Tổ hòa giải kiểu mẫu đầu tiên ở Hà Tĩnh
Trong những năm qua, Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn Sâm Lộc (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) đã hòa giải thành công nhiều mâu thuẫn, tranh chấp từ cơ sở, tạo sự hòa thuận, đoàn kết, bình yên trong cộng đồng dân cư.
Thôn Sâm Lộc (xã Tượng Sơn, huyện Thạch Hà) có 198 hộ dân với 744 nhân khẩu. Những năm qua, cùng với nỗ lực phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, thôn cũng luôn chú trọng đảm bảo công tác an ninh, trật tự xã hội. Năm 2010, cùng với việc xây dựng nông thôn mới, thôn Sâm Lộc thành lập tổ hòa giải cơ sở nhằm giúp chính quyền địa phương giải quyết các mâu thuẫn trong các gia đình, láng giềng, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong Nhân dân.
Ông Hoàng Trọng Đức - Bí thư Chi bộ thôn Sâm Lộc cũng là Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn cho biết: “Người dân luôn coi trọng tình làng, nghĩa xóm, vì vậy, hoạt động hòa giải được xem là phương án tối ưu để giải quyết xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, hàng xóm láng giềng, xây dựng cộng đồng hòa thuận, yên vui; đồng thời góp phần củng cố mối đại đoàn kết toàn dân và cùng nhau phát triển đời sống văn hóa khu dân cư”.
Ở thôn Sâm Lộc, tổ hòa giải có 7 thành viên. Bí thư Chi bộ thôn đảm nhận vai trò tổ trưởng, trưởng thôn giữ vị trí tổ phó, các thành viên còn lại là những người đứng đầu các đoàn thể. Họ là những người có kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín trong cộng đồng, nhiều người có năng lực truyền đạt, phân tích... Những thành viên trong tổ được tập huấn, bồi dưỡng để nắm bắt cơ bản các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Theo đó, tổ hòa giải sẽ lên kế hoạch, tìm hiểu vấn đề và phân công thành viên tiếp cận cơ sở để tuyên truyền, giải thích và hòa giải những vướng mắc, mâu thuẫn. Giải pháp mà tổ thường vận dụng nhất là “mưa dầm thấm lâu”. Nhờ vậy, các vụ việc được xử lý dứt điểm, hạn chế tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp...
Từ hiệu quả bước đầu, tháng 9/2021, tổ hòa giải của thôn được UBND huyện Thạch Hà chọn để nâng cấp lên thành “Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu”. Đây là mô hình tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu đầu tiên của tỉnh.
Dù vậy, công tác hòa giải tại cơ sở của Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn Sâm Lộc cũng gặp không ít khó khăn. Ông Nguyễn Văn Dũng - Tổ phó Tổ hòa giải cho biết: “Các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn xảy thường liên quan đến các vấn đề xây dựng, đất đai thừa kế, mâu thuẫn vợ chồng... Do vậy việc hòa giải rất phức tạp, mất nhiều thời gian, công sức. Chúng tôi phải đi lại nhiều lần, chia sẻ, động viên, thuyết phục theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”.
Ông Dũng nêu ví dụ, năm 2021, trong thôn xảy ra việc tranh chấp ranh giới đất sản xuất giữa 2 gia đình. Tổ hòa giải đã phải đến gặp gỡ hai bên gia đình nhiều lần, vừa lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân vừa phải tìm hiểu, phân tích các quy định của pháp luật để giải thích và vận động hai bên giải quyết trên tinh thần đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. “Để người dân tâm phục khẩu phục, chúng tôi luôn phải kiên trì nâng cao, cập nhật kiến thức, nhất là các quy định, văn bản pháp luật; tìm hiểu, vận dụng sáng tạo các mô hình “dân vận khéo”, gần gũi và thấu hiểu người dân" - ông Dũng nói thêm.
Mới đây là vụ việc ghen tuông của vợ chồng anh N. Do người vợ đi làm ăn xa nên anh N. nghi ngờ chị có mối quan hệ bất chính nên vợ chồng thường xuyên cãi vã, đâm đơn ly hôn. Để hòa giải vụ việc này, tổ hòa giải đã gặp gỡ, trao đổi, phân tích những đúng - sai và chỉ ra cho anh N. thấy sự nghi ngờ của mình đối với vợ là thiếu căn cứ. Nhờ kiên trì, tổ đã thành công giúp cặp vợ chồng này từ bỏ ý định ly hôn, cùng nhau vun vén hạnh phúc gia đình.
Theo ông Hoàng Trọng Đức - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn Sâm Lộc, bí quyết để giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn đó là công tâm, kiên trì, khéo léo vận động, dùng lời lẽ hợp tình hợp lý để thuyết phục. Đồng thời, phải đến từng nhà tìm hiểu cặn kẽ, kỹ lưỡng từng vụ việc, hiểu rõ tường tận những tình tiết phát sinh mâu thuẫn hoặc tranh chấp rồi mới phân tích, đưa ra hướng giải quyết.Tất cả các vụ việc xảy ra trong thôn đều được tổ hòa giải ghi chép cẩn thận nhưng không phải vụ việc nào cũng thông báo giữa cuộc họp thôn. Thậm chí, để giữ thể diện cho các bên, hòa giải viên cũng phải thể hiện sự kín đáo, nhẹ nhàng. Tổ cũng kết nối với 16 tổ trưởng tổ liên gia trong thôn để ghi nhận các phản ánh, vụ việc.
Không chỉ đảm nhiệm vai trò hòa giải, tổ hòa giải còn là “tuyên truyền viên” các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến Nhân dân thông qua các buổi họp thôn, sinh hoạt cộng đồng về Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật An toàn giao thông, Luật Bình đẳng giới, Luật Khiếu nại và Tố cáo, Luật Đất đai...Từ khi thành lập đến nay, Tổ hòa giải cơ sở kiểu mẫu thôn Sâm Lộc tổ chức hòa giải tốt gần 10 vụ việc, đạt tỷ lệ hòa giải thành công trên 80%. Từ mô hình của thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn đã thành lập 7 tổ hòa giải của 7 thôn.Ông Nguyễn Công Hạ (thôn Sâm Lộc, xã Tượng Sơn) phấn khởi: “Nhờ có sự vào cuộc của tổ hòa giải, từ năm 2022 đến nay, tình hình an ninh trật tự trong thôn giữ ổn định, không có vụ khiếu nại, kiến cáo kéo dài, không xuất hiện các vấn đề “nóng”. Theo đó, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó, đoàn kết và cùng nhau xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh nông thôn”.
Với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, có uy tín, trình độ, lực lượng hòa giải viên của các tổ hòa giải đã tận tình, kiên trì tiến hành giải quyết thành công nhiều vụ việc, đem lại sự yên vui cho người dân. Điều này góp phần giúp địa phương giải quyết những phát sinh ngay tại cơ sở, hạn chế đơn thư khiếu nại vượt cấp, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần xây dựng và nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong cộng đồng dân cư, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, chung tay xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh.
Ông Dương Kim Huy
Chủ tịch UBND xã Tượng Sơn