Tô đẹp hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân

Liên hoan nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc về 'Hình tượng người chiến sĩ Công an nhân dân' lần thứ IV, năm 2020 được Bộ Công an phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức, đang diễn ra sôi động tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội. Với sức cống hiến và tài năng nghệ thuật, gần 1.000 nghệ sĩ, diễn viên đến từ 27 đơn vị nghệ thuật đã hóa thân vào những vai diễn trong 33 vở diễn của đủ loại hình nghệ thuật sân khấu: Cải lương, chèo, kịch, dân ca... góp phần lan tỏa hình ảnh đẹp về người chiến sĩ công an.

Ngợi ca những chiến công thầm lặng

“Chuyện của Dung” là vở cải lương của Đoàn cải lương Long An, được NSND Triệu Trung Kiên (Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam) viết từ câu chuyện có thật về một chiến sĩ công an tên Dung ở một trại giam tù nhân nữ. Thân phận từng nhân vật trong trại giam được khắc họa rõ nét, chân thực và sống động: Một phụ nữ giết chính hai đứa con của mình; một tên cướp giật nhưng vô tình khiến người bị cướp ngã ra đường và tử vong; một cô gái trẻ chối bỏ mẹ mình lao vào con đường phạm tội... Đâu chỉ có câu chuyện của phạm nhân, chuyện của những chiến sĩ công an cũng có những hoàn cảnh trớ trêu, nhưng họ đã vượt qua nỗi niềm riêng để hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ là người đại diện pháp luật, mà còn là người em, người chị, người bạn, người thầy của phạm nhân.

Với lối diễn xuất mộc mạc, giản dị, nghệ sĩ, diễn viên Đoàn cải lương Long An đã chinh phục khán giả miền Bắc bằng vở diễn với câu chuyện hết sức nhẹ nhàng. Vào vai chính-nữ giám thị Dung, nghệ sĩ Thu Mỹ gây thiện cảm với khán giả bởi khả năng diễn xuất và giọng ca cải lương ngọt ngào.

 Cảnh trong vở “Ngày trở về” của Nhà hát Chèo Quân đội.

Cảnh trong vở “Ngày trở về” của Nhà hát Chèo Quân đội.

Vở kịch nói “Vẫn sống” của Nhà hát Công an nhân dân (CAND) để lại nhiều xúc động trong lòng người xem. Chuyện kịch xoay quanh Trung tá Nguyễn Văn Quang, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy. Nhận nhiệm vụ là một trong những thành viên “chủ chốt” của ban chuyên án phá đường dây buôn bán ma túy xuyên quốc gia, áp lực công việc nặng nề khiến anh không còn thời gian chăm lo gia đình. Một phần vì con cái hiếm hoi, một phần vì đời sống kinh tế “không bằng chị bằng em” khiến Ngọc, người vợ trẻ của anh buồn chán. Em trai Ngọc đi du học trở về, làm việc cho một công ty lớn ở trong nước. Thực chất, công ty là vỏ bọc của tập đoàn buôn bán ma túy. Bọn tội phạm muốn lợi dụng người vợ và em vợ để lôi kéo Trung tá Nguyễn Văn Quang vào các hoạt động phi pháp. Vượt qua mọi cám dỗ về vật chất, Trung tá Nguyễn Văn Quang quyết không lùi bước. Trước phút hy sinh, anh vẫn cố dặn người thân và đồng đội giữ lại đôi mắt để dành tặng cháu bé-con của một đồng chí trong đơn vị bị bệnh, đang cần thay giác mạc...

Tham gia liên hoan lần này, Nhà hát Chèo Quân đội đã dày công dàn dựng hai vở: “Ngày trở về” (đạo diễn, NSND Lê Hùng) về đề tài chiến sĩ tình báo và “Hai mươi năm thù hận” (đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang) đề tài phòng, chống ma túy; Nhà hát Kịch nói Quân đội với vở “Những ngày không bình yên” cũng về đề tài phòng, chống ma túy. Cuộc ra quân rầm rộ của các nghệ sĩ sân khấu quân đội trong liên hoan lần này thể hiện sinh động mối quan hệ, gắn bó sâu sắc giữa Quân đội nhân dân với CAND trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự của đất nước, để lại ấn tượng với bạn diễn cũng như đông đảo người xem.

Lan tỏa hình ảnh đẹp của chiến sĩ Công an nhân dân

Diễn xong vai Đại úy Hằng trong vở ca kịch “Chuyên án Z1” của Hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh Thừa Thiên-Huế, lui về phía “cánh gà” sau sân khấu mà nghệ sĩ Phạm Thị Lệ vẫn còn sụt sùi khóc. Trong vở diễn, Đại úy Hằng đảm nhiệm trọng trách đội trưởng đội cảnh sát phòng, chống ma túy. Hoàn cảnh trớ trêu khi một trong những tên tội phạm lại chính là người yêu, người đồng đội mà cô hết mực yêu thương... Hiểu lầm được hóa giải khi người đồng đội, người yêu của Đại úy Hằng hiên ngang đỡ đạn cho cô và đã anh dũng hy sinh sau những lời trăn trối, rằng suốt thời gian “phản bội” đã hoàn thành nhiệm vụ trong “Chuyên án Z1”, nhưng đó cũng chính là lúc Đại úy Hằng đau khổ, day dứt nhất. Nghệ sĩ Phạm Thị Lệ chia sẻ: "Là nghệ sĩ tuồng của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế, khi vào vai diễn nữ chiến sĩ công an đã rất khó khăn, vì các động tác của nghệ sĩ tuồng diễn theo kỹ thuật nhất định, nên khi diễn kịch mang hơi thở đương đại đã phải tập thả lỏng toàn bộ cơ thể, từ nét mặt đến động tác, tay chân... Vì thế, khi vào vai, tôi phải tìm hiểu ngành nghề của họ, tiếp xúc với họ để có thông tin, qua đó càng tin tưởng và kính phục sự tận tâm, cống hiến của cán bộ, chiến sĩ CAND. Tôi hy vọng qua diễn xuất, hóa thân của nghệ sĩ chúng tôi trên các vở diễn sân khấu sẽ góp phần khắc họa hình tượng người chiến sĩ CAND, ngợi ca sự hy sinh, quên mình vì nhân dân phục vụ của họ trong lòng công chúng”.

 Cảnh trong vở “Chuyên án Z1” của Hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Cảnh trong vở “Chuyên án Z1” của Hội Nghệ sĩ sân khấu tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Khán phòng của Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ những ngày diễn ra liên hoan (từ ngày 16-7 và sẽ diễn ra đến ngày 2-8) hầu như đông kín khán giả, khiến NSƯT Lê Chức, thành viên Ban tổ chức không khỏi ngạc nhiên: “Hóa ra cứ nghĩ rằng đề tài CAND khô khan, khó kéo khán giả đến rạp. Nhưng rõ ràng vẫn hấp dẫn khán giả. Hấp dẫn là điều đương nhiên, cải lương toàn những đoàn nổi tiếng từ Long An, Tiền Giang; sân khấu kịch xã hội hóa với những gương mặt nghệ sĩ, diễn viên nổi tiếng từ TP Hồ Chí Minh; rồi ca kịch Huế...”. Ngồi kế bên, nhà văn Chu Lai, thành viên Ban giám khảo liên hoan hé ra câu chuyện: "Trước mỗi vở diễn của các đoàn địa phương hoặc phía Nam biểu diễn, anh em nghệ sĩ, diễn viên Hà Nội lại giới thiệu vở diễn, nghệ sĩ trên trang Facebook của nhà hát hoặc cá nhân mình để kêu gọi mọi người đến xem, cổ vũ. Nghệ sĩ đang ủng hộ nhau làm nghệ thuật, lan tỏa niềm đam mê với sân khấu bằng những việc làm nhỏ mà rất thiết thực như thế!".

Qua liên hoan có thể thấy, khai thác đề tài về người chiến sĩ CAND là mảnh đất vô cùng màu mỡ và phong phú cho những người làm nghệ thuật sân khấu. Sự hiện diện của đội ngũ nghệ sĩ các thế hệ, từ đạo diễn “lão làng”, như: NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Lê Hùng, NSND Giang Mạnh Hà, NSND Trần Ngọc Giầu... đến những đạo diễn mới và cũng đang là những cái tên sáng giá, đầy tiềm năng, như: NSND Hoàng Quỳnh Mai, NSƯT Sĩ Tiến, NSƯT Bùi Như Lai, NSƯT Đào Quang, NSƯT Kiều Minh Hiếu, NSƯT Trịnh Kim Chi, Lê Nguyên Đạt... tạo sức hút cho liên hoan.

Từ các vở diễn cũng thể hiện rõ, những năm qua, ngành công an đã rất chú trọng tới việc đầu tư cho sáng tác kịch bản về đề tài ngành qua việc tổ chức các trại sáng tác, các cuộc thi hằng năm, đó là lý do mà nguồn kịch bản tại liên hoan rất dồi dào và thu hút những tên tuổi sáng giá. Đại tá, NSND Nguyễn Công Bẩy, Phó cục trưởng Cục Công tác Đảng và Công tác chính trị, Bộ Công an cho biết: “Trên thực tế, nguồn kịch bản cho liên hoan lần này rất phong phú, nên các vở diễn đã khai thác được đa số lĩnh vực của công tác công an. Có những vở diễn khai thác những đề tài khó, như công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Có những vở diễn đi vào các vụ án đã được bóc gỡ, xây dựng, ca ngợi những chiến công của lực lượng CAND trong cuộc đấu tranh không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Qua đó, góp phần quảng bá sâu đậm hơn hình ảnh người chiến sĩ CAND, tác động tích cực đến đời sống xã hội, để nhân dân ngày càng tin yêu, sát cánh cùng lực lượng công an trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.

Bài và ảnh: VƯƠNG HÀ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/to-dep-hinh-tuong-nguoi-chien-si-cong-an-nhan-dan-629011