Tổ Covid cộng đồng: Nâng cấp độ khống chế SARS-CoV-2

Đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở Việt Nam phức tạp hơn nhiều so với những lần trước, với đa nguồn lây, đa ổ dịch, nhiều biến chủng và cường độ lây lan nhanh hơn, mạnh hơn. Ở Tiền Giang, ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố vào ngày 5-6.

Từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên trong cộng đồng, trong 10 ngày qua, Tiền Giang đã ghi nhận 28 ca dương tính SARS-CoV-2 được phát hiện trong cộng đồng. Qua đó, toàn tỉnh đã phải cách ly 573 người tại các khu cách ly tập trung và hàng ngàn người phải cách ly tại nhà. Thực tế cũng cho thấy, một số trường hợp F1 đã dương tính với SARS-CoV-2, trở thành F0.

Trước diễn phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19 trong nước nói chung và Tiền Giang nói riêng, ngày 15-6-2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Công văn 2961 về việc thành lập Tổ Covid cộng đồng trên địa bàn tỉnh nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và góp phần kiểm soát, khống chế, không để dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng.

Điểm cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu, TX. Cai Lậy, cách ly các trường hợp F1 của các ca F0 tại ổ dịch xã Mỹ Hạnh Đông. Ảnh: Thủy Hà

Điểm cách ly tập trung tại Trường Tiểu học Phan Văn Kiêu, TX. Cai Lậy, cách ly các trường hợp F1 của các ca F0 tại ổ dịch xã Mỹ Hạnh Đông. Ảnh: Thủy Hà

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành khẩn trương chỉ đạo UBND các xã (phường, thị trấn) thành lập các Tổ Covid cộng đồng tại các khu dân cư thuộc địa bàn quản lý. Thông báo cho người dân biết về hoạt động của Tổ Covid cộng đồng để tham gia, phối hợp thực hiện.

Thành viên tham gia Tổ Covid cộng đồng gồm có 2 - 3 người là cán bộ tổ dân phố (ấp, khu phố), các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, tình nguyện viên tại khu dân cư. Tùy theo điều kiện thực tế, mỗi tổ phụ trách từ 40 - 50 hộ gia đình và có phân công danh sách hộ gia đình cụ thể cho từng tổ.

Tổ Covid cộng đồng có nhiệm vụ giám sát và tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19 chủ động tại từng hộ gia đình. Tổ Covid cộng đồng sẽ là cầu nối chủ động trong công tác phòng, chống dịch giữa chính quyền địa phương và ngành Y tế với nhân dân, giúp người dân yên tâm và thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngoài nhiệm vụ tuyên truyền, vận động, nhắc nhở nhân dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại từng hộ gia đình, Tổ Covid cộng đồng còn có nhiệm vụ thăm hỏi, giám sát, phát hiện và báo cáo ngay bằng điện thoại cho chính quyền địa phương và y tế tuyến xã những trường hợp nghi mắc Covid-19 phát hiện tại các hộ gia đình để tổ chức cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời.

Đồng thời, Tổ Covid cộng đồng còn có nhiệm vụ phát hiện, báo cáo các cấp có thẩm quyền đối với những trường hợp không tự giác khai báo y tế, không chấp hành thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, chưa khai báo y tế khi trở về từ vùng có dịch Covid-19.

Tổ Covid cộng đồng còn có nhiệm vụ trợ giúp chính quyền và cơ quan y tế truy vết các trường hợp tiếp xúc (F1, F2) với ca bệnh Covid-19; thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp với khả năng do Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã (phường, thị trấn) phân công dựa trên tình hình dịch bệnh tại địa phương.

Có thể nói việc thành lập Tổ Covid cộng đồng là biện pháp rất cần thiết nhằm nâng thêm cấp độ phòng, chống dịch, qua đó kịp thời bao vây, phong tỏa, khống chế để sớm đẩy lùi “giặc Covid-19” trên địa bàn tỉnh.

THIÊN LÊ

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/su-kien-binh-luan/202106/to-covid-cong-dong-nang-cap-do-khong-che-sars-cov-2-927621/