Mỗi sáng, ông Phan Văn Hùng (60 tuổi) lại chọn cho mình một góc trên đường Thành Thái, TP. Quy Nhơn (Bình Định) để nhận đánh bóng lư đồng. Ảnh: Trương Định.
Dụng cụ hành nghề của ông Hùng đơn giản, gồm chiếc mô-tơ, một số vật dụng khác như bánh tẩy, bàn chải, vải sạch, sáp để đánh bóng. Ông Hùng cho biết, để đánh được lư đồng đẹp, sáng bóng không khó, nhưng đòi hỏi người làm nghề phải tỉ mỉ và cũng cần một chút kinh nghiệm. Ảnh: Trương Định.
“Từ 15 tháng Chạp trở đi là bắt đầu nhiều người đem lư đồng đến đánh bóng. Công việc một năm chỉ có lần nên tranh thủ kiếm thêm tiền lo sắm Tết. Hơn hết, bản thân cũng tâm niệm rằng sự linh thiêng, khi lư đồng được đánh bóng tạo không gian sạch đẹp, trang nghiêm trên mỗi trang thờ của các gia đình”, ông Hùng chia sẻ. Ảnh: Trương Định.
Không riêng gì Quy Nhơn, thời điểm này trên nhiều tuyến đường phố, khu vực chợ, không khó để tìm các tấm bảng “nhận đánh bóng lư đồng”. Mỗi bộ lư đồng đối với các gia đình như là "báu vật" gia truyền, được trân trọng, có giá trị tinh thần lớn. Nghề đánh bóng lư đồng luôn đòi hỏi phải cẩn thận. Ảnh: Trương Định.
Tùy theo kích thước và độ khó, khi đánh bóng người thợ sẽ có những mức giá khác nhau đối với các bộ lư đồng, giá dao động từ 100.000 - 300.000 đồng. Ảnh: Trương Định.
Trong các công đoạn thì khó nhất là khâu đánh bóng, đòi hỏi phải có kinh nghiệm, tập trung cao, bởi chỉ cần lơ là một chút có thể làm hư chi tiết trên lư đồng, thậm chí lư đồng văng ra khiến người thợ bị thương. Ảnh: Trương Định.
Theo những người thợ, việc khách hàng tin tưởng mới giao cho mình vì thế nghề này phải đặt cả cái tâm để làm. Do vậy, phải làm cẩn thận, đảm bảo độ sáng bóng, không để lư đồng bị trầy xước, biến dạng, mất đồ. Ảnh: Trương Định.
Trương Định