Với việc máy bay không người lái ngày càng có vai trò quan trọng trên chiến trường, các vũ khí chống lại chúng như tổ hợp phòng không Pantsir-S cần có nâng cấp đặc biệt.
Dự kiến một loại tên lửa mini được thiết kế đặc biệt sẽ sớm tích hợp trong hệ thống tên lửa - pháo phòng không nổi tiếng này, loại đạn trên hiện đang trải qua các bài kiểm tra đánh giá trước khi chính thức đưa vào trang bị.
Thông tin trên do đại diện của Tập đoàn công nghệ nhà nước Rostec tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin RIA Novosti, thể hiện rõ cam kết của đơn vị trong việc tăng cường năng lực phòng thủ trên không cho Quân đội Nga.
Loại tên lửa cỡ nhỏ này theo dự báo sẽ giữ vai trò cực kỳ quan trọng khi được sử dụng ở tiền tuyến, sẽ tập trung vào việc ngăn chặn toàn bộ các phương tiện tấn công đường không có kích thước nhỏ.
Những thách thức lớn nhất đối với tổ hợp Pantsir-S trong điều kiện hiện nay chính là máy bay không người lái tấn công, UAV cảm tử, cùng với đạn pháo phản lực phóng loạt... khi chúng thường được sử dụng với số lượng rất lớn.
Thiết kế tên lửa phòng không cỡ nhỏ mới nhất của Nga là một bước đi cho thấy các nhà thiết kế đã bắt kịp xu hướng mới, loại đạn trên được phát triển đặc biệt để tham chiến trong cự ly dưới 500 mét.
Căn cứ vào thông tin được nhà sản xuất tiết lộ, mỗi ống phóng đơn của tên lửa đánh chặn loại 9M335 và 57E6 mà tổ hợp Pantsir-S1 đang sử dụng dự kiến sẽ có khả năng chứa tới 4 tên lửa cỡ nhỏ loại mới.
Mỗi hệ thống Pantsir-S mang tới 12 ống phóng, như vậy sẽ có tổng cộng 48 tên lửa phòng không cỡ nhỏ trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu, đủ để đẩy lui một cuộc tấn công kiểu "bầy đàn".
Ngoài ra cần lưu ý rằng bên cạnh tên lửa, tổ hợp Pantsir-S1 còn được hỗ trợ đắc lực bởi 2 pháo phòng không 2A38M cỡ 30 mm có tốc độ bắn cực cao như một kênh dự phòng rất đáng quan tâm.
Pantsir-S đã chứng minh là một vũ khí đáng tin cậy và mạnh mẽ khi đánh chặn thành công một loạt vũ khí tấn công đường không đối phương, bao gồm từ chiến đấu cơ cho đến máy bay không người lái cảm tử.
Pantsir-S1 đã đánh chặn được tên lửa GMRLS của tổ hợp HIMARS, thậm chí cả tên lửa hành trình Storm Shadow cực kỳ tối tân, trong tương lai hệ thống vũ khí này dự kiến sẽ tiêu diệt cả tên lửa siêu thanh.
Mặc dù vậy, tên lửa cỡ nhỏ của tổ hợp Pantsir-S1 vẫn cần trải qua thực chiến mới có thể đánh giá đầy đủ đặc tính kỹ chiến thuật, xem loại đạn này có đáp ứng được yêu cầu hay không.
Khó khăn nhất sẽ là vấn đề điều khiển quả đạn, bởi với kích thước nhỏ như vậy sẽ yêu cầu phải sử dụng những thiết bị điện tử rất tinh vi mà phần lớn nước Nga vẫn chưa tự chủ được.
Không rõ các nhà thiết kế Nga sẽ xoay sở ra sao trong điều kiện phải hứng chịu các lệnh cấm vận ngặt nghèo, khiến nguồn cung chất bán dẫn và chip xử lý tốc độ cao từ nước ngoài bị chặn đứng.