhất, Nguyễn Văn Thắng... chứ không phải tên do Bác Hồ đặt.
Tuy nhiên, các đồng chí đó cũng vô cùng vinh dự được sống những ngày tuy hết sức gian khổ nhưng đầy tự hào bên Bác Hồ kính yêu.
Sau ngày Bác vĩnh viễn ra đi 2/9/1969, hàng năm, cứ vào ngày 19/5, Bảo tàng Hồ Chí Minh lại tổ chức cuộc gặp mặt giữa những người đã giúp việc Bác Hồ. Họ lại đi thăm nơi Bác từng ở và làm việc, họ như sống lại với biết bao kỷ niệm thiêng liêng mà không phải ai cũng có được. Nhiều kỷ niệm đã được các đồng chí kể lại hoặc ghi lại. Tôi đã đọc nhiều trang hồi ức của đồng chí Hoàng Hữu Kháng, Vũ Kỳ, Triệu Hồng Thắng... Có đồng chí trở về quê hương mình công tác và đã vĩnh viễn ra đi, không kể lại cho con cháu nghe những kỷ niệm đẹp đẽ của đời mình. Đồng chí Tạ Quang Chiến còn mạnh khỏe, tôi được gặp và trò chuyện trong Trung tâm thể thao Ba Đình, song, nếu muốn hỏi kỹ đôi điều về bản thân đồng chí, đồng chí trả lời rất dè dặt và khuyên tôi nên “viết về những người khác, những người mang tên do Bác Hồ đặt mà ít người biết đến”. Bù lại, tôi được lão đồng chí cho xem nhiều tấm ảnh lịch sử treo trên tường. Đó là ảnh Tổ bảo vệ Bác Hồ chụp hồi đầu Cách mạng tháng 8/1945, trong kháng chiến chống Pháp, ảnh đánh bóng chuyền cùng Bác...
Dịch giả Trần Đương